Vậy là anh Nguyễn Quân – nhà thơ của “bến quê”, của “vầng trăng khuyết”, của “nợ và duyên”, của “những câu thơ mất ngủ” đã ra đi được 49 ngày. Tôi biết anh Quân từ những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Lần đầu chúng tôi gặp nhau ở nhà anh Ngân Vịnh, khi tôi tình cờ đến chơi đúng lúc hai anh đang nói chuyện với nhau về thơ. Tôi ngồi nghe. Ngay lúc đó tôi đã có ấn tượng về anh và thơ anh. Chẳng bao lâu sau anh em đã “kết” nhau. Có bài thơ nào mới viết, hoặc được đăng, hay được giải, anh liền gọi đến báo cho biết với sự vui mừng hồ hởi. Thỉnh thoảng hai anh em còn gọi đến nhà nhau, chuyện trò, trao đổi đôi điều về thơ. Đối với tôi, Nguyễn Quân là người “đi trước”, người anh về nhiều phương diện, đương nhiên trong đó trước hết là thơ.
Anh yêu thơ, đau đáu một đời với thơ. Anh viết rất bền với một bút lực thật đáng nể. Tôi nghĩ: Anh đi rồi, nhưng những tác phẩm anh để lại cho đời không ít, chắc sẽ còn khá nhiều bài được đông đảo công chúng bạn đọc, bạn thơ xa gần biết, nhớ và nhắc đến với những tình cảm và nghĩ suy chia sẻ, tâm huyết. Thơ anh không óng chuốt, mượt mà, kiểu cách, mà gân guốc, chắc và đằm sâu.
Tôi có hai kỷ niệm nhỏ với anh. Hồi tôi đang công tác ở Trường Chính trị, có một buổi chiều, hình như khoảng tháng 7, tháng 8 gì đó, gần ngày Quốc khánh năm 2003, anh đến “để gặp một chút vì nhớ quá” - anh nói vậy. Nhưng lúc ấy tôi đang giảng bài, anh lặng lẽ ngồi ngoài sân chờ khá lâu. Đến giờ nghỉ giải lao, tôi mới biết. Anh đưa tôi xem bài thơ “Nơi cuối con đường” và bảo “Mình sẽ đưa nó vào tập thơ sắp in”. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ, thấy nó xót xa quá:
Nhìn trước trông sau chỉ một mình thôi
Anh vạn lần cô đơn
Vạn lần khắc khổ
Xin ai đó đừng nhìn anh trách cứ
…
Anh cố sống khi biết mình không chết
…
Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi
Những câu thơ nghe như cứa ruột gan mình! Lúc đó một ít học viên đang ngồi chơi chung quanh, họ biết anh và đến chào một cách thân mật, kính trọng. Họ tỏ ý thích thơ anh. Bất giác tôi liền nảy ra một ý nghĩ: “Vào lớp, em giới thiệu và mời anh đọc thơ cho anh chị em nghe, được không?”. Anh có vẻ ái ngại. Tôi dứt khoát: “Thôi, rứa nghe. Anh chuẩn bị chừng 3 - 4 bài, những bài anh cho là hay nhất”. Anh đồng ý: “Thôi, cũng được”. Vào lớp, nghe tôi giới thiệu, tất cả vỗ tay nồng nhiệt. Anh bước lên, xúc động. Rồi với giọng khàn khàn, anh đọc rất diễn cảm liền một mạch 4 bài thơ anh tâm đắc. Phải nói rằng tôi chưa bao giờ nghe anh đọc thơ hay như bữa đó. Khi tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người vừa dứt, anh bước xuống, lại nắm lấy tay tôi: “Cảm ơn” mà mắt rưng rưng như muốn khóc. Tối đó, anh còn gọi điện sang, cám ơn tôi lần nữa và nói rằng anh rất may mắn và lấy làm hạnh phúc về sự việc khi chiều.
Khoảng đầu năm 2006, tình cờ tôi thấy trên Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên – Huế) bài thơ “Hòn đá – mảnh chai” của Nguyễn Quân:
Ông cúi nhặt những mảnh chai
Nghĩ đến bàn chân không dép, không giày
Hòn đá lăn lóc trên đường kia
Ông lo có người vấp ngã…
Hẳn đường đời ông qua
Chân từng đạp những mảnh chai – hòn đá
Đã cắt đứt thịt da
Đã bao lần vấp ngã?
Đâu chỉ có hòn đá
Đâu chỉ có mảnh chai
Ông đang đi giữa thế gian này
Đọc bài thơ tôi nghĩ ngay nó là của anh. Tôi liền gọi điện hỏi, thì đúng là vậy. Một tuần lễ sau, tôi gửi ra tạp chí trên bài thơ “Gởi người nhặt mảnh chai”, dưới có câu đề tặng Nguyễn Quân – tác giả bài thơ “Hòn đá - mảnh chai”. Tôi không nói trước với anh việc làm này của mình vì muốn tạo cho anh sự bất ngờ nếu bài thơ được sử dụng. Chẳng bao lâu sau, bài thơ ngắn ấy được đăng:
Ông
Vì thương người cúi nhặt những mảnh chai
Và lo cho những hòn đá…
Ông đã bao lần đứt chân vấp ngã
Liêu xiêu trong đời?
Nhưng làm sao ông ơi
Hòn đá, mảnh chai trên đường đâu phải ít
Dưới lớp cỏ xanh kia
Trên mặt nhựa phẳng lì, thẳng tắp…
Ông nghĩ gì?
Và như ông biết, đường đời
Đâu chỉ có mảnh chai, hòn đá.
Đâu chỉ làm ta đứt chân, vấp ngã
Đường còn dài
Tuổi ông bóng xế
Lòng tôi cơn gió heo may
Tôi rất vui vì qua một tạp chí văn nghệ tôi gửi được tiếng lòng “tri âm”, “đồng thanh tương ứng” của mình đến với tác giả bài thơ mà tôi yêu thích. Sáng đó tôi định gọi đến anh để cho anh biết cái tin vui này. Nhưng ngay lúc ấy anh lại gọi đến tôi trước. Hai anh em nói chuyện với nhau chút ít rồi hẹn gặp. Tôi nhận nhuận bút 70.000 đồng, liền sang mời anh đi ăn mì Quảng ở đường Hà Huy Tập. Anh tỏ ý rất tâm đắc với bài thơ của tôi, nhưng còn bâng khuâng ở khổ thơ cuối…
Những năm gần đây tôi ít đi và cũng ít viết do mắt kém quá. Vì vậy anh em cũng hiếm khi gặp nhau. Khoảng giữa năm nay anh gọi đến nhắc và động viên tôi cố gắng viết. Còn anh, thì bảo: “Mình vẫn túc tắc vậy. Viết đối với mình như một sự trả nợ, chẳng thể nào không được. Nhưng dạo rày mình cũng yếu rồi. Thôi thì được đến đâu hay đến đó”. Sực nhớ ra là anh đã ngoài tuổi 80 rồi. Tự nhiên tôi nghe lòng man mát buồn.
“Nơi cuối con đường anh lại bắt đầu đi”. Cái con đường trần gian ngắn ngủi mà quá nhiều gai góc, truân chuyên Nguyễn Quân đã đi trọn rồi. Giờ anh lại bắt đầu bước vào một con đường mới…
HOÀNG THANH THỤY