Chuyên đề

Lay lắt hàng vải

06:58, 05/09/2015 (GMT+7)

Thời hoàng kim của hàng vải giờ đây chỉ còn là những câu chuyện ngày xưa trong ký ức của các tiểu thương.

Người bán mòn mỏi chờ người mua là tình cảnh chung của các chủ sạp vải ở chợ Hàn. Ảnh: Q.T
Người bán mòn mỏi chờ người mua là tình cảnh chung của các chủ sạp vải ở chợ Hàn. Ảnh: Q.T

Buôn bán cầm chừng

Dù đã là 4 giờ chiều, nhưng quá nửa sạp hàng vải trong chợ Cồn vẫn chưa bán mở hàng. Lối cầu thang dẫn lên hàng vải chợ Cồn như thênh thang hơn do lượng khách tới mua bán rất ít ỏi. Các chủ sạp ế hàng rủ nhau ngồi buôn đủ chuyện như để quên đi nỗi buồn ế ẩm.

Bà Hà Thị Sang (chủ sạp vải lô 48 chợ Cồn) cho biết, nếu may mắn mỗi ngày bán được vài mét vải, còn không thì mở sạp ngồi coi để giữ mối là chính. Bây giờ, quần áo may sẵn đầy rẫy, giá lại rẻ. 1 mét vải lanh trung bình 50.000 đồng, 2 mét mới may được một bộ đồ, tính thêm tiền công nữa là 200.000 đồng/bộ. Thế nhưng, bộ quần áo cũng vải lanh đó may sẵn được bán với giá 60.000-70.000 đồng/bộ thì ai người ta mua vải may đồ nữa. Tiền công đắt đỏ là nguyên nhân chính dẫn đến hàng vải ngày càng đìu hiu.

Nhiều chủ sạp thừa nhận, việc chạy chợ bây giờ chỉ là “phóng lao phải theo lao”, còn buôn bán thì mới “đắp đầu này đổ đầu kia” được, chứ “đứng lên” (nghỉ bán-PV) một cái là đổ nợ vì hàng ngàn ký lô vải không biết làm gì cho hết! Dù tình trạng buôn bán chỉ cầm chừng nhưng “mùa nào thức nấy”, các chủ sạp đều phải nhập mẫu mã mới về. Do đó, tình trạng hàng chất đống, “nằm ngủ” trong kho từ năm này qua năm khác là tình trạng chung của hầu hết các sạp hàng ở đây.

Vừa sắp xếp lại số vải ka-tê mới về vừa trò chuyện rôm rả với mấy chị em đứng quầy bên cạnh, chị Vũ Hà Diệu (chủ lô hàng vải 72, chợ Cồn), chia sẻ, nếu không có mấy bạn hàng cùng cảnh cố trụ lại thì chị cũng đóng quầy ở nhà với con rồi. “Mang tiếng là chủ lô hàng vải khang trang, chỗ ngồi sạch sẽ trong chợ nhưng tiền kiếm được hằng ngày còn ít hơn những chị bán vài rổ cá dạo. Tiền kiếm về hằng tháng chỉ đủ trả các loại phí thuê ki-ốt, thuế, an ninh, điện nước… Con cái ăn học, sinh hoạt phí… đều phụ thuộc vào thu nhập của chồng”.

Tình cảnh của các sạp vải ở chợ Hàn cũng không sáng sủa hơn. Hàng vải luôn mở bán trễ nhất chợ. Lý giải điều này, các chủ sạp chua chát cho biết, thay vì thuê người giúp việc một tháng 3 triệu đồng, buổi sáng các chị ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, từ từ rồi ra chợ vì lên sớm cũng ngồi không “tám” chuyện chứ mấy khi bán được hàng! Hơn 9 giờ sáng, cũng chỉ có vài lượt khách đi dạo xem hàng, lật lên lật xuống xem rồi lại đi.

Mỗi tháng, chi phí các loại “ngốn” của các chủ sạp vải không dưới 2 triệu đồng. Bán được thì không sao, một ngày ế ẩm là một ngày các chị như ngồi trên đống lửa!

Thời hưng thịnh nay còn đâu?

Dù đã xấp xỉ tuổi 80 nhưng bà Đà (mẹ của tiểu thương Lê Thị Nguyên, lô 47 chợ Hàn) vẫn hằng ngày cùng con gái ra chợ. Nhìn cảnh đìu hiu của hàng vải, bà không giấu được nỗi tiếc nuối: Ngày trước, dù cuộc sống khó khăn, hàng hóa khan hiếm nhưng người mua chật như nêm. “Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng”. Bán sướng đến nỗi quên cả ăn trưa… Giờ hàng hóa chất đống, mẫu mã nhiều, chất liệu đẹp mà người bán luôn phải chờ người mua”.

