Chuyên đề
Cô gái Việt tham gia cứu trợ tại Nepal
Vượt qua muôn nỗi khó khăn, từ đầu tháng 5 đến nay, Dương Thị Như Hà (1987), quyết định một mình đến Nepal gia nhập các đoàn thiện nguyện đến từ nhiều quốc gia châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và một số nước phương Tây, Mỹ… cùng tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân Nepal khắc phục hai trận động đất lịch sử diễn ra hôm 25-4 và 12-5 khiến trên 8.583 người thiệt mạng cùng hàng chục ngàn người bị thương.
Dù là con gái nhưng Như Hà không nề hà việc phải khiêng vác những bao gạo hàng chục ký tại Nepal. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Dù khá bận rộn với công tác cứu trợ, Dương Thị Như Hà vẫn tranh thủ thời gian chia sẻ với người viết một số thông tin, hình ảnh về đất nước, con người Nepal. Hà cho biết, cũng như nhiều tình nguyện viên quốc tế đang có mặt tại Nepal, mỗi ngày, cô thức dậy từ 5, 6 giờ sáng, đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ đến Văn phòng Tổ chức hướng đạo Nepal nhận nhiệm vụ rồi tiếp tục di chuyển hàng giờ đồng hồ để đến những vị trí cần giúp đỡ.
Công việc chính của Hà tại Nepal thời gian này là giúp người dân dọn dẹp lại đống đổ nát, lau chùi những dụng cụ còn giá trị sử dụng, bốc vác hàng cứu trợ, phụ các tổ chức thiện nguyện phát gạo cứu tế. Như Hà còn dành thời gian đi khảo sát, tìm hiểu đời sống người dân rồi lập danh sách và mua hàng cứu trợ phân phối cho những gia đình thật sự nghèo khó bằng số tiền quyên góp được từ Việt Nam.
Trong một thư điện tử gửi cho tác giả bài viết vào ngày 15-5, Dương Thị Như Hà viết: “Sau hơn 10 ngày cùng sinh sống và lao động trên đất nước Nepal, đi đâu tôi cũng nhìn thấy những ngôi nhà đổ nát, đầy bụi bặm, xung quanh là đồi núi, ruộng bậc thang trồng lúa hoặc lúa mì. Có lần đi dạo ở khu lều lánh nạn của người dân ở thủ đô Kathmandu, tôi thấy một đứa trẻ chạy ra xin tiền, em nói ông nội em bị gãy cánh tay, đau lắm, em xin tiền cho ông chữa bệnh.
Rất nhiều người dân ngồi thành dãy bên ngoài hành lang để nhận gạo bố thí từ mọi người. Họ hầu hết là người nghèo, nhà cửa, tài sản gần như bị mất trắng sau trận động đất”. Những hình ảnh đó khiến Hà nhiều đêm trăn trở, canh cánh trong lòng làm thế nào để chuyến đi của mình thật sự có ý nghĩa; làm thế nào để có thể giúp đỡ, chia sẻ nhiều hơn nữa những khó khăn, vất vả trong đời sống của người dân Nepal trong khả năng tài chính vô cùng hạn hẹp.
Thực hiện mong muốn đó, thông qua thư điện tử và mạng xã hội facebook, Dương Thị Như Hà kết nối nhiều anh em, bạn bè có cùng suy nghĩ hướng thiện như cô, chia sẻ thông tin, hình ảnh và kêu gọi mọi người quyên góp giúp đỡ người dân Nepal. Bằng cách làm đó, tính đến thời điểm này, Hà đã nhận được hơn 2.000 USD tài trợ từ Việt Nam và sử dụng số tiền đó mua gạo, lương thực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Từ khi đặt chân đến đất nước này, mọi sinh hoạt hằng ngày, Dương Thị Như Hà chỉ cho phép mình chi tiêu trong giới hạn 10 USD tiền mang theo, trong đó tiền đi lại từ 3 đến 4 USD, điện thoại liên lạc 1 USD và 5 USD dành cho việc ăn uống. Hôm nào nhờ được người đưa đón thì Hà tiết kiệm được một khoản kha khá để có thể ở lại Nepal lâu hơn nữa.
Hà tâm sự: “Ở đây, bữa ăn của những người làm công tác cứu trợ thường có cơm, canh loãng và khoai tây xào súp lơ. Đó là những bữa ăn đạm bạc nhưng ý nghĩa vì bạn không thể ăn thịt bò hay cá, trứng khi bên ngoài, nơi bạn căng lều không xa là hàng ngàn người dân qua bữa bằng ngũ cốc hoặc cơm trắng. Nếu ở đây tôi có một bữa trưa đầy cá và thịt như vậy, tôi sẽ không ngần ngại nhường nó cho những em nhỏ gầy yếu và ăn tạm gói mì tôm mang theo từ Việt Nam”.
Ý chí, nghị lực cùng nghĩa cử cao đẹp của cô gái trẻ Dương Thị Như Hà đã làm lay động trái tim hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam. Thầy giáo Huỳnh Tấn Thưởng (đã về hưu), Tổ trưởng Tổ dân phố 55, phường An Khê (quận Thanh Khê), Trưởng hướng đạo sinh tại Đà Nẵng cho biết những hành động thiết thực và đầy tình cảm của Như Hà tại Nepal khiến những người hoạt động hướng đạo như ông tự hào, yêu quý. Đó là một chuyến đi thực sự quý giá để Hà tiếp tục trải nghiệm và rèn luyện bản lĩnh, ý chí, sức bền của bản thân, đúng như tên rừng mà Trưởng hướng đạo đã đặt cho em, đó là “Hải Âu bền chí”.
Tính đến thời điểm này, cô là người đầu tiên từ Việt Nam sang Nepal gia nhập đội ngũ làm công tác cứu trợ. Sau những ngày cùng sống, cùng lao động thiện nguyện trên đất nước Nepal, có lẽ điều quý giá mà cô gái trẻ này nhận được là sự quan tâm, chia sẻ giữa những con người hoàn toàn xa lạ, học cách chi tiêu, phân bổ thời gian hợp lý và thông qua những người bạn quốc tế, Hà hiểu rõ hơn về văn hóa, con người một số quốc gia. Và như Hà nói, em muốn tự vượt qua những khó khăn của mình, xem điều đó có thể quật ngã ý chí của em không. Đó cũng là bài học em muốn học trong chuyến đi không kém phần vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa này.
Dương Thị Như Hà (quê Đắk Lắk, hiện sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh) từng theo học khoa Kế toán doanh nghiệp - hệ Trung cấp tại Trường Cao đẳng Lạc Việt, Đà Nẵng, niên khóa 2008-2010, từng tham gia các hoạt động tình nguyện của Quỹ Tấm lòng vàng do Báo Lao động tổ chức năm 2009 tại Quảng Nam. Trước khi đến Nepal tham gia hoạt động cứu trợ sau trận động đất, tháng 2-2015, Dương Thị Như Hà đã có một chuyến trekking (đi bộ trên núi) cùng hai người bạn Hàn Quốc chinh phục đỉnh Tsergo Ri cao 4.984m thuộc Khu bảo tồn quốc gia Lang Tang ở Nepal. Chính tình cảm với đất nước, con người Nepal trong chuyến trekking ấy đã giúp Như Hà thêm quyết tâm một mình đến Nepal tham gia hoạt động cứu trợ. |
HUỲNH LÊ