.
TRUYỆN NGẮN

Những cái kết có hậu

.

Mẹ tôi là một nhà văn. Tôi nhớ năm mình mười tuổi sau khi đọc một bản thảo chi chít chữ viết tay của mẹ tôi đã khóc nức nở. Tôi hỏi tại sao tất cả chuyện cổ tích mẹ từng kể đều kết thúc có hậu mà truyện mẹ viết lại buồn? Mẹ cười bảo sẽ đến một lúc nào đó con hiểu được rằng những cái kết có hậu không chỉ là sum vầy, hội ngộ mà ngay cả mảnh vỡ cũng có lý lẽ riêng của nó.

Nhưng phải đến mười năm sau tôi mới nhận thấy mọi giá trị xung quanh mình bắt đầu thay đổi. Khi đó lá bài hạnh phúc trong tay tôi chuyển sang màu xám. Mỗi ngày đều có thể nhắm mắt cảm nhận được những vết buồn loang lổ ngay trong chính nơi êm đềm nhất. Mẹ đã bắt đầu sợ ngồi vào bàn viết, bà trốn chạy thứ cảm xúc như lúc nào cũng muốn nhấn chìm. Còn tôi, tôi không đủ can đảm để chạm vào thế giới đầy con chữ ấy…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bố là người đàn ông rất chu toàn. Nhiều lúc tôi thấy kỳ lạ, chẳng hiểu vì sao một sĩ quan quân đội rất nghiêm khắc đầy tính kỷ luật như bố lại hợp với một người viết văn bay bổng như mẹ. Bố cười bảo:

- Đó là quy luật. Mẹ bù khuyết những thứ mà bố thiếu.

- Và tạo ra con giống như một sản phẩm hoàn mỹ?

- Mẹ nó xem kìa, con gái hơn hẳn em cái tính tự tin.

Mẹ cười bảo:

- Ờ! Nhiều lúc em nghĩ chắc nó không phải con mình.

Chúng tôi cùng vui vẻ trò chuyện, ăn bánh flan do bố làm và tủm tỉm cười những suy nghĩ ví von của mẹ tưởng như không bao giờ nhàm chán. Mẹ là người đàn bà rất thú vị, trước mắt bố con tôi thì lúc nào mẹ cũng đầy năng lượng sống trên từng khóe môi ánh mắt. Mẹ không biết nấu nướng thêu thùa, mẹ vụng về một cách kỳ lạ và đáng yêu. Bố bảo dù mẹ có già thêm bao nhiêu tuổi nữa thì tâm hồn vẫn như một đứa trẻ ưa vỗ về nựng nịu. Bố chiều mẹ đến mức bất cứ người đàn bà nào nhìn thấy cũng phải phát ghen. Công việc khiến mẹ hay thức đêm và sáng hôm sau thường bình minh rất muộn. Bố luôn là người dậy sớm, đi chợ mua đồ ăn nhét đầy tủ lạnh, hầu như toàn là thứ mà mẹ con tôi thích. Khi mẹ thức dậy tôi đã đến trường, bố vào đơn vị, trên bàn làm việc của mẹ đã có hoa tươi và đồ ăn sáng do tự tay bố chuẩn bị luôn được bày biện rất đẹp. Thỉnh thoảng tôi lén đi học muộn chỉ để đọc trộm tin nhắn trên mẩu giấy nhỏ xíu bố để trên bàn cho mẹ. Còn hoa thì mỗi mùa mỗi sắc, mỗi sáng mỗi hương thơm. Tôi lớn lên theo từng ấy tháng năm, nhìn những buổi sáng bình thường của mẹ mà quá đỗi hạnh phúc. Đã có lúc hai bố con ngồi ăn sáng với nhau tôi cười bảo:

- Bố yêu mẹ nhiều như vậy có thấy mệt không?

- Chừng nào con gái yêu rồi thì sẽ hiểu. Được chăm sóc cho người mình yêu là một hạnh phúc. Bố thấy mình may mắn hơn khối người đàn ông đấy chứ.

- Ngày xưa mẹ nhiều người theo đuổi vậy sao bố?

Bố ghé sát tai tôi nói nhỏ:

- Con biết không, bố mà không phải bộ đội thì làm gì có sức chiến đấu mà tán nổi mẹ con.