Gia đình chị Lê Thị Nguyên có truyền thống 3 đời buôn vải, từ ông ngoại đến mẹ rồi chị đều bám nghề để sống. Ngày trước, nhờ buôn vải mà ông ngoại nuôi được bầy con, mẹ chị tạo cho các con cuộc sống no đủ. Thời hoàng kim của hàng vải có lẽ kéo dài từ những năm 90 đến đầu năm 2000. Nhìn thấy lợi nhuận từ buôn vải nên vừa tốt nghiệp cấp 2 là chị đã cùng mẹ ra chợ, trước là phụ bán, “cứng cựa” rồi thì tách ra bán riêng. Thời gian đầu, việc buôn bán phát đạt khiến chị bán say mê, việc ăn cơm hàng cháo chợ diễn ra thường xuyên. Thời đó cứ nghĩ cực mà giờ lại thấy sướng! Giờ ngồi mát nhưng chẳng được ăn… bát vàng!

Ngày xưa bán được 10, giờ chưa bán được 1 là câu trả lời chung của những người bán vải hiện nay. Bà Tám Kẹo (chủ sạp vải lô 70 chợ Cồn) là một trong những người bán vải kỳ cựu, gắn bó cùng chợ trải qua bao nhiêu đời, từ khi chợ Cồn còn là vùng trũng nước  bì bõm đến khi được sửa chữa và xây dựng lại khang trang như hiện nay. Giờ đã gần 70 tuổi, bà vẫn ngồi chợ. Tay thoăn thoắt sắp xếp lại  từng chồng vải, bà kể, trước đây chợ Cồn là chợ vải sỉ, là “kinh đô vải vóc” của miền Trung.

Hầu như những người buôn vải ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều ra chợ Cồn lấy hàng. Hàng hóa có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cảnh buôn bán diễn ra náo nhiệt, đông vui… Thời đó, cả chợ gần 250 sạp vải, 4 dãy hàng. Qua thời gian, lớp già nghỉ, lớp không trụ bám nổi nghỉ, cùng lứa với bà giờ chỉ còn lại 3 người. Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng ban Quản lý chợ Cồn cho biết, hiện tại, hàng vải được xây 123 lô nhưng chỉ có 107 lô đang kinh doanh, giảm nhiều so với trước.

Ngược lại với sự “sa sút” về sạp hàng ở chợ Cồn, các chủ sạp vải ở chợ Hàn lại đau đầu vì phải cạnh tranh với không chỉ tiểu thương trong chợ mà dọc đường Trần Phú-con đường chạy ngang chợ Hàn cũng mọc lên không ít tiệm vải. Tâm lý người tiêu dùng thường cho hàng chợ là hàng giá rẻ, kém chất lượng nên thích mua ở cửa hàng hơn mặc dù cũng cùng mẫu đó.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (Trưởng Ban quản lý chợ Hàn), cho biết, hiện nay, số lượng sạp vải trong chợ là 89 lô. Số lượng này được duy trì ổn định từ khi chợ Hàn được xây mới tới nay (năm 1990). “Số lượng sạp vải không tăng không giảm, cửa hàng vải ngoài đường lại mở nhiều hơn, hàng may sẵn rẻ rề là những lý do khiến tiểu thương hàng vải khóc ròng”, chị Vân nói.

Ngày xưa, bán vải là dạng “sang” ở chợ so với bán rau, thịt, cá. Bởi hàng vải lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ. Người bán vải đắt hàng có thể một tay xây nhà cửa, tạo cuộc sống khá giả. Thịnh vượng là thế nên hàng vải bị tính thuế cao nhất so với các mặt hàng ở chợ. Các tiểu thương ở chợ Hàn ca thán, có lẽ do trước đây, hàng vải tấp nập, “đắt như tôm tươi” nên nhiều người đổ xô mở sạp, “dính” vào rồi mới thấy như “cá mắc cạn”. Bây giờ, sạp đã mở, hàng hóa đã lấy, không dễ gì bỏ được.

Tôi rời chợ khi trong lòng nặng trĩu câu nói của bà Sang, “Nhiều người hỏi chúng tôi, mấy chị ngồi đây làm chi mà lần nào lên đây tôi cũng thấy mấy chị ngồi tụm lại trò chuyện, chẳng thấy khách mua. Tôi chạnh lòng mà không biết trả lời ra sao”.

QUỲNH TRANG

.