.
Tản văn

Mùa chim di trú

Cuối thu, trời bắt đầu trở lạnh. Nửa đêm ta trở mình vì một tiếng chim đêm bay ngang thành phố. Lòng chợt bâng khuâng, vậy là đã đến mùa chim di trú. Nơi quê nhà, cha có còn giăng lưới chim trời nữa không?

Những đàn chim sinh sống ở miền bắc cứ đến cuối thu đầu đông hằng năm lại bay từng đàn về phương nam để tránh mùa đông giá lạnh. Sau những giờ bay mỏi cánh qua những ngọn đồi, đỉnh núi những đàn chim thường đậu xuống những khe, suối để uống nước và kiếm ăn cho lại sức để bay tiếp một chặng đường dài. Vì hiểu được đặc tính ấy của loài chim di trú nên ở con suối chạy quanh chân núi cha tôi thường giăng lưới bẫy chim. Những cánh chim mệt mỏi sà xuống uống nước mà không nhận ra mảnh lưới đang giăng dưới chân mình. Thuở nhỏ tôi thường theo cha đi bẫy chim. Cha tôi như một người thợ săn lành nghề nên mùa chim di trú là khi cuộc sống nghèo túng của gia đình tôi được cải thiện. Tôi được quần áo mới, sách mới đến trường. Người ta đặt mua những con chim cha tôi bẫy được để đem về tận thành phố chế biến làm đặc sản. Qua đi cái thời háo hức con trẻ mỗi khi mùa chim di trú về, tôi lớn lên và bắt đầu suy nghĩ về số phận của những đàn chim.

Tôi đọc được ở đâu đó rằng, nơi dãy núi Hymalaya hùng vĩ cao nhất thế giới, hằng năm cũng có hàng ngàn những con chim thiên nga bay đi tránh rét, chúng phải bay vượt qua độ cao trên tám nghìn mét. Mà không phải con thiên nga nào cũng vượt qua được sự khắc nghiệt ấy. Có rất nhiều con đã bị đuối sức và rơi xuống. Phía bên kia của sự ấm áp luôn là những bất trắc, khắc nghiệt với loài chim. Còn những đàn chim di trú ở quê tôi, chúng cũng bay đi tránh rét, dẫu không có những đỉnh núi cao ngăn cản nhưng những cái bẫy giăng ra chờ chúng cũng nhiều vô vàn. Sự ngã xuống của loài chim có thể sẽ làm nảy nở  niềm hy vọng của con người. Bây giờ còn có bao nhiêu đứa trẻ sẽ được đến trường nhờ vào tiền bán chim trời như tôi ngày xưa? Giống như quy luật sinh tồn của cuộc sống, những đàn chim cầm cố giấc mơ di trú, và phải đánh đổi bằng cả cuộc sống của mình. Tôi nghĩ mãi về sự bất hạnh của loài chim nhưng tôi vẫn phải sống, phải học tập. Cha tôi cũng vẫn phải bẫy chim kiếm sống nuôi gia đình.

Như rất nhiều người khác, lớn lên tôi xa miền quê nghèo mang theo những giấc mơ đến phố. Nhiều lúc va vấp tôi giật mình nghĩ mình cũng giống như loài chim di trú kia, vì không chịu được sự khắc nghiệt của cuộc sống trên mảnh đất quê mình nên phải bay đến quê người trú ngụ, sinh sống. Và cũng có trăm ngàn cạm bẫy mà cuộc sống này đặt ra, không phải ai cũng đủ bản lĩnh, lí trí để không mắc phải. Tôi về thăm cha, thấy người đã già đi rất nhiều sau bao năm vất vả mưu sinh nuôi tôi ăn học. Những mùa chim di trú người không còn đặt bẫy chim trời nhưng đôi mắt người vẫn luôn ngóng theo những cánh chim xa. Trong đôi mắt người như có sự mong mỏi bình an cho những đàn chim. Có bao giờ người cũng nhìn cánh chim di trú và nghĩ đến những đứa con đi xa của mình. Những đàn chim dù gặp nhiều biến cố nhưng chúng vẫn sinh sôi, hằng năm vẫn bay đi tránh rét để tồn tại trong cuộc sống này. Tôi thầm khâm phục những cánh chim kia và chợt nhận ra trong sự lặng lẽ của cha gửi gắm cả một nỗi niềm sâu kín.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

;
.
.
.
.
.