Chuyên đề

Ly hôn trong cổ tích Việt

07:24, 22/11/2014 (GMT+7)

Nếu hiểu ly hôn là sự chia tay giữa hai vợ chồng đang chung sống thì trong cổ tích Việt từng xuất hiện nhiều vụ ly hôn đầy ấn tượng.

Trước hết có thể kể tới vụ ly hôn trong Sự tích Con muỗi. Chuyện kể rằng sau khi được người-chồng-ân-nhân nhỏ cho ba giọt máu để tái sinh, thay vì cùng chồng tiếp tục sống hạnh phúc như xưa, người vợ lại nhất quyết chia tay.

Có thể là ban đầu người vợ vì gian kế của người khách thương mà rời bỏ chồng: “Khi thấy hai vợ chồng nằm ngủ, người khách thương đi nhẹ đến thức riêng người vợ dậy, mời nàng xuống thuyền đậu kề đó để hắn biếu một món trang sức: Thuyền của tôi chỉ cách đây mươi bước. Bà không phải đợi lâu đâu! Nghe nói thế, lòng người đàn bà bỗng thấy lay chuyển. Nàng đứng lên, đi theo người khách thương xuống thuyền. Chỉ trong nháy mắt, theo ám hiệu của chủ, bọn thủy thủ chiếc thuyền buôn nhổ neo và giong buồm cho thuyền chạy mất” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi).

Đá Trông chồng hay đá Vọng phu ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. (Ảnh minh họa: Internet)
Đá Trông chồng hay đá Vọng phu ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên lúc người chồng vừa đuổi kịp chiếc thuyền buôn để tìm gặp vợ thì rõ ràng người vợ chủ động muốn ly hôn với chồng: “Khi nhìn thấy vợ ngồi trong thuyền khách thương, người chồng nói với vào: Nàng cứ nhảy ra đây... Tôi không thể sống xa nàng được... Tôi sẽ làm cho nàng sung sướng... Nhưng người vợ trả lời chồng: Chàng về đi! Em đành phụ chàng. Chàng tha thứ cho em vậy. Rồi đưa cho chồng một gói vàng: Chàng hãy nhận lấy vật này và coi như em đã chết từ hôm nào rồi” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Có thể thấy nguyên nhân của vụ ly hôn này là do người vợ không cưỡng lại được sức cám dỗ của xa hoa vật chất, và do vậy mà dân gian đã không đứng về phía nàng.

Trong Sự tích Con muỗi, dân gian không đứng về phía người vợ và thậm chí còn buộc nàng phải trả giá cho quyết định chia tay của mình bằng cái chết, bằng sự hóa thân thành con muỗi. Đây là một ứng xử đạo lý không liên quan đến bình đẳng giới, bởi trong một thiên cổ tích khác, khi người phụ nữ chủ động chia tay chồng, dân gian đã tỏ rõ sự đồng tình với quyết định ly hôn ấy. Đó là vụ ly hôn trong Sự tích Táo quân.

Chuyện kể về vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ. Một hôm Trọng Cao giận quá đã đánh vợ khiến Thị Nhi uất ức bỏ nhà ra đi. Có thể rạn nứt trong tình cảm vợ chồng giữa Trọng Cao và Thị Nhi bắt nguồn từ chỗ thiếu chiếc cầu nối là con cái, nhưng lý do chủ yếu và trực tiếp dẫn tới ly hôn ở đây chính là bạo lực gia đình. Thị Nhi đã nói không với bạo lực gia đình - dù chỉ một lần - và dân gian đã đứng về phía nàng.

Dân gian cũng đứng về phía người phụ nữ trong thiên cổ tích Gái ngoan dạy chồng. Giống như Thị Nhi, người phụ nữ thông minh và nhân hậu này cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình - không phải một mà là nhiều lần, nhưng khác với Thị Nhi, nàng bị chồng buộc phải ly hôn: “Nhiều lần vì vợ cản trở không cho đi đánh bạc, người chồng đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi người. Một hôm để khỏi vướng, hắn ta viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi).

