Chuyên đề

Ngắn ngủi…"tuổi yêu"

07:26, 22/11/2014 (GMT+7)

Khi không thể cùng chọn cái kết có hậu như lời chúc phúc sống đến “đầu bạc răng long”, nhiều đôi vợ chồng trẻ chọn cách đưa nhau ra tòa ly dị sau vài ba năm chung sống vì những lý do mà theo một số nhà phân tích tâm lý: đôi khi rất nhỏ nhặt và trẻ con.

Không chịu lắng nghe khi nói chuyện với nhau là một trong những nguyên nhân khiến gia đình trẻ tan vỡ. (Ảnh minh họa: Internet)
Không chịu lắng nghe khi nói chuyện với nhau là một trong những nguyên nhân khiến gia đình trẻ tan vỡ. (Ảnh minh họa: Internet)

Nghìn lẻ một nguyên nhân

Trong một quán cà-phê trên đường Hoàng Văn Thụ, Ng. (nhà ở quận Sơn Trà) nói mình vừa chia tay chồng sau 4 năm chung sống. Tất cả đều bất ngờ bởi chính Ng. cũng chưa từng hình dung cuộc tình hơn 12 năm yêu, cưới lại kết thúc ở tòa, nơi đứa con trai hơn 3 tuổi bối rối khi nhìn thấy vẻ lạnh lùng của ba và giọt nước mắt tủi hờn của mẹ.

Yêu chồng từ những năm học chung cấp 3, tốt nghiệp THPT xong, Ng. vào đại học viết tiếp giấc mơ đến trường còn người yêu xếp bút nghiêng trở thành anh chàng lái xe tải đường dài. Sau hai năm ra trường, Ng. rạng ngời hạnh phúc sánh vai cùng anh lái xe nước da đen nhẻm khiến bạn bè có chút ái ngại, xen lẫn trầm trồ trước tình yêu vượt qua nhiều thử thách ấy.

Ngồi lặng yên trước ly cà-phê đen, Ng. kể về những rạn nứt không thể hàn gắn trong mình xen lẫn tiếng thở dài: “Từ khi làm vợ anh, sự tự tin trong em mất dần vì anh hay ghen tuông, tra hỏi mỗi khi em làm về muộn. Mặc bộ váy đẹp anh cũng xét nét khó chịu, thêm mẹ chồng nói vô khiến em cảm thấy ngột ngạt, bức bí không chịu được. Ngoài thời gian 8 tiếng tại cơ quan, anh không cho em giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, chỉ đi khi có anh. Sống với nhau em mới biết, có những sự khác biệt sẽ dẫn tới rạn vỡ, mà nếu cả hai không cùng cố gắng để xóa đi sự khác biệt thì sẽ vô cùng mỏi mệt”.

Chuyện các đôi uyên ương trẻ cưới nhau chưa được bao lâu đã kéo nhau ra tòa ly hôn như Ng. không hiếm gặp trong thực tế hiện nay. Ông Trương Minh Tuấn, Chánh án Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận 305 đơn xin ly hôn, trong đó phần lớn có “tuổi hôn nhân” từ 2 đến 3 năm, nguyên nhân được các bên đưa ra chủ yếu do mâu thuẫn quan điểm sống, cách nhìn nhận vấn đề, người chồng sáng xỉn chiều say, bỏ bê vợ con. Trong đó, có nhiều cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa do không tự chủ về kinh tế, sống phụ thuộc vào bố mẹ, tuy nhiên những trường hợp này phần lớn hòa giải thành công.

Cũng theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi ly hôn đôi khi cũng rất trẻ con, như: chồng đi nhậu với bạn bè không dẫn vợ cùng đi (như thuở mới yêu), chồng/vợ trẻ con, không nhớ ngày kỷ niệm, cuộc sống sau hôn nhân không lãng mạn, hay đơn giản là tị nạnh nhau trong việc đưa đón, chăm sóc con cái…

Nhiều cô vợ trẻ có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình khi nhận thấy những rạn nứt trong đời sống hôn nhân của mình đã tìm đến Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng nhờ giúp đỡ, như trường hợp của P.T (24 tuổi) nhà ở quận Thanh Khê.

Kết hôn năm 20 tuổi, P.T cùng chồng thuê phòng trọ trên đường Trần Cao Vân mở tiệm may gia công với mong muốn xây dựng tổ ấm mới. Cuộc sống chưa kịp ổn định thì P.T sinh đứa con đầu lòng khiến công việc may vá trì trệ, chi tiêu thiếu trước hụt sau. Trong thời gian này, chồng T. lại nảy ra “bệnh lười, hay dỗi”, hễ vợ hơi nặng lời là lấy xe máy đi chơi đến tối mịt mới chịu về ngủ, nhiều ngày không thèm nhìn mặt vợ con...

