Chúng tôi men theo lối mòn đi qua một cánh rừng thưa. Lá khộp rụng đầy. Cỏ lau phất phơ trong gió. Đến gần một khe suối nhỏ dưới một thung lũng khá rộng. Chúng tôi được lệnh nằm im sau ghềnh đá quan sát.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thời gian im lặng trôi qua không biết bao lâu. Bỗng anh Thắng-tổ trưởng - bấm vai tôi nói khẽ:
- Nó kìa!…
Hai cái bóng rõ dần rồi hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là hai cô gái Khơ-me khoảng hai mươi tuổi ngoài, vận xà-rông, gương mặt khá dễ coi. Hai người này không có vũ khí, trên tay mỗi người có một can nhựa trắng.
- Họ là phụ nữ, đi lấy nước! Tính sao đồng chí Thắng?
Anh Thắng mím môi suy nghĩ rồi quyết định:
- Bắt sống! Bắt sống đem về khai thác!
Anh Thắng vỗ khẽ vai tôi ra lệnh:
- Vinh theo tôi. Vệ và Nhàn làm cảnh giới!
Tôi bước nhè nhẹ theo anh Thắng. Hai cô gái Khơ-me mải mê tắm, quần áo để trên bờ. Hai tai tôi nóng bừng lên, khi nhìn thấy hai người phụ nữ khỏa thân dưới dòng suối. Nước trong vắt, thấy rõ cả những hòn cuội trắng!
Họ lên bờ mặc quần áo, không hay tôi và anh Thắng đã đến sát bên. Anh Thắng chĩa khẩu K.54 vào phía sau lưng hai cô gái, nói tiếng vừa đủ nghe, đại ý:
- Đưa tay lên! Im lặng, không thì bắn chết ngay!
Hai cô gái hoảng hốt định bỏ chạy nhưng đã bị tôi án ngữ phía trước:
- Đi theo chúng tôi. Chúng tôi không giết các cô đâu! Chúng tôi là bộ đội tình nguyện Việt Nam. Chúng tôi chỉ giết Pôn-Pốt. Các cô đừng sợ!
Hai cô gái Khơ-me bước riu ríu...
Anh Thắng ra lệnh:
- Vệ ở đây với tôi làm tiếp nhiệm vụ. Nhàn và Vinh đưa hai cô này về Sở chỉ huy!
Dọc đường về đơn vị. Tôi và Nhàn khai thác sơ bộ hai cô. Tôi hỏi:
- Hai cô tên gì? Quê quán ở đâu? Làm chức vụ gì?
Cô gái Khơ-me có mái tóc dài và đôi mắt đen khá đẹp trả lời:
- Thưa “Lục thum”!(*) Em tên là Sovana. Con nhỏ bạn em tên là Kha Săm Pha. Chúng em là sinh viên y khoa ở Phnôm-Pênh, bị Pôn-Pốt bắt theo làm y tá cho chúng. Bọn em nhớ nhà và muốn trốn lắm nhưng chưa có dịp!
Phút chốc tôi và Nhàn nói chuyện với hai cô gái Khơ-me cởi mở giống như những người bạn mới quen. Tuy nhiên, chúng tôi lúc nào cũng cảnh giác. Tôi nói:
- Chúng tôi sẽ báo cáo hoàn cảnh, trường hợp của các cô với thủ trưởng. Các đồng chí ấy sẽ sắp xếp cho các cô. Yên tâm đi, bộ đội Việt-Nam tốt lắm. Các cô đừng sợ!
Chúng tôi giao Sovana và Kha Săm Pha cho các đồng chí có trách nhiệm. Tôi có cho hai cô ấy biết tên tôi là: Nguyễn Hoàng Vinh, còn bạn tôi là Lê Văn Nhàn.
Hơn một năm sau. Kể từ chuyến trinh sát ấy, tôi bị lên cơn sốt - căn bệnh mà tôi đã bị trong những ngày luồn rừng, lội suối trên đất nước này. Đơn vị đưa tôi đi viện ở Phnôm-Pênh. Tôi mê sảng mấy ngày, cơm cháo không buồn ăn. Buổi sáng ngày thứ tư tôi tỉnh lại, cảm thấy trong người dễ chịu hẳn. Một bàn tay mềm mại, ấm áp đặt trên trán tôi. Tôi nắm bàn tay ấy để sang một bên. Tôi khe khẽ, uể oải mở mắt nhìn lên. Một đôi mắt to đen, lay láy đang nhìn tôi, nét mặt vui mừng hiện rõ.
