Chuyên đề

Trao quyền cho trẻ

07:06, 23/05/2015 (GMT+7)

Phương pháp gần gũi và học hỏi từ thiên nhiên chính là cách nhanh nhất để giúp con trẻ có cách sống mạnh khỏe và cứng cáp.

Các em Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí trong một buổi học thực tế ở vườn sinh thái. Ảnh: Q.T
Các em Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí trong một buổi học thực tế ở vườn sinh thái. Ảnh: Q.T

Một người bạn từng tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở một trường tiểu học kể với người viết rằng, cô giáo tổ chức trò chơi thi cởi cúc áo và cài cúc áo nhanh nhất dành cho các em học sinh nam lớp 2, một điều bất ngờ là có gần 50% các em không làm được! Lý do là những việc tưởng chừng như hết sức đơn giản này, thường do mẹ làm thay. Cách nuôi dạy của các bậc cha mẹ hiện nay đã khiến chúng ta có thể kể ra vô vàn câu chuyện tương tự.

Thiếu vốn sống cũng là một hệ quả của việc khư khư giữ con trong nhà của nhiều bậc phụ huynh. Chuyện những học sinh lớp 8, 9 không phân biệt được lá rau lang, hay giàn bầu, giàn bí, con heo hay con trâu, con bò không phải là chuyện hiếm.

Nhìn ra các nước, có thể thấy, Nhật Bản đang là đất nước có nền giáo dục được cha mẹ trẻ Việt học hỏi. Họ có phương pháp để giúp con trẻ có cách sống tự lập sớm. Người Nhật luôn muốn trẻ phải biết tự làm những chuyện mà độ tuổi của mình nên biết, từ việc tự thức dậy đúng giờ vào buổi sáng; tự mặc quần áo; tự mang ba-lô, trèo từng bậc  tam cấp để vào lớp (mẫu giáo) đến tuổi lớn hơn, tự mang cơm đến trường để ăn trưa, và căng mình trong các chuỗi huấn luyện trong các mùa hè hay mùa đông khắc nghiệt với những nội dung khá căng thẳng.

Người Nhật luôn sợ con họ không làm được những việc căn bản, đồng nghĩa với việc nắm chắc thất bại trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi còn ở bậc tiểu học, các em đã có thể tự đi xe điện ngầm hoặc đi xe buýt đến các địa điểm cần đến. Điều này, dường như xa lạ với chúng ta, khi nhiều học sinh lớp 9 đến lớp 12 rất muốn có xe đạp để vừa tự lập, vừa luyện sức khỏe, nhưng tuyệt đối không nhận được sự đồng ý của cha mẹ vì sợ tai nạn giao thông, sợ con ham chơi, sợ con trốn học, sợ con vất vả nắng mưa…

Giúp trẻ  trải nghiệm

Ông Nguyễn Hoàng Minh Tân,  chuyên gia tâm lý thực hành, Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương cho biết, nhiều phụ huynh vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ bằng cách làm thay cho con quá nhiều việc. Trẻ bị té ngã, ăn uống rơi vãi lung tung… cũng là dịp để trẻ trải nghiệm. Vì thế, cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân.

Tâm lý “nhà ít con” càng khiến cha mẹ, ông bà quan tâm, lo sợ, quản lý thái quá những vấn đề của con trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động. Những thói quen tự chăm sóc cơ bản trở nên xa lạ đối với trẻ. Một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống tầm gửi, ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, cha mẹ cần có những thay đổi trong cách suy nghĩ của mình đối với con trẻ, trao quyền nhiều hơn cũng như tạo điều kiện để trẻ tự làm nhiều hơn dưới sự định hướng của cha mẹ.

Để điều chỉnh sự thiếu hụt kỹ năng sống của trẻ, ở một số  trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hiện nay, việc “học từ thiên nhiên”, “học bằng trải nghiệm”, “học kỹ năng sống”… không còn quá xa lạ. Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí, quận Hải Châu có hẳn một khu vườn sinh thái trồng đủ các loại cây trái và vật nuôi ở gần hầm đường bộ Hải Vân. Nhờ đó, khi trường tổ chức các hội chợ quê cho trẻ vào mỗi tháng với một chủ đề khác nhau, trẻ không còn bỡ ngỡ và lạ lẫm.

Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng của trường cho biết, các bé đa phần đều rất háo hức khi được tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Phương châm giáo dục của nhà trường là “trăm nghe không bằng một thấy”, đặc biệt với những môn như tập làm văn, nhà trường đều tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận thực tế để trẻ nhìn thấy, sờ, nắm, có vậy trẻ mới tả được con heo, con gà, cánh đồng… một cách sinh động, cụ thể.

Việc học tập gắn liền với trải nghiệm giúp trẻ phát triển rất tốt trong những năm đầu đời và định hình phát triển sau này. Theo bà Phan Thị Thuận Nhi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, khi trẻ 5-6 tuổi là cha mẹ có thể “thả” ra để cho trẻ tự làm một số việc nhưng người lớn phải theo dõi ngầm và có điều chỉnh cho phù hợp. Việc cho trẻ được trải nghiệm, được tham gia các hoạt động ngoài trời là điều rất bổ ích và cần thiết. Tuy nhiên, đây là phương pháp hay, mới, giáo viên cũng phải tự trang bị thêm kiến thức cho chính mình, từ việc viết kịch bản, đến thực hiện chương trình, dự đoán và ứng phó các tình huống, các vấn đề phát sinh có thể xảy ra và đặc biệt, qua bài học từ thiên nhiên đó, giáo viên muốn dạy trẻ điều gì.

Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương: Thường cha mẹ thích trẻ ngoan, bảo đâu nghe đấy, nhưng những đứa trẻ đó sau này lớn lên khá thụ động. Đối với đứa trẻ năng động, cha mẹ hơi vất vả nhưng lớn lên trẻ có nhiều cơ hội thành công. Bản thân cha mẹ nên dành thời gian để học kỹ năng dạy con và giúp con thành công. Tôi cảm thấy lo lắng khi phụ huynh ngày càng quá bận bịu với công việc mà quên bù đắp tinh thần cho trẻ. Hiện nay, trẻ bị khá nhiều căn bệnh xã hội như bệnh ngón tay cái (nghiện điện thoại); nghiện game; nói dối, đua đòi... bủa vây, chính vì vậy cha mẹ nên tạo những không gian thoải mái hơn trong việc chơi và trải nghiệm thực tế để trẻ trưởng thành.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng: Điều tôi trăn trở nhất hiện nay chính là cách dạy con theo kiểu tự phát, ít quan tâm đến giúp trẻ vượt qua trở ngại khó khăn, mà chủ yếu là hỗ trợ và thay trẻ làm việc cũng như giải quyết những việc đáng ra trẻ phải tự giải quyết của cha mẹ. Tôi rất ủng hộ cách giúp trẻ quen dần với những việc mà trẻ phải làm trong tương lai tùy theo độ tuổi của trẻ. Nếu như trước đây đối với một đứa trẻ, cha mẹ có mệnh lệnh một chiều, bắt nó phải tuân thủ theo mình là dễ dàng, bây giờ chắc không thể được. Vì thế, phụ huynh cũng cần học tập, trang bị kỹ năng để hiểu, để nuôi dạy con.

QUỲNH TRANG

.