Tôi có một mùa xoan vào độ đầu thu, vẫn chưa bận bịu học hành, vẫn còn lang thang trên đồi gò cùng sim, dèo, dủ dẻ và những trận đấu cỏ gà mê mẩn, quên cả giờ giấc. Đó đương nhiên rồi, không phải mùa hoa xoan tím biếc rải khắp đường làng mùi hương vấn vít, đượm nồng mà là mùa quả xoan treo lủng lẳng trên thân cây lá ngả vàng như những bức tranh mùa thu của Le Vitan. Mùa xoan ấy ở lại trong lòng tôi cùng đủ món trò chơi thơ bé. Dù cho năm tháng đã lùi xa mãi.
Thời ấy, xóm tôi trẻ con bằng hoặc suýt soát tuổi tôi rất đông. Chúng tôi tụ lại trên khoảng sân rộng có cây vú sữa lá sum suê nhà bà Hai là bà ngoại của con Mai và bắt đầu chia…gia đình. Mỗi gia đình có đầy đủ ông bà cha mẹ và một đứa con. Cãi nhau ỏm tỏi một lúc, chúng tôi mới chịu làm mẹ con, bà cháu của nhau. Tội nghiệp cho thằng Tèo, phải làm con tôi và bị sai vặt suốt. Mỗi gia đình sẽ có nồi niêu, bát đũa là mấy vỏ hến, vỏ ốc và mảnh sứ vỡ. Thùng là chiếc lon sữa. Rồi chai lọ đựng nước mắm, dầu ăn là những lọ thuốc tây bé xíu. Đặc biệt nhất, tôi mang bộ đồ chơi đồ hàng bằng nhựa mẹ tôi một lần về phố thăm ngoại mua cho làm cho cả bọn phải trầm trồ mãi. Tôi đành phải chia bớt mấy thứ đồ ấy cho mỗi nhà mượn một ít. Nhà này bán hàng tạp hóa, mắm, muối, xì dầu, tiêu, bột ngọt đủ cả; nhà kia bán gạo; nhà nọ bán rau nào mồng tơi, rau dền, rau lang, rau muống; nhà tôi được chia bán trứng. Tất cả các món hàng ấy đều là lá chè tàu, lá vú sữa xé vụn, hạt đu đủ, có cả lá râm bụt giã lấy nước để trông sánh như dầu phộng nữa.
Tôi khoái trò bán trứng nhất. Tôi, con Nhỏ và thằng Tèo bắt đầu đi nhặt những chùm quả xoan rơi dưới những gốc cây rồi ngồi phân loại. Quả này to bự thì là trứng ngỗng, quả này to vừa trứng vịt, quả nho nhỏ này trứng gà, còn quả bé tí tẹo kia trứng cút. Tôi bày trứng vào những chiếc rổ tre loại nhỏ là sản phẩm của chính chúng tôi sau những giờ thủ công, bày con Nhỏ rao: “Mua trứng đi anh, mua trứng đi chị!”. Nó thỏ thẻ rao theo. Tôi làm bộ gắt: “Mày rao lí nhí trong miệng vậy, con với cái, chỉ biết chơi là giỏi”. Rồi tôi sai nó “sang nhà bác Mai mua cho mẹ ít rau về luộc, trưa rồi!”. Cứ thế, những trò chơi cuốn lấy chúng tôi. Nắng mùa thu vàng rộm. Mãi khi mẹ cầm roi sang: “Có định về ăn cơm, ngủ trưa không?”, tôi và con Nhỏ mới ù té chạy về. Ngồi ăn mà cứ nghĩ đến món tiền lá mít thu được khi bán hết rổ trứng. Không hiểu sao ngày ấy, chúng tôi lại chỉ duy nhất chọn lá mít giả làm tiền? Có lẽ vì lá mít rụng đầy vườn, chẳng cần đi xa để tìm, thiếu tiền cứ ra vườn nhặt. Một phần nữa, phải chăng bởi thân lá nhẵn, bọn trẻ chúng tôi giắt lưng quần không sợ xót, nổi ngứa? Để người lớn mượn đó mà trầm trồ một kẻ xài tiền không biết xót: “Trời ơi, thằng đó giàu vung tiền như sắp nhỏ tiêu tiền lá mít, thấy sợ!”.
Bao nhiêu ngàn ngày rồi, tôi không có mặt ở quê nhà mỗi độ thu về để nhặt những trái xoan chơi đồ hàng. Bao nhiêu ngàn ngày rồi, những trái xoan rụng không bàn tay quê kiểng nào nhặt nhạnh. Trẻ em bây giờ hình như đã không còn nhiều hứng thú với trò chơi dân dã ấy nữa. Tôi về thăm nhà vào độ giữa đông. Những chùm quả xoan chết héo trên cây đã trơ hết lá. Dưới chân tôi là những trái mục thối, chợt từ thẳm sâu ký ức, tiếng rao trong trẻo dội về: “trứng gà ơ, trứng vịt ơ…”.
NGÔ THỊ THỤC TRANG