- A! anh Vinh đã tỉnh lại!
Tôi hết sức ngạc nhiên:
- Cô là ai? Sao lại biết tên tôi.
- Anh uống sữa đi cho lại sức!
Cô gái đỡ tôi ngồi dậy và đưa ly sữa cẩn thận vào miệng tôi. Tôi như đứa bé bị ốm được người mẹ hiền chăm sóc. Tôi định thần nhìn hơi kỹ cô gái và ngờ ngợ.
Cô gái chống hai tay vô cằm nhìn tôi cười chúm chím:
- Anh thật chóng quên. Anh có nhớ bắt được người nào tên Sovana không?
- A! Sovana! Thật không ngờ. Bây giờ cô khác quá! Cô lớn và đẹp hơn lúc ấy!
Sau khi biết được hoàn cảnh của các cô. Đơn vị đã gởi các cô về Phnôm-Pênh. Sovana được một đơn vị dân y tiếp nhận. Cô phục vụ tại đó. Cơ quan cử cô chi viện cho trạm quân y tiền phương bộ đội Việt Nam. Bất ngờ cô gặp lại tôi và nhận ra ngay. Sovana cho hay cô đã chăm sóc tôi suốt ba ngày nay vì bệnh của tôi khá nặng. Tôi bị sốt rét ác tính. Tôi nói:
- Sovana! Cám ơn cô đã chăm sóc cho tôi. Có dịp tôi sẽ đền đáp tấm lòng của cô, của các bạn Campuchia.
Sovona bẽn lẽn:
- Em cám ơn anh mới phải. Chính các anh đã cứu em!
Tôi nhìn Sovana. Mái tóc dài óng mượt và đôi mắt to đen. Cô mặc áo bơ-lu trắng, quần ka-ki bộ đội, nổi bật làn da trắng pha màu bánh mật ít có ở những cô gái Khơ-me. Sovana thật hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng như chính cái tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống của cô. Tôi hỏi Sovana:
- Bây giờ Sovana ở đâu. Gia đình có vui không?
Sovana kể cho tôi nghe:
- Ba em là một nhà trí thức. Khi Khơ-me Đỏ chiếm Phnôm-Pênh, họ đã bắt ba em đi mất biệt. Có tin ông đã bị giết chết. Mẹ em bị đuổi ra khỏi thành phố và phải lao động khổ sai ở nông thôn. Còn em bị chúng bắt đi phục vụ cho chiến trường. Gia đình em tan nát và ly tán. Khi bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnôm-Pênh, mẹ em đã trở về. Thật may mắn, em gặp lại mẹ. Hiện giờ mẹ và em đang sống ở ngôi nhà cũ cũng gần đây thôi. Em mời anh khi hết bệnh đến nhà em chơi. Mẹ em rất quý bộ đội Việt Nam.
Tôi nhìn Sovona nói đùa với cô:
- Khi nào Sovona có chồng nhớ mời tôi đến uống rượu nhé?
Sovona ngượng nghịu:
- Không… không có chồng đâu!
Ngày thứ hai sau khi xuất viện, tôi đến thăm gia đình Sovona.
“Chào dì”. Tôi gật đầu lễ phép chào người phụ nữ ngoài bốn mươi có tuổi khuôn mặt sáng đẹp.“Chắc là mẹ Sovona”- Tôi nhủ thầm.
“Chào cậu”, người phụ nữ mỉm cười đôn hậu. Bà cởi mở, thân mật: “Cậu là Vinh? Tôi có nghe Sovona nói về cậu”.
- Dạ cháu là Vinh. Cháu nằm viện và quen Sovona. Cô ấy rất tốt… Cháu đến đây để cám ơn cô ấy và dì.
- Cậu vào nhà nghỉ và dùng nước.
- Dạ cám ơn dì.
Sovona xuất hiện. Cô thật đẹp trong bộ trang phục dân tộc: áo trắng có thêu, xà-rông với những đường nét hoa văn xanh hồng trang nhã. Cô bưng khay nước và gật đầu chào tôi. Cô đặt khay nước xuống bàn sa-lông rồi níu tay mẹ:
- Mẹ! Anh Vinh mà con nói với mẹ đó!
Mẹ Sovona gật đầu mắng yêu con gái:
- Mẹ biết rồi. Con gái mẹ đã lớn phải có bạn chứ!
