Mẹ đột ngột trở về với cái lưng cong cong đẩy cái bụng đã lùm lùm về phía trước. Làng trên xóm dưới xôn xao. Cả nhà bối rối. Thật khó nhìn nhau khi trong nhà những hai người đàn bà mà chỉ có một thằng đàn ông.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hai đứa trẻ con ái ngại ra mặt mỗi khi phải lén lút nhìn cái bụng của mẹ, lúc mẹ đi đứa lớn chưa cao bằng gấu áo người lớn, đứa nhỏ mới biết đứng, bây giờ cả hai anh em đều đã đạp được xe chở nhau đi học.
“Thằng bố” không nói câu nào, lừ lừ sang bên nhà ông nội nằm ngủ một mạch từ trưa đến chiều, chắc là đến sáng hôm sau cũng nên. Cô Bình im lặng, mắt đỏ hoe như hai hạt đào, sẩm tối cô gọi hai đứa nhỏ giúp đuổi bắt con gà làm thịt đãi khách.
Mẹ đau bụng nằm rên trong buồng, cái buồng từ trước vốn là của mẹ, mang bầu thằng lớn, thằng bé đều ở trong này, cái buồng vẫn thế, có điều đã được trát thêm một lớp vữa mỏng vào vách tre đan hình mắt cáo. Không hỏi nhưng cũng đoán được đó là nhờ tiền mà mẹ gửi từ nước ngoài về nên có thêm lớp vữa trát vừa quê vừa vụng ấy.
Mẹ đi để lại ngôi nhà tuềnh toàng và ba bố con chúng nó, thằng anh cách thằng em ba tuổi, lúc thằng bé biết đứng thì mẹ đăng ký vay nợ để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, vừa gửi hồ sơ với ảnh sang được một tháng thì bên kia báo về gọi đi luôn, vậy mà đã sáu năm trôi qua.
Công nằm lỳ bên nhà ông nội nhưng không thể chợp mắt. Vợ đi xuất khẩu lao động được hơn một năm thì gửi về cho hắn hai lần ba mươi triệu, vừa đủ trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Năm thứ ba vợ gửi về sáu triệu hắn mang gá bạc thua cả. Lần sau ra ngân hàng nhận được mười triệu, Công tiêu một nửa, còn một nửa nhờ ông bà nội giữ. Sau lần ấy hắn không nhận được thêm một đồng nào nữa, từ đó tin tức của vợ cũng bặt âm tín. Một ngày hắn choáng váng khi nhận được giấy mời ra nhận mặt người thân, một người đàn bà tiều tụy giơ cánh tay yếu ớt chực lao ra khỏi màn hình, miệng mấp máy như gọi tên Công, hắn chưa kịp nhận ra ai thì đã bị đám đông chen lên xô người đàn bà đó sang phía sau. Cơ quan chức năng yêu cầu hắn nhận và làm thủ tục bảo lãnh cho vợ về, tất nhiên là hắn không làm vì không đủ khả năng ấy. Trong lòng Công ngày đêm cầu khấn mong vợ về, càng mong hắn càng trở nên tuyệt vọng, rồi hắn mơ hồ nghĩ rằng vợ đã chết, hắn mong vợ đã chết thật còn hơn phải khổ cực một thân nơi xứ người. Lo lắng lớn dần thành nỗi ám ảnh khiến hắn khiếp đảm và thường xuyên bị giật mình ngay cả khi không ngủ.
Ông nội hai đứa trẻ bỗng bị bục chỉ vết mổ dạ dày cũ nên nằm viện, Công được dịp ở luôn trong bệnh viện cùng ông, là con út được nuông chiều từ nhỏ nên ở bên ông lúc này hắn thấy cảm giác được che chở và an toàn hơn cả.
Phòng bệnh bên cạnh có một ông cụ cũng tầm tuổi thân sinh ra Công, nằm viện vì mắc bệnh gan giai đoạn di căn, mỗi khi bác sĩ vào khám xong đều giấu cái lắc đầu nhè nhẹ mà chỉ những người xung quanh mới nhìn thấy được. Nhà ông cụ này tiếng tăm giàu có nên thuê hẳn một buồng riêng, thuê luôn người chăm sóc. Họa hoằn mới thấy hai người con của ông cụ vào thăm. Bà vợ một ngày đến hai lần vào buổi sáng và gần tối, mỗi lần bà đều mang ủng, đeo găng tay cao su, khẩu trang bịt kín mặt giống như người sắp vào vệ sinh chuồng gia súc, bà đứng cách giường ông nằm khoảng một mét, xong cái thủ tục thường nhật là dặn chồng phải cố gắng ăn thật nhiều rồi kéo vội cô chăm sóc riêng cho ông ra ngoài, dặn dò tỉ mỉ mới về.
