.
Tản văn

Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

.

Má tôi sinh năm 1930, tuổi Canh Ngọ. Lúc nhỏ, mấy chị em trong nhà loáng thoáng nghe má kể rằng do má sinh vào lúc Đà Nẵng trở thành thành phố nhượng địa của thực dân Pháp nên ông ngoại đặt tên má là Nhượng để kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Nghe người lớn nói thế, chúng tôi tuy chẳng hiểu gì nhưng cũng ang áng rằng đó có lẽ là một sự kiện quan trọng cực kỳ nên người lớn mới “để bụng” đến vậy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lớn lên học sử, thấy Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng trước khi má ra đời đến những... 42 năm! Đó là ngày 3-10-1888, thực dân Pháp buộc vua Đồng Khánh đặt bút ký một đạo dụ gồm 3 khoản, trong đó khoản 1 ghi: “Các lãnh thổ thuộc các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó”.

Đem chuyện sử sách so với năm sinh của má ra hỏi thì bà ngoại cú lên đầu tôi kêu cái “cốc” rồi thong thả bảo: Bây nghe răng ra cái chuyện ngược đời đó? Hồi tau sinh má bây, phải chạy tản cư vô tuốt trong Tam Kỳ, nghĩa là bỏ cái đất nhượng địa Đà Nẵng mà vô sống trong đó. Rứa mới đặt tên má bây là Nhượng. Chứ Pháp nó lấy Đà Nẵng làm nhượng địa từ cái hồi tau còn nằm trong bụng mẹ kìa.

Má tôi, cả xóm đều gọi là bà Bảy Nhượng, thuộc nằm lòng nhiều câu ca do bà ngoại tôi truyền khẩu qua nhịp đung đưa của mấy cái tao nôi. Không biết có phải do tên mình dính líu tới cái vụ “nhượng địa” kia không mà má mê nhất những gì liên quan tới chống Tây, chống Pháp. Đến phiên chúng tôi, cũng được má “gửi gắm” lại nhiều sáng tác dân gian như thế, những câu ca, hò, vè mà má bảo là ngoại “thuộc như cháo”. Gần như lúc nào cũng thế, hễ nhắc tới chuyện xưa là ngoại, sau này là má, lên giọng ngâm nga ngay: Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã tới Vũng Thùng hôm qua.

Tiếng súng đã nổ từ năm 1858, thế mà nghe cái từ “hôm qua” trong cách nhấn nhá của ngoại, bỗng dưng thấy rất chi là cập nhật, như tiếng súng vẫn vang vọng và khói súng vẫn chưa tan trên sông nước Hàn giang. Sông Hàn như một chứng nhân lịch sử, sau 30 năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng, vùng đất này đã trở thành nhượng địa và biết bao cuộc chia tay không mong muốn đã diễn ra từ đó:

“Đứng bên ni Hàn/ Ngó qua bên tê Hà Thân/ Nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân/ Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang/ Kể từ ngày Tây lại đất Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau”.

Bài ca “đặc sệt” chất Quảng này có nhiều dị bản, tất nhiên, nhưng trên đây là ghi lại theo tác giả Nguyễn Văn Bổn trong “Văn nghệ Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng”, do Sở Văn hóa-Thông tin QN-ĐN xuất bản năm 1985. Sau này, do yêu cầu của nghề nghiệp, đi sâu vào tìm hiểu, tôi biết thêm rằng, đoạn sau của bài ca này có một dị bản đầy tự tôn dân tộc: “... Kể từ ngày ta lấy lại đất Hàn/ Mở mang hải cảng, đắp đàng Bồng Miêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ở nhà nuôi cha với mẹ chớ hiện yêu đi lấy chồng”.

Ta lấy lại đất Hàn thì “trời của ta, đất của ta” rồi, chứ cái thời Tây lại đất Hàn, như ngoại kể, cực khổ trăm bề, suốt ngày lo chạy giặc. Trai tráng bị bắt đi “đào sông”, “bòn vàng”..., chỉ biết gạt nước mắt từ biệt mẹ cha, dặn dò người ở lại “ai dỗ đừng xiêu”. Người đi, nếu nhất thời đi phu thì ở quê nhà còn có người trông đợi, chứ cầm súng cho Tây thì đừng mơ ngày sum họp: Nước sông Hàn đời mô cho hết mặn/ Rừng Sơn Trà ai đốn cho hết cây/ Lời nguyền anh đó, em đây/ Anh đừng đi lính cho Tây, em chờ. Một số người tham vàng bỏ nghĩa Tham chi bạc trắng thằng Tây/ Anh đi lính mộ bỏ bầy con thơ đã bị người ở lại thẳng thừng tuyên bố rằng: Anh mà đi với thằng Tây,/ Em đành phải dứt hết dây nghĩa tình.

“Nhượng địa” Đà Nẵng (Tourane) ban đầu, năm 1888, chỉ có 5 xã của huyện Hòa Vang nằm bên tả ngạn sông Hàn, gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây. Mười ba năm sau, thực dân Pháp lại một lần nữa gây sức ép buộc vua Thành Thái phải ký một đạo dụ vào ngày 15-1-1901, nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã ở phía tây và tây bắc, còn phía đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà. Từ đây, thực dân Pháp đã phủ rộng bóng đêm của ách nô lệ lên nhiều mảnh đất, nhiều phận người hơn: Chim bay về mỏm Sơn Trà,/ Chàng đi lính mộ xa đà quá xa!/ Sự này bởi tại Lang-sa/ Cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng…

Quá xa không chỉ vì đi lính mộ, mà có khi vì đi phu làm đồn điền cao su ở tận trong Nam: Sáu giờ còn ở kinh đô/ Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn/ Mười giờ bước xuống xà lan/ Bóp bụng mà chịu, nát gan trăm bề/ Bước lên tàu, tàu thổi súp-lê (thổi còi – NV)/ Khoát khăn kéo lại, bảo em về nuôi con/ Đầu hè có buồng chuối non/ Để dành xáo, ghế cho con ăn dần/ Khoai từ, khoai choái, khoai nần/ Còn một vạt bắp trước sân chưa già/ Với hũ sắn lát trong nhà/ Để dành xáo, ghế cho qua tháng ngày/ Bớ em ơi!/ Ráng mà nuôi con chim chuyền cho biết liệng, biết bay/ Mai sau anh có thác, hắn giữ cái ngày tiên linh.

Bài ca buồn như một lời di huấn - nếu anh có mệnh hệ gì thì còn đứa con, nó sẽ thay anh nhớ ngày giỗ tiên linh. Thân phận nô lệ không biết đi đâu về đâu, chỉ còn biết tin nhau mà hẹn ngày hội ngộ – dặn lòng ai dỗ đừng xiêu. Câu ca xưa đọng lại trong lòng ngoại tôi, má tôi một kỷ niệm buồn của những ngày chạy giặc rời đất vùng “nhượng địa”.

Mãi đến giờ, dặn lòng ai dỗ đừng xiêu trở thành câu nói nằm lòng khi má nhắn nhủ mấy đứa cháu khi chúng lên đường đi làm, đi học nơi phương xa…

NHƯ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.