Chuyên đề
Cây xanh đô thị ở Đà Nẵng
Trồng cây xanh, người Đà Nẵng phải nghiền ngẫm nghĩ ngợi nhiều hơn thiên hạ, bởi với Đà Nẵng và những tỉnh/thành phố duyên hải như Đà Nẵng, cây xanh không chỉ xòe ô che nắng (mượn chữ của nhà thơ liệt sĩ Minh Chính trong bài thơ Đi học) tạo nên bóng mát hay làm lá-phổi-thiên-nhiên mang lại không khí trong lành cho cư dân đô thị, mà còn phải hóa thành vệ-sĩ-bờ-biển hay làm lá-chắn-thiên-nhiên kìm cản gió bão thổi từ ngoài biển vào đất liền - cũng như vào các đảo lớn nhỏ/chìm nổi ở Hoàng Sa (xin nói thêm rằng thời vua Minh Mạng, trồng cây xanh ở Hoàng Sa còn nhằm mục đích làm dấu cho thuyền bè dễ nhận ra đảo để tránh không đâm va thuyền vào đảo).
Không phải ngẫu nhiên mà bốn mươi năm trước, Tố Hữu từng hình dung nước Việt Nam thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà qua câu thơ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước (trong bài thơ Vui thế hôm nay) - rừng dương phía bắc và rừng đước phía nam đều là vệ-sĩ-bờ-biển/lá-chắn-thiên-nhiên hiên ngang trấn giữ ở hai đầu Tổ quốc…
Với Đà Nẵng cây xanh còn góp phần tạo nên mỹ quan đô thị, làm đẹp các con đường. Ảnh: MINH TRÍ |
Năm 2013, sau khi hàng ngàn người dân Philippines thiệt mạng vì siêu bão Haiyan, Tổng thống Benigno Aquino chỉ thị cho các địa phương duyên hải của Philippines trồng thêm rừng đước để hạn chế tác hại của những cơn bão dữ dằn như Haiyan. Không phải người Philippines “mất bò mới lo làm chuồng”, Chính phủ Philippines từng sớm khuyến khích việc trồng đước ở vùng ven biển để chắn sóng - trong thảm họa Haiyan có không ít con sóng cao đến năm mét đánh sâu vào bờ, nhưng đáng tiếc nhiều vùng rừng đước ở Philippines trước đó đã bị chiếm dụng cho các mục đích thương mại, như là bị chặt phá để lấy gỗ…
Bão Xangsane 2006 không dữ dằn bằng siêu bão Haiyan 2013 nhưng người Đà Nẵng vẫn nhớ như in cảnh cát biển bị sóng cuốn phăng lên bờ, phủ dày hàng tấc trên mặt đường Hoàng Sa và đường Trường Sa. Chính vì thế sau bão Xangsane, Đà Nẵng đã tiến hành trồng thử nghiệm 1,5 héc-ta phi lao - loài cây có thể sống tốt ở vùng cát, thân dẻo dai có khả năng chống chọi được gió bão - ở phường Hòa Hiệp Nam.
Lá-chắn-thiên-nhiên bằng phi lao ở Hòa Hiệp Nam năm 2006 phát huy tốt tác dụng phòng hộ ven biển, do vậy đến năm 2010, Đà Nẵng trồng thêm 11 héc-ta phi lao dọc bãi biển ở các phường Hòa Hiệp Bắc, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Phước Mỹ, Mân Thái và đến năm 2011, được tổ chức phi chính phủ Challenge to change/Thách thức thay đổi hỗ trợ kinh phí, Đà Nẵng trồng thêm 3,3 héc-ta phi lao nữa ở bãi biển các phường Hòa Hiệp Nam, Thọ Quang… Nỗ lực trồng phi lao phòng hộ ven biển của Đà Nẵng như thế rất đáng kể, nhưng so với nhiều địa phương duyên hải khác - ai đến Cửa Lò đều có thể tận mục sở thị rừng phi lao như một bức trường thành ven biển chạy song song với đường Bình Minh, từ đó có thể nhận ra tư duy phòng hộ của người Nghệ An sâu sắc thế nào - và so với yêu cầu gầy dựng bức-tường-xanh kìm cản cuồng phong thổi từ biển vào, vẫn rất cần được tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cây - hiện nay ở Đà Nẵng chỉ có thể gọi là trồng được những hàng phi lao chứ chưa thể gọi là những rừng phi lao…
Trồng cây xanh, người Đà Nẵng phải nghiền ngẫm nghĩ ngợi nhiều hơn thiên hạ, bởi với Đà Nẵng và những thành phố như Đà Nẵng, cây xanh còn góp phần tạo nên mỹ quan đô thị - làm đẹp các con đường. Cả thành phố chỉ trồng một loại cây thì dễ gây đơn điệu về cảm xúc thẩm mỹ, nhưng đa dạng đến mức hỗn tạp theo kiểu có cây gì trồng cây nấy, trống chỗ nào trồng chỗ đó cũng sẽ góp phần làm… xấu phố phường. Chính vì vậy cần chọn loại cây xanh đường phố thích hợp với từng con đường hay chí ít với từng đoạn đường.