Cô gái được thuê để chăm sóc cho ông cụ tên là Bình, hai mươi tư tuổi, cô không nói quê mình ở đâu, lang bạt làm thuê ở Hà Nội rồi trôi dạt về đây. Cô đi bán hàng bưng khắp thị xã, thỉnh thoảng có ai gọi đi phụ đánh vữa xây cô cũng đi. Đúng hôm đến bán ở bệnh viện có một ông cụ bệnh nặng mới chuyển đến, cụ mắc xơ gan giai đoạn di căn cả nhà không ai dám gần nên cần thuê một người chăm sóc, cô nhận lời ngay, mang theo luôn cả rá hàng bưng của mình vào bán rẻ cho các bệnh nhân nghèo, công việc đó khiến cô thấy vui. Người lấy hàng và nợ nhiều nhất là Công, hắn đốt thuốc lá, nhai kẹo xylitol liên tục, hai người nói chuyện cùng nhau một lần là quen hẳn, sau đó thân mật hơn.
Có lần hai người lén nghe trộm được anh con cả của ông cụ bệnh gan than thở với ai đó qua điện thoại “Chưa! Vẫn chưa đi! Không biết còn ăn vạ đến khi nào nữa!”. Đã mấy lần ông cụ thở kéo vào như không bao giờ thở tiếp nữa, nhưng lúc tưởng bệnh nhân chết thật thì ông lại thở hắt ra một cái khiến người nào cũng phát bực mình theo.
Bà vợ ông cụ giờ một ngày chỉ đến một lần vào buổi sáng hoặc tối, có ngày bà quên hẳn ông chồng già trong bệnh viện nên lỡ làng không đến.
Bình là người đầu tiên mong ông cụ đừng ra đi sớm, cô không biết bệnh xơ gan sẽ lây sang mình lúc nào nhưng chăm sóc ông cụ không vất vả mà lại được trả công cao hơn hẳn đi bán bưng, thế nên cô thầm mong ông đừng chết để công việc chăm sóc này cứ kéo dài mãi. Người thứ hai mong ông cụ đừng sớm ra đi là Công, hắn cũng không lý giải nổi tại sao lại mong như thế.
Nhưng ông cụ vẫn đi, vào lúc nửa đêm, Bình nghe tiếng ông rên khe khẽ và tiếng sột soạt đạp chăn, cứ ngỡ là ông trở mình, sáng hôm sau mới biết là ông cụ đã chết, ông chết với cái bụng lép kẹp, da vàng như bôi nghệ. Người chết được đặc biệt đón về nhà làm lễ siêu độ, khách khứa đến đông như hội. Bình và Công cũng đến, cả hai đều khóc.
Hôm ông cụ nhà Công xuất viện, con cháu rục rịch kéo ra đón, ông bảo đón luôn Bình về cho Công, đúng hơn là cho hai đứa con của hắn. Hai đứa trẻ phản đối một người phụ nữ lạ mặt vào ở trong nhà, chúng bốc đất ném cô túi bụi, đó quen dần nhưng nhất định không chịu gọi là mẹ hay dì như người lớn dạy mà chỉ là cô Bình.
Cô Bình giỏi như đàn ông, ít nhất là giỏi hơn bố, cô tự mua đồ về trát lên tường, hai đứa trẻ thấy vui nên cũng nhào vào làm theo, hắn cũng lao vào làm, một tuần thì xong, những vệt vữa nham nhở, vụng về.
Mẹ đẹp hơn cô Bình, nhưng chúng thích người xấu! Hai đứa trẻ to nhỏ thì thầm ở góc nhà rồi quyết định như thế. Chúng lân la đến chỗ Bình, xúm vào giúp cô nhặt những sợi lông còn sót lại trên thân con gà. Người đàn bà im lặng, hai đứa trẻ im lặng.
Trong buồng, mẹ nín thở nghe ngóng xem bên ngoài bình phẩm gì về mình, tuyệt nhiên không nghe ược gì nhưng rõ ràng cái không khí đang diễn ra đã nói lên tất cả.
Bố vẫn ngủ nhà nội chưa về. Mẹ đầy bụng không ăn. Cô Bình nấu cháo gà cho hai đứa trẻ, chúng ngồi bên bàn học to nhỏ thì thầm hồi lâu và rủ nhau lên giường nằm lăn ngủ như chưa hề có chuyện gì biến động trong căn nhà bé nhỏ.
Sáng hôm sau Công lấy hết can đảm trở về. Nhà cửa vắng tanh. Hai đứa trẻ đi học từ sáng sớm. Vợ cũ đã đi. Trong buồng cũng không còn sót lại một bộ đồ nào của Bình. Trên bếp, nồi cháo gà ninh đêm qua nguội ngắt…
A KIỀU