Chuyên đề
Giữ ngọn lửa yêu nghề
Nhiều năm qua, thầy cô dạy môn thể dục, nhạc, họa, tin học hay địa lý, lịch sử, giáo dục công dân từng có giây phút chạnh lòng bởi không ít học sinh, thậm chí phụ huynh vẫn coi đó là môn học phụ, cần học cho biết chứ không cần giỏi…
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, tổ trưởng tổ Sử - Địa, Trường THCS Tây Sơn luôn lấy học sinh làm trung tâm. Ảnh: T.Y |
Nỗi lòng thầy cô “môn phụ”
Một cô giáo dạy tại trường cấp hai ở quận Hải Châu kể lại cuộc trò chuyện giữa chị và người phụ nữ mới quen trong buổi tập thể dục rằng, khi người ta hỏi chị làm nghề gì, chị trả lời mình là giáo viên môn địa lý. Tuy nhiên, trong lúc trả lời, chị vô tình phát âm chữ lý to hơn chữ địa. Chị vừa dứt câu, người phụ nữ mới quen liền trầm trồ “thời buổi này giáo viên dạy môn lý thu nhập khá lắm em nhỉ, ngoài dạy ở trường còn có thể dạy thêm”. Chị nghe xong vội chữa thẹn “không chị ạ, em dạy môn Địa lý”, người phụ nữ à lên một tiếng rất nhỏ và im lặng không nói gì thêm. Phản ứng đó khiến chị thoáng chút chạnh lòng về nghề nghiệp của mình, bởi chị nghĩ phụ huynh còn có thái độ đó thì làm sao trách được học trò nếu các em tỏ ra xem nhẹ môn học của mình.
Sau khi chia sẻ, câu chuyện dường như đã chạm vào nỗi buồn sâu kín của thầy cô giáo giảng dạy bộ môn không nằm trong chương trình thi chuyển cấp hoặc thi đầu vào đại học. Công tác tại Trường THCS Tây Sơn từ năm 2003 đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, tổ trưởng tổ Sử - Địa cũng cảm nhận rất rõ sự thờ ơ của phụ huynh lẫn học sinh đối với bộ môn mình giảng dạy.
Từ suy nghĩ không coi trọng dẫn đến thái độ học đối phó, không chú tâm vào lời giảng của thầy cô. Thậm chí, tại một số cuộc họp với cha mẹ học sinh, có người đứng lên phát biểu mong thầy cô giáo thông cảm, vì con em mình dành thời gian tập trung học những môn thi chuyển cấp hoặc thi đại học nên đành “lơ” những môn học không – quan – trọng khác.
Tại các quốc gia phát triển, ngành Giáo dục luôn xem trọng việc nâng cao thể chất cho người học thì tại Việt Nam, môn thể dục vẫn bị xem là môn học “cưỡi ngựa xem hoa”. Đa số thầy cô giảng dạy bộ môn này thừa nhận, kể từ học kỳ 2 năm học 2011-2012, khi Bộ Giáo dục- Đào tạo thay đổi cách đánh giá - thay vì cho điểm, chuyển sang hướng nhận xét “đạt” và “chưa đạt” – đã khiến chất lượng giảng dạy môn thể dục tại trường học ngày càng đi xuống. Một em học sinh (xin được giấu tên) cho biết, trước đây, thay vì em phải nỗ lực để nhảy qua mức xà 1,2m nhằm kiếm điểm 9, 10 thì nay chỉ cần nhảy qua mức xà 1m là “đạt” và không cần phải nỗ lực chinh phục mức cao hơn. Tương tự với các môn khác như điền kinh, cầu lông, nhảy xa… em cũng học với thái độ tương tự.
Dạy môn thể dục tại Trường THPT Ngô Quyền, cô giáo Lê Thị Quỳnh Anh thừa nhận hiện nay nhiều học sinh có tư tưởng xem nhẹ môn thể dục. Trong lúc cô giáo hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật bên trên thì ở dưới, trò vẫn vô tư nói chuyện khiến cô phải thường xuyên nhắc nhở, điều chỉnh thái độ học sinh. Thậm chí, có em nữ sinh trong tiết học thể dục ngoài trời vẫn vô tư mặc áo chống nắng, trùm kín mặt, đeo bao tay, bao chân đứng nép vào bóng mát cây xanh. Khi cô giáo đề nghị cởi bao tay để học thì em này còn cãi lại!