Trong cả ba thiên cổ tích dẫn trên, không thấy dân gian nhắc đến con cái như là nạn nhân của ly hôn, bởi lẽ không đôi vợ chồng nào có con. Tuy nhiên cổ tích Việt lại có Sự tích đá Vọng Phu kể về một vụ ly hôn độc đáo - độc đáo vì có một cháu bé là nạn nhân của ly hôn và nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do hôn nhân đồng huyết: “Khi nghe người vợ giải thích vì sao mình có cái sẹo lớn trên đầu, nét mặt của người chồng càng lúc càng biến sắc khi biết là lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha mẹ, tin quê quán do vợ nói ra. Nhưng người chồng vẫn cố ngăn cảm xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết. Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng. Có điều lòng người đàn ông thì không thể nào yên lặng được nữa. Như thường lệ, anh ta lại chở lưới ra biển để đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lại. Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mỏi mòn. Tại sao sau khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền trở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt. Mà chồng mình là người chí thú làm ăn và rất thương con mến vợ. Thật là khó hiểu. Mỗi chiều, nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt…Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Có lẽ đây là vụ ly hôn bi tráng vào bậc nhất trong cổ tích Việt.

Cổ tích Việt còn có truyện Trinh phụ hai chồng kể về một người phụ nữ phẩm hạnh tuyệt vời từng trải qua hai lần ly hôn. Lần chia tay thứ nhất là do người chồng cũ mắc bệnh phong nên chủ động bỏ nhà ra đi biệt xứ để buộc nàng không còn cách nào hơn là phải chấp nhận ly hôn: “Bệnh phong của người chồng ngày một đáng sợ hơn. Anh ta luôn cố khuyên vợ trở về với mẹ đẻ để khỏi vì mình mà khổ thân, tuy vậy người vợ vẫn kiên quyết ở lại. Một hôm, để cho vợ khỏi chịu thiệt thòi, người chồng lẻn ra đi, để lại cho vợ một phong thư nói mình sẽ không bao giờ trở về nhà nữa và cho phép vợ tự do đi lấy chồng khác” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi).

Chờ chồng được mấy năm, nghĩ rằng chồng bệnh nặng mà qua đời hoặc không chừng đã tìm đến cái chết, người vợ đành đi bước nữa và cùng người chồng mới sinh hạ hai con trai, sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng qua một cuộc phát chẩn của người chồng mới - lúc ấy đã đỗ tiến sĩ và ra làm quan, nàng biết được tin người chồng cũ. Hóa ra anh ta vẫn còn sống, bệnh vẫn nặng và được người chồng mới ưu ái khi phát chẩn do quý trọng tài năng của anh ta.

Nàng định âm thầm giúp đỡ người một thời mình yêu thương hết mực nên đã thuyết phục người chồng mới đồng ý cho người-hành-khất-đặc-biệt vào trú ngụ nơi một góc vườn nhà. Thời gian sau, một hôm người chồng cũ tình cờ uống nước có ngâm xác một con trăn trắng và tự dưng khỏi bệnh, tiếp tục học hành và rồi cũng thi đỗ tiến sĩ. Người vợ lại rơi vào tình thế giống như Thị Nhi trong Sự tích Táo quân khi gặp lại Trọng Cao ngay ở nhà Phạm Lang, nhưng chỉ qua một đêm, đám cháy nơi ổ rơm đã sớm kết thúc câu chuyện của Thị Nhi, còn người vợ trong Trinh phụ hai chồng thì hết ngày dài lại đêm thâu…

Cuối cùng nàng đành tự mình lựa chọn giải pháp ly hôn lần thứ hai: “Tất cả những việc đó xảy ra làm cho người đàn bà vừa mừng vừa đau khổ. Nàng thấy mình không thể chịu đựng âm thầm mãi như vậy được. Khi nghe tin chồng cũ thi đậu tiến sĩ sắp sửa vinh quy, nàng viết một bức thư rất dài kể hết nông nỗi của mình cho người chồng mới biết. Nàng xin chồng tha lỗi về sự giấu giếm của mình bấy lâu nay. Có hai đứa con trai, nàng xin một đứa cho làm con nuôi ông nghè mới. Đoạn nàng trốn chồng con, bỏ đi biệt” (theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Dường như qua các cuộc ly hôn trong cổ tích Việt, người phụ nữ bao giờ cũng hứng chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới. Mà… không chỉ trong cổ tích Việt và không chỉ trong cổ tích!   

BÙI VĂN TIẾNG

.