Tôi nhún vai bảo:

- Ngày xưa chắc là mẹ đẹp lắm đúng không bố?

Bố xoa đầu tôi, cười bảo mẹ lúc nào cũng đẹp. Tôi đã nghĩ chắc mẹ chẳng bao giờ buồn bên cuộc sống bình yên mà cha con tôi mang lại. Nhưng hóa ra không phải vậy, sau này thỉnh thoảng đi học về tôi hay bắt gặp mẹ ngó nắng tàn cuối chiều thảng thốt. Mẹ đứng bất động, thẫn thờ như thể đang chìm vào một thế giới mông lung nào đó. Tôi cứ tự hỏi có phải chính những phút giây ấy khiến trang viết của mẹ không bao giờ có hậu. Và bố liệu có bao giờ nhìn thấy mẹ buồn đến vậy hay không, khi mà ngay cả những đóa hoa tươi tắn trên bàn cũng không làm cho mẹ vui hơn được. Tôi hay lén đứng nhìn mẹ như thế và không thể lý giải được nỗi bất an cứ nhen nhóm trong lòng. Để rồi nhiều lúc thấy mẹ cười vui tôi cũng thấy hoài nghi và xót xa. Có hỏi mẹ cũng chỉ bảo đấy là mẹ đang nhập tâm vào nhân vật.

Năm hai mươi tuổi tôi bắt đầu yêu. Khi đó tôi là cô sinh viên năm ba trường ngoại thương, một ngành xem ra chẳng liên quan gì đến nghệ thuật nhưng lại đem lòng yêu một chàng họa sĩ. Ngày tôi dẫn anh về nhà, mẹ nhìn người đàn ông của con gái cười ý nhị. Mẹ cứ định nói với tôi điều gì đó lại thôi. Lần nào nói chuyện với nhau mẹ cũng hỏi tôi có thấy vui không? Có lần tôi bảo vui cũng có lần tôi im lặng. Thỉnh thoảng buồn tôi hay lang thang các sạp báo hay hiệu sách tìm đọc bài của mẹ. Giống như một cô bé mười tuổi, tôi đôi lần vẫn nức nở trước những trang văn. Phải đến khi biết yêu một người sẽ tổn thương nhiều đến nhường nào tôi mới hiểu những gì mẹ viết. Chưa bao giờ tôi thấy gần mẹ đến vậy, như thể mỗi sáng soi gương đều thấy mẹ trong ánh mắt của chính mình.

- Trước bố, có phải mẹ đã yêu một ai đó rất nhiều?

- Cũng giống như con bây giờ, có một tình yêu để sống và để đau.

- Vậy nó đã kết thúc như thế nào vậy mẹ?

- Không có hậu nhất trong những cái kết không có hậu. Hai người cách xa nhau một thời gian vì công việc rồi bỗng nhiên người ấy lấy vợ và ra đi mãi mãi trong một tai nạn giao thông. Mẹ chẳng có lý do gì để giận dỗi hay oán hận với một người đã không còn tồn tại nữa. Trong khi mẹ vẫn đang chờ một lời giải thích. Xem ra mẹ phải đợi mất một đời người đúng không con gái?

Tôi nhìn mẹ và chợt hiểu tại sao những buổi sáng mẹ thường dậy muộn, thường thảng thốt buồn khi ngó nắng ngoài hiên. Tôi cũng thấy thương bố nhiều hơn khi từng ấy tháng năm vẫn cần mẫn vá víu nỗi đau của mẹ. Còn tình yêu của tôi, tôi thực sự không biết mọi thứ sẽ đi đến đâu. Mỗi ngày trôi qua đều là thứ dự cảm không lành, tôi cũng không lý giải được tại sao khi yêu con người ta trở nên yếu đuối nhu mì đến vậy. Tôi yêu một người đàn ông có trái tim quá rộng, rộng đến mức tôi lạc lối trong anh không biết đường về. Trong lúc đi lạc, tôi bắt gặp vài người con gái khác cũng đang hoang mang giữa thế giới của anh. Họ nhìn tôi vừa thương hại vừa ngưỡng mộ lại như muốn van lơn. Tôi rút cuộc cũng chỉ hơn họ là níu giữ được anh, là trong trái tim bề bộn của anh vẫn còn có một chỗ cho tôi. Nhưng sự níu kéo này dai dẳng đến mệt nhoài. Tôi như con thú bị thương vẫn mù quáng chạy theo dấu chân người thợ săn. Giống như một cuộc rượt đuổi đến bờ vực thẳm, dĩ nhiên người đứng trên bờ vực không phải là anh. Mẹ bảo người đàn ông của tôi giống như cơn gió, nên bản năng không thể nào giống một cái cây. Thế giới của gió thuộc về bầu trời không phải là mặt đất. Mẹ nói tôi phải là một đám mây hoặc học cách chấp nhận mình chỉ là một cánh đồng đủ rộng nhưng vẫn không phải là nơi gió dừng chân.

