Con đường từ thành phố Quy Nhơn đến Bệnh viện phong Quy Hòa, từ bao giờ đã trở thành con đường quen với tôi. Tuồng như đã bao lần có dịp đến Quy Nhơn là bấy nhiêu lần tôi đều đến cái bệnh viện phong Quy Hòa ấy. Lòng yêu mến thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử dẫn tôi đến cái nơi mà hơn nửa thế kỷ trước thi sĩ đã nằm điều trị và trút hơi thở cuối cùng tại đây, hay là con đường mòn vô thức bởi sự ngưỡng vọng đã thành lối quên lối nhớ qua bao cuộc hành hương, có lẽ là cả hai. Nó cũng giống như nhiều nơi tôi đã có dịp đi qua.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ví như trên đường thiên lý Nam - Bắc, mỗi khi dừng lại Hà Tĩnh, tôi đều tranh thủ thời gian viếng Nhà lưu niệm thi hào Nguyễn Du, hoặc có khi là Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh. Nhưng cũng có những lần, chả có một địa chỉ cụ thể nào cả, mà do một nỗi ám ảnh nào đó lên tiếng gọi cám dỗ, ví như trên đường từ Đức Thọ lên Hương Sơn ở Hà Tĩnh, đã có lần tôi cứ loáng thoáng trong tâm tưởng cái làng quê của nhà thơ Huy Cận ở đâu đây, vậy rồi lại lang thang bên bờ sông Ngàn Sâu đầy nỗi nhớ chẳng rõ hình hài “Đi rồi, khuất ngựa sau non. Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu” (Huy Cận).
Bây giờ thì vẫn cái thế giới tưởng như nghe được đâu đây “Tiếng còn tịch liêu” ấy, nhưng lại là Gió theo lối gió mây đường mây! Mà cũng chẳng phải tâm tưởng theo bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, mà là mây gió thật, một thứ mây gió như biết dẫn dắt bước chân con người ta, tựa hồ thêm một quãng, là lại càng bước thêm vào cõi thanh vắng lạ lùng!
Cũng như biết bao lần khác, sau khi lên Ghềnh Ráng viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi xuống núi quay lại Bệnh viện Quy Hòa. Vẫn cái lối đường mòn lên xuống đến những hàng trăm bậc đá, vẫn tiếng gió biển thổi lao xao, rì rào khơi gợi một thứ vọng ảnh chập chùng: Họ đã xa rồi khôn níu lại. Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa. Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. Hình như đó là sự mách bảo mơ hồ nào đó từ thế giới thơ Hàn Mặc Tử chứ chẳng phải là một vọng tưởng khôn nguôi nào cả. Chợt nhớ lại ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên quả quyết về thơ Hàn Mặc Tử, mà tác giả Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh-Hoài Chân ghi lại: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Cũng chẳng rõ cái sự “quả quyết” kia nó hiệu quả đến nhường nào, có điều chẳng riêng gì tôi bước đi trên lối này, thi thoảng lầm thầm thơ Hàn Mặc Tử như thấm phải một thứ men say, mà hình như trước và sau tôi, lẫn trong tiếng rì rào của gió, ai đó “khách đường xa” cũng ngân nga vang vọng. Có người, tuồng như lồng ngực tưởng dâng đầy cao trào của cảm xúc, họ hát véo von như đua cùng gió núi Ghềnh Ráng: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu ông hoàng đó thủa nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng…” (nhạc Trần Thiện Thanh).
Thế đấy, bằng nhiều cách nhớ khác nhau, người ta tạc lại chân dung Hàn thi sĩ trong lòng mỗi người. Thi ca - hội họa - âm nhạc, tất cả biểu thị một sức sống trường cửu, hay nói như Chế Lan Viên: “Và còn lại của thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Con đường nhựa cũ càng như len lỏi theo sườn núi nhấp nhô trong lau cỏ. Đứng ở điểm cao bên lề cái đoạn cua một con dốc thoải, nhìn về hướng biển, cái bệnh viện phong Quy Hòa lúc thì nhòa đi trong khói sương chiều bảng lảng, lúc thì lại ửng vàng trong ánh nắng mỏng manh như tơ trời giăng xuống. Khác với tất cả mọi bệnh viện lớn nhỏ khắp mọi nơi, không phải vì cái tên gọi đặc trị: “Bệnh viện phong”, mà bởi bệnh viện Quy Hòa giờ đây là cái chấm son trong bản đồ du lịch Quy Nhơn. Du lịch gì trong một cái bệnh viện mà du lịch? Vâng, vì ở đấy có căn phòng lưu niệm thi sĩ Hàn Mặc Tử, nơi nhà thơ nằm điều trị bệnh phong và đã qua đời tại đây.
Căn phòng bình thường nhỏ hẹp đơn sơ chiếc giường nằm, chiếc ghế ngồi và dăm ba vật dụng sơ sài. Tưởng như chưa vội bước vào căn phòng ấy, chỉ cần đứng ở cửa phòng nhìn vào quan sát một nhoáng thế là xong. Vậy mà cái lối vô tận của nhà thi sĩ tài hoa mệnh bạc mở ra cho chúng ta quả là… vô tận! Ngày này tháng kia năm nọ lũ lượt bao người đã bước vào tham quan du lịch ở cái bệnh viện này, cốt chỉ nhìn cho được căn phòng Hàn Mặc Tử đã ở. Được chạm tay vào chiếc giường mà thi sĩ đã từng nằm kia để cảm giác được sở hữu một tình yêu, một huyền thoại mà lòng ngưỡng mộ bấy lâu từng có lúc thả những bước chân tâm tưởng bước tới. Khách xa gặp lúc mùa xuân chín. Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng - Chị ấy năm nay còn gánh thóc. Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Tôi cũng vậy, bước vào căn phòng lưu niệm thi sĩ, lần nào cũng như lần nào, dường như không gian ấy không khuôn lại chật hẹp trong bốn bức tường mà mênh mang, mà bát ngát… Đến nỗi, rời căn phòng ấy, bước ra ngoài khu vườn công viên, đi dưới hàng phi lao, rồi lạc vào cái vườn tượng của bệnh viện mà hãy còn như ưu du mộng mị. Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát. Để nhờ không khí đẩy lên trăng. Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trỗi. Để hớp tinh anh của nguyệt cầu… Ôi chao là những giấc mơ, dường như thi sĩ sinh nở ra đấy những mùa trăng không bao giờ lặn!
NGUYỄN NHÃ TIÊN