Tuy nhiên dễ nhận thấy Đà Nẵng đang loay hoay trong việc trả lời câu hỏi: cây nào thì thích hợp với đường phố? Ở đây có một số đòi hỏi khắt khe như cây phải cao để có nhiều bóng mát nhưng lại phải dẻo dai để không gãy đổ vì gió bão, rễ cây phải vững chãi nhưng không được gồng mình phá vỡ vỉa hè và công trình ngầm dưới lòng đất, có hương thơm nhưng không nồng độc; từ đó càng lúng túng khi trả lời các câu hỏi: cây gì thì thích hợp với con đường này? Cây gì thì thích hợp với đoạn đường kia?...
Tìm giải pháp cho cây xanh đô thị Đà Nẵng đang còn là bài toán khó. Ảnh: MINH TRÍ |
Mỹ quan đô thị không chỉ thể hiện ở những con đường/đoạn đường xanh và đẹp nhờ được trồng cây thích hợp mà còn thể hiện ở những công viên sinh thái - cũng là những bộ sưu tập các loài cây vừa quen thuộc phổ biến vừa mới lạ độc đáo, hay ở những công trình công cộng như trường học, như bệnh viện, như chợ… Nên nhớ, Đà Nẵng từng có chợ Cây Me đường Hoàng Diệu hay chợ Vông Đồng đường Trưng Nữ Vương, hoặc ở những khu dân cư hiện đại kiểu như khu biệt thự Đảo Xanh, như khu chung cư Nest Home 1 trên đường Chu Huy Mân…
Đà Nẵng rất nên nhân rộng mô hình khu-chung-cư-xanh này: mỗi căn hộ ở đây đều có một hướng nhìn ra phía ngoài đường đi lối lại và một hướng nhìn vào phía trong công viên nội bộ rộng hơn năm ngàn mét vuông... Ở một địa phương núi trong lòng thành phố (mượn lời bài hát Đà Nẵng tình người của Đình Thậm và Ngân Vịnh) như Đà Nẵng, mỹ quan đô thị còn thể hiện ở những núi đồi có cây và mây quanh năm che phủ - nhất là ở các khu rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà…
Nghiền ngẫm nghĩ ngợi như vậy về cây xanh đô thị để thấy Đà Nẵng còn rất khó nhọc trầm luân trên hành trình đi đến một thành phố xanh - cũng là hành trình đi đến một thành phố đáng sống. Thời gian qua Đà Nẵng từng nỗ lực và quyết tâm rất lớn để được thiên hạ vinh danh là thành phố của những cây cầu; thời gian đến Đà Nẵng càng phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa, càng phải thật sự đổi mới cách nghĩ cách làm thì mới mong có ngày được thiên hạ vinh danh là thành phố của những cây xanh. Điều đáng chú ý là có địa phương từng được vinh danh và thực tế rất xứng đáng là thành phố của những cây xanh nhưng gần đây lại cho đốn hạ thẳng tay hàng ngàn cây xanh vẫn đương sung sức. Đà Nẵng không nên đi theo vết xe đổ này. Cần nhớ rằng, chỉ một chút nữa thôi là cây đa hơn một trăm năm mươi năm tuổi ở chân thành Điện Hải đã nhất khứ bất phục phản/một đi không trở lại (mượn chữ của Thôi Hiệu trong bài Đường thi Hoàng Hạc lâu)…
BÙI VĂN TIẾNG