Thầy Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, trong hệ thống giáo dục, không có môn nào là chính hay phụ, mà chỉ có môn được chọn để thi (và không) tại những kỳ thi cuối cấp. Ví dụ như kỳ thi THPT quốc gia được Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định thi 8 môn gồm văn, toán, ngoại ngữ, sinh, lý, hóa, sử, địa, trong khi đó học sinh học 12, 13 môn, nghĩa là những môn không thi trở thành “môn phụ”, bị học sinh bỏ qua để tập trung vào nội dung thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đối với kỳ thi đại học, có môn với khối thi này là chính nhưng với khối thi khác là phụ.
Không vì phụ mà thả nổi chất lượng
Do thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của học sinh lẫn phụ huynh mà thầy cô giáo giảng dạy những môn nhạc, họa, tin học hay địa lý, lịch sử, giáo dục công dân thường phải nỗ lực đổi mới nhiều trong phương pháp giảng dạy. Thay vì cách đọc – chép truyền thống, họ áp dụng phương pháp giảng dạy mới mẻ như đóng kịch nhập vai, đưa đi tham quan bảo tàng, các di tích văn hóa trong môn lịch sử, đọc thơ liên quan đến nội dung bài giảng môn địa, dựng tình huống và cách xử lý trong môn giáo dục công dân… Những phương pháp sinh động này giúp học sinh nhớ lâu và lấy lại hứng thú trong giờ học.
Em Nguyễn Thị Diễm Thúy, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Tây Sơn cho biết ngoài môn văn, toán, Anh, Thúy còn thích học các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân vì những môn này giúp Thúy bổ sung kiến thức xã hội và không bị áp lực về điểm số. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy tích cực của thầy cô vài năm trở lại đây cũng giúp Thúy dễ dàng dung nạp kiến thức.
Bằng chứng là năm học 2014-2015, Thúy đạt điểm tổng kết trung bình các môn 9,2 trong đó các môn như lịch sử, địa và giáo dục công dân Thúy đạt từ 9,5- 10. Theo Thúy, món quà lớn nhất mà mỗi học sinh dành cho thầy cô giáo của mình là sự chăm ngoan và kết quả học tập tích cực. Một tiết học sẽ rất buồn chán nếu các bạn tiếp thu một cách thụ động, ngồi nói chuyện không nghe thầy cô giáo giảng bài.
Cô giáo Phan Thị Hải, giáo viên bộ môn lịch sử, Trường THCS Phan Đình Phùng, quận Thanh Khê chia sẻ rằng chị thường cảm thấy áp lực trong quá trình đứng lớp bởi người truyền lửa cho thầy cô chính là học sinh. Nếu học sinh không yêu bộ môn mình giảng dạy, thì ngọn lửa ấy khó có thể duy trì. Tuy nhiên, với trách nhiệm của một người thầy, cô giáo Hải luôn tìm kiếm thông tin, tài liệu mới, soạn câu hỏi ngắn gọn, giới thiệu những bộ phim lịch sử, thực hiện video clip giúp học sinh nắm vững kiến thức. Nhiều năm đứng trên bục giảng, cô giáo Hải trăn trở: “Thái độ của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào bài giảng và cách truyền đạt kiến thức của thầy cô. Vì thế mỗi ngày tôi đều tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để giúp các em thêm yêu và hứng thú khi học môn học lịch sử”.
Bên cạnh thái độ học tập của học sinh, những giáo viên dạy môn phụ thường có cảm giác mình thiệt thòi hơn giáo viên bộ môn khác bởi họ không dạy thêm nên không có điều kiện kiếm thêm thu nhập ngoài lương. Dù còn thoáng chút chạnh lòng trong những giờ lên lớp, nhưng họ vẫn đang cố gắng giữ cho mình ngọn lửa yêu nghề qua việc tích hợp kiến thức và tìm kiếm niềm vui trong điểm số học trò.
Ông Nguyễn Minh Hùng khẳng định, chuyện chính – phụ phụ thuộc vào suy nghĩ và sự lựa chọn của học sinh trong quá trình học tập, thi cử, từ đó hình thành suy nghĩ, thái độ tích cực hay tiêu cực trong học tập. Bản thân tôi luôn tin rằng, dù giảng dạy bộ môn nào, thầy cô cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, yêu bộ môn mình chọn gắn bó cũng như lòng yêu thương học sinh của mình.
TIỂU YẾN