Tôi mang thai đứa con của anh như một món quà thiêng liêng của tình yêu. Nhưng anh phát điên lên vì nghĩ tôi đang sắp xếp một nghi lễ để trói buộc anh. Tôi cảm thấy cay đắng vì biết cuộc rượt đuổi này sẽ kết thúc ở đây, ngay trong tim tôi nơi mà khi để anh bước vào tôi đã nghĩ sẽ luôn giữ anh ở lại. Bởi vì mẹ nói đúng anh là gió còn tôi thì chẳng thể làm một đám mây phiêu lãng suốt đời. Nên khi nghe anh bảo:

- Em hãy phá bỏ cái thai đi.

Tôi đã có thể bình tâm mà nói:

- Em sẽ không níu anh nữa. Anh đi đi.

Tôi đứng lại hoang tàn như một thân cây vừa trải qua trận bão. Bố nén nỗi đau đớn trong tâm khi thấy tôi lầm lỡ. Cả một đời hình như bố là người chịu nhiều nỗi đau hơn cả mẹ con tôi. Nhưng vẫn đanh thép mạnh mẽ như một bức tường để hai người phụ nữ bé nhỏ dựa vào suốt năm dài tháng rộng. Cái thai cứ thế lớn dần lên, bố đi chợ mua thêm cá chép, nước dừa, trứng ngỗng. Rồi bố tính chuyện tự tay đóng cũi, thuê người về xây lại hàng rào xung quanh ao cá kẻo sau này con trẻ chạy đùa sợ người lớn sểnh ra thì tội. Mẹ may vá vụng về mấy đồ sơ sinh, đi siêu thị lôi cả đống đồ chơi và quần áo dù chẳng biết đứa trẻ trong bụng tôi là trai hay gái. Chúng tôi lặng lẽ thương yêu vỗ về nhau như thế, bỏ ngoài tai những lời thiên hạ dèm pha. Cũng may là vườn nhiều hoa, cũng may là đất lành chim đậu, mỗi sáng thức giấc nghe chim chóc líu lo chuyền cành tôi đã thấy nỗi đau dịu bớt đi nhiều. Tôi hỏi bố:

- Bố thích cháu trai hay gái ạ?

- Trai gái gì đều được, có tiếng trẻ con chắc sẽ thêm vui cửa vui nhà.

- Nếu là cháu gái thì một mình bố phải làm chỗ dựa cho ba người phụ nữ, bố có thấy mệt không?

Bố tự vỗ nhẹ vào vai mình, mỉm cười bảo:

- Vai bố còn vững lắm. Con đừng lo.

Tôi ngồi nhìn dáng bố đi lẫn trong cái nhá nhem của trời chiều mà thương đến nhói lòng. Mẹ gập trang sách lại, đã lâu không còn thấy mẹ đứng thảng thốt hay ngồi đến nhàu nát thời gian bên trang viết nữa. Mẹ sợ chạm phải ký ức, như người bị thương né những mảnh thủy tinh vỡ vụn trên đường. Mẹ nói quá khứ đã làm xong nhiệm vụ của nó, đã đến lúc mẹ gói kỹ ký ức đặt nó nằm yên một chỗ để sống có trách nhiệm hơn với thực tại của mình. Tôi hỏi mẹ về cái kết của tôi liệu có phải là rất đáng buồn không? Mẹ cười bảo:

- Cổ tích không ở đâu xa, nó chính là đứa nhỏ đang nằm trong bụng con đó. Nó cũng có hậu như bố con là cái kết có hậu nhất trong cuộc đời của mẹ.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.