Chuyên đề
Vườn chung của phố
Những vườn dạo nằm trong lòng khu dân cư được ví như “thung lũng xanh” để tránh khói bụi, xe cộ và tiếng ồn.
Vườn dạo là nơi kết nối, lôi kéo trẻ em về với các trò chơi truyền thống năng động và mộc mạc xưa kia. TRONG ẢNH: Trẻ em chơi đùa trong vườn dạo nằm trên góc đường Trần Kim Bảng và Bãi Sậy (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).Ảnh: M.T |
Không gian hẹp, được bao bọc bởi những ngôi nhà cao tầng xung quanh nhưng vườn dạo vẫn có tâm hồn và nhịp sống riêng, vẫn êm đềm đón nắng trải dài trên thảm cỏ xanh mỗi chiều, vẫn hào phóng để trăng đêm ló dạng sau những tòa bê-tông, vẫn ấp ủ tuổi thơ giúp trẻ con trong khu phố qua những trò chơi lấm lem, mướt mồ hôi…
Giữa trưa hè oi ả, cái nắng miền Trung gay gắt phả xuống khiến mặt đường bê-tông như bốc khói. Len lỏi mệt nhoài giữa những con hẻm nhỏ, người đi đường có lẽ sẽ phải ồ lên khi bắt gặp vườn dạo nằm trên góc giao nhau giữa đường Trần Kim Bảng và Bãi Sậy (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Không gian mở của vườn dạo giúp hút gió, thảm cỏ xanh um, non mướt đan xen bởi những bông hoàng lạc thảo nhỏ xíu khiến khu vườn trở thành một chiếc điều hòa khổng lồ. Đây là nơi mỗi sáng người lớn tập thể dục, trẻ nhỏ phơi nắng, mỗi chiều trẻ con nhảy dây, đạp xe chứ không còn ru rú trong nhà làm bạn với ti-vi, điện thoại thông minh và mạng xã hội như trước.
Nhà ngay cạnh khu vườn dạo, ông Võ Đức Phùng (tổ trưởng tổ dân phố 43) hãnh diện khoe: “Nơi đây từng là một sân rộng bằng bê-tông khô khốc, nhiệt lượng từ trên cao tỏa xuống được mặt đường hút trọn vẹn và dội ngược trở lại khi mặt trời tắt nắng. Vào mùa hè, cả ngày lẫn đêm, khu phố như nằm trong chảo lửa. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi lãnh đạo thành phố quyết định cải tạo sân bê-tông giữa ngã tư này thành vườn dạo. “Nhất cận thị, nhì cận giang”, tuy nhiên, giờ đây, nhất phải là cận… vườn dạo”.
Là người gốc Hà Nội nhưng do thèm được trải nghiệm cuộc sống gắn liền với màu xanh cây cỏ, cô Nguyễn Thị Lan Hương quyết định rời thủ đô để về sống tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng – nơi có khu vườn dạo được bao phủ bởi màu xanh non, xanh đậm của rất nhiều loại cây, nơi yên bình để chim chóc ríu rít từ khi mặt trời mọc cho đến lúc chạng vạng. Đây là khu vườn chung của cả phường, có 4 mặt tiền là đường An Hải 20, Cổ Mân 1, Cổ Mân 2 và Cổ Mân 3.
Cô Lan Hương cho rằng, có lẽ là không ngoa khi khẳng định vườn dạo là nơi kết nối, lôi kéo trẻ em về với các trò chơi truyền thống năng động và mộc mạc xưa kia. Cứ chiều về, sau giờ tan học, khu vườn xanh của khu dân cư lại đông đúc nhộn nhịp. Dăm ba trẻ đạp xe thành vòng tròn xung quanh vườn, vừa đạp vừa trò chuyện với nhau, đôi khi cả thi thố thắng - thua. Những câu chuyện không đầu không cuối, những tràng cười bất tận dường như khiến quãng đường duy nhất xung quanh vườn dạo chưa bao giờ tẻ nhạt. Dăm ba trẻ khác lại chia phe chơi ù hay dung dăng dung dẻ. Bài đồng dao “dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đi đến cổng trời, gặp cậu gặp mợ, cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp, ngồi xệp xuống đây…” dường như chỉ còn trong quá khứ hay các ngõ xóm, bãi đất thênh thang ở nông thôn nay lại rộn rã vang lên giữa lòng thành phố.
“Diện tích vườn dạo không lớn nhưng lại có sức hút khó cưỡng với trẻ em. Chỉ cần nghe tiếng bạn gọi, tiếng cười đùa vọng từ xa, con tôi lại tự động dừng di di ngón tay trên màn hình iPad, iPhone để hăm hở lao ra sân chạy nhảy, tham gia vào những trò chơi lử cả chân tay, khản cả giọng vì hò hét để rồi chỉ quay về nhà khi trời đã mịt mù tối”, cô Lan Hương nói.
Theo ông Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, Sở Xây dựng thì trong quá trình đô thị hóa nhanh vừa qua, do áp lực tái định cư, Đà Nẵng đã phải hy sinh nhiều không gian thiên nhiên đẹp cho những con đường thẳng tắp nhưng nắng nôi vì thiếu những tán cây, những ngôi nhà bề thế nhưng ít hồn vía do tách biệt với không gian xanh công cộng. Đà Nẵng dường như cũng bị hâm nóng theo thời gian. Đây là lúc thành phố nhận ra, cây xanh đô thị là một trong những tiêu chí quan trọng để Đà Nẵng hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển “thành phố môi trường”, “thành phố hấp dẫn và sống tốt” trong tương lai.
Ông Nguyễn Phúc Thọ, Trưởng phòng Đô thị 1, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho rằng thành phố biển vẫn còn cơ hội để mang lại những mảng xanh có khả năng lọc ô nhiễm, tiếng ồn, mang lại không gian thoáng đãng cho người dân. Theo đó, tư duy quy hoạch hiện nay và trong tương lai sẽ không còn tình trạng để bê-tông “nuốt chửng” cây cối, sẽ không “bủn xỉn” trong việc bố trí những mảng xanh và không gian sống mở. Bởi đây là nơi gắn liền với những giá trị thật của cuộc sống, nơi những mảnh vườn chung được chăm sóc bởi người dân trong khu phố, nơi cây cối bền bỉ, thầm lặng giúp tâm hồn con người phong phú hơn, chân thiện hơn.
MAI CHI MAI