Thương con còn quá nhỏ,  P.T đã thử đủ mọi cách, từ giận dỗi, dỗ ngọt đến thì thầm to nhỏ nhưng anh chồng vẫn chứng nào tật nấy, sinh hoạt vợ chồng cũng theo đó mà nguội lạnh. “Em không biết làm thế nào để chồng thay đổi, chia sẻ việc gia đình với vợ, gần gũi con cái. Nếu cứ đà này, có khi em phải ly hôn dù vẫn rất yêu chồng”, P.T chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Hương, tư vấn viên tại Trung tâm trên cho hay “những trường hợp như P.T, chúng tôi luôn cố gắng phân tích cho khách hàng thấy ly hôn chỉ là phương án cuối cùng, khi không còn sự lựa chọn nào khác. Nhiều trường hợp người này đổ lỗi cho người kia mà không nhìn thấy những khiếm khuyết của mình. Chưa kể, giới trẻ ngày nay thường nghĩ về hôn nhân rất đơn giản: yêu thì cưới, sống không hợp thì chia tay mà không nghĩ đến hậu quả cùng hệ lụy mà chính mình và con cái sẽ gặp phải”.

Chỉ yêu thôi chưa đủ

Thông tin chúng tôi khảo sát tại Tòa án Nhân dân các quận cho thấy, những năm gần đây, vợ chồng trẻ có trình độ học vấn cao nộp đơn xin ly hôn chiếm hơn 70% án hôn nhân. Một thẩm phán (xin giấu tên) chuyên xử các vụ ly hôn tại quận Thanh Khê nói rằng dường như sự tự tin trong giao tiếp, khả năng kiếm tiền lẫn quan hệ xã hội rộng trở thành chất xúc tác giúp giới trẻ dễ dàng đưa ra quyết định “đường ai nấy đi”.

Mặt khác, sự tự tin cũng khiến bạn trẻ vội vàng kết hôn khi chưa kịp trang bị cho mình kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; không biết bày tỏ trách nhiệm với hai bên gia đình nội, ngoại, cách xử lý những tình huống nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt vợ chồng dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn và tìm cách giải quyết bằng ly hôn. Lạm dụng cụm từ “ly hôn” trong giao tiếp giữa hai vợ chồng hay “dọa ly hôn” trở thành một thói quen xấu của nhiều gia đình trẻ. Thậm chí một số cặp còn viết đơn ly hôn có đủ chữ ký để sẵn trong ngăn kéo, khi mâu thuẫn, cãi vã lại đem ra “dí” vào mặt nhau. Đôi khi, một lần đưa đơn ra tòa, dẫu là “dọa” hay thật cũng trở thành vết thương lòng rất khó hàn gắn.

Trước thực trạng ly hôn trong giới trẻ đáng báo động như hiện nay, một số nơi như Hà Nội, Sài Gòn đã bắt đầu mở “lớp học tiền hôn nhân”, trang bị kiến thức, kỹ năng, bài học về tình yêu, giới tính, các tình huống thường gặp trong đời sống vợ chồng thì ở Đà Nẵng, xu hướng này vẫn chưa hình thành.

Chị Trịnh Thị Hương cho biết, phần lớn khách hàng tìm đến Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn thiếu kiến thức về hôn nhân, gia đình. Do tâm lý e ngại phải “nói chuyện nhà mình” nên các chị thường đến trung tâm một lần dẫn đến kết quả cuộc tư vấn như thế nào, trung tâm rất khó nắm bắt. “Thời gian tới nếu có điều kiện, Đà Nẵng cần mở những “lớp học tiền hôn nhân” cho sinh viên, công nhân, viên chức trẻ để trang bị kiến thức không chỉ cho bạn nữ mà cả bạn nam trước ngưỡng cửa kết hôn, giúp họ trang bị kỹ năng bảo vệ hạnh phúc gia đình”, chị Hương nói.

Một tình yêu chân thành là khởi đầu tốt đẹp cho cuộc hôn nhân bền vững nhưng nếu không biết cách chăm sóc, khéo léo xử lý các tình huống phát sinh như đã nói ở trên, cuộc hôn nhân đó có thể đi vào ngõ cụt. Nhiều khi cần phải hạ “cái tôi” xuống để biết mình sai ở đâu, dung hòa tính cách với người “đầu ấp tay gối”. Tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Khi có những mâu thuẫn phát sinh không được giải quyết triệt để thì sự đổ vỡ trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi, dù không ai mong muốn nỗi buồn đó sẽ đến với mình.

TIỂU YẾN

.