Chúng tôi ngồi uống nước và nói chuyện cởi mở như những người thân. Một lát sau tôi đứng dậy định từ giã ra về. Nhưng Sovona đã níu tay tôi lại:
- Không được. Mẹ và em đã làm cơm. Anh phải ở lại dùng cơm rồi mới về!
Mẹ Sovona nhìn tôi rồi mỉm cười:
- Phải đó cháu! Sovona đã đi chợ Phnôm-Pênh hồi sáng sớm. Cháu về nó buồn lắm đấy!
Tôi thật sự bối rối vì sự tử tế của gia đình Sovona đối với tôi.
Tôi phân vân chưa định ra sao cả! Mẹ Sovona nói tiếp:
-Thôi, hai đứa ngồi chơi chút xíu. Mẹ dọn cơm, rồi cùng ăn!
Chúng tôi dùng cơm ở phòng ăn của gia đình. Thức ăn là những món thông thường của người Việt nhưng rất ngon như: cá lóc nấu canh chua khóm, cá rô kho gừng, một ít thịt nướng.
Mẹ Sovona vui vẻ:
- Đã lâu, nhà mới có bữa cơm như thế này. Cháu Vinh ăn có ngon không? Sovona biết nấu nhiều món của người Việt lắm! Không biết nó học đâu mà thấy cũng tàm tạm. Sovona thẹn thùng liếc mẹ.
Một buổi chiều, tôi phải từ giã Sovona để trở về đơn vị. Tôi và Sovona ngồi cạnh nhau bên thềm một ngôi chùa cổ ở ngoại ô Phnôm-Pênh. Tôi im lặng bên cô gái. Sovona nắm tay tôi:
- Anh Vinh! Sao không nói gì…?
- Ừ! Anh buồn vì sắp phải xa Phnôm-Pênh, nơi đó có Sovona bé bỏng của anh!
Sovona gục đầu vào vai tôi:
- Anh Vinh! Anh có… yêu em không?
- Có… Anh yêu và thương em như Cẩm Linh.
- Cẩm Linh là ai vậy?
- Là đứa em gái duy nhất của anh. Nhà anh chỉ có hai anh em.
Sovona ngây thơ:
- Em không chịu đâu! Anh phải yêu em như chồng yêu vợ…
- Không được. Anh là bộ đội. Anh còn phải đánh giặc!
- Bộ đánh giặc… không được có người yêu sao? - Cô bé giận dỗi.
- Yêu em… Lỡ anh chết thì ai lo cho em?
Sovona bịt miệng tôi:
- Anh đừng nói gở. Anh mà chết, em sẽ khóc… Khóc hoài!
Tôi hôn nhẹ lên mái tóc Sovona. Tôi bỗng có một quyết định chưa từng có trong đời:
- Nếu trở về toàn vẹn anh sẽ cưới em… Sovona!
Sovona ôm tôi, cô rơm rớm nước mắt. Lưu luyến gì rồi cũng phải chia tay. Tôi về đơn vị trong một sớm đầu xuân.
Tôi trở lại Phnôm-Pênh như lời ước hẹn. Nhưng người con gái ấy không còn nữa! Sovona đã hy sinh trong một chuyến đi công tác gần Pai-Lin. Xe chở cô và các y bác sĩ bị trúng mìn của bọn tàn quân Pôn-Pốt.
Tôi đặt bó hoa trước di ảnh của Sovona ở trong một ngôi chùa. Ngôi chùa mà ngày xưa tôi và Sovona đã hò hẹn. Tro hài cốt của cô đựng trong một cái bình sứ nhỏ. Tôi thắp nén hương cho người yêu, lòng buồn tê tái: “Sovona hãy ngủ yên em nhé! Anh đã trở về”… Có một vị ni sư tóc đã nhuốm màu muối tiêu. Bà đứng chấp tay xá nhẹ, lâm râm khấn vái gì không rõ. Vị ni sư này trông rất quen! Đôi mắt và khuôn mặt của bà sao giống Sovona! Tôi bỗng sực nhớ buổi sáng cũng chưa lấy gì xa xôi lắm và bữa cơm “Việt Nam” ở ngoại ô Phnôm-Pênh… Người ni sư ấy ứa nước mắt nhìn tôi!
Chiều Phnôm-Pênh, nắng vàng nhạt trên những hàng cây thốt nốt.
ĐẶNG HOÀNG THÁM
(*) Lục thum: quan lớn (tiếng Khơ-me).