Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Khun

07:12, 04/10/2014 (GMT+7)

Nó là Khun, cha đưa nó về nhà tôi khi trời đã chập choạng tối, thời điểm anh em tôi dán cặp mắt vào màn hình ti-vi xem hoạt hình. Đó là thú vui không thể kìm được dù bất cứ lý do gì. Và việc đi đi về về của cha cũng không làm anh em tôi thấy lạ. Vậy mà hôm nay, đi cùng với cha là một thằng nhóc trạc tuổi anh em tôi, nhìn thôi cũng biết nó là người thượng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nó nhìn mọi thứ xung quanh với ánh mắt của con thú bị lạc đường, sợ hãi và dè chừng. Sự xuất hiện của nó cũng làm tan đi sự hấp dẫn của hai chú sóc chuột nghịch ngợm.

Cha đưa nó xuống bếp chào mẹ, mẹ vẫn đang lụi cụi với mớ rau heo cắt vội. Cả ngày mẹ quần quật ngoài vườn, mẹ đảm hết mọi chuyện, cha lúc nào cũng đi làm xa, lâu lâu mới về, cha làm không được nhiều tiền nên mẹ phải vất vả, đến nỗi tóc mẹ lúc nào cũng bù xù. Cái bù xù khổ đắng vây bọc cả đời mẹ. Lần này cha về đưa cho mẹ một ít tiền và một thằng nhóc. Tôi không biết lý do nó có mặt trong từng gang tấc lãnh địa của anh em tôi, lãnh địa mà tôi và thằng em phải chia đôi trong những trò đánh lộn hằng ngày. Và chiếc giường nhỏ giờ cũng chia ba.

Khun bằng tuổi thằng em tôi. Nghĩa là chín tuổi. Nó đen đùi đũi, đôi mắt đặc trưng của người thượng, to và sâu hoắm nhưng lại rất trong. Tôi cảm giác đôi mắt đó có thể nhìn thấy trong đêm. Nó như mắt mèo hay mắt báo gì đó. Toàn người nó bốc lên một thứ mùi khét lẹt. Thằng em đêm đêm vẫn không chịu nằm gần Khun, nó sợ trong đêm tối Khun sẽ thức dậy, nó tưởng tượng Khun như con thú rừng hay giống ma lai mà người ta hay kể truyền tai nhau ở vùng núi này. Đêm nào tôi cũng thức chừng để khẳng định Khun là con của ma lai nhưng không đợi được gì, Khun ngủ rất say, cả khi đêm vùng núi lạnh cắt da thịt vậy mà nó đạp tung chăn mà vẫn cứ say giấc.

Trước khi đi, cha dặn anh em tôi phải xem Khun như 1 người anh em trong gia đình, và kể từ giây phút này Khun là con trong nhà, nó cũng giống như tôi và em tôi, nghĩa là con của cha và mẹ. Thằng em hỏi tôi “nó có phải là con của cha mẹ mình đâu mà ở nhà mình” tôi không thể trả lời câu hỏi của thằng em vì chính tôi cũng đang không thể lý giải nổi, chỉ còn cách đi hỏi mẹ, nhưng mẹ tôi ngoài tiếng thở dài không trả lời gì thêm, khi tôi vụt chạy đi mẹ gọi với lại dặn chừng chúng tôi không được đánh Khun. Vậy là phải chung sống hòa bình.

Sự xuất hiện của Khun chẻ mọi thứ của chúng tôi làm ba. Nghiễm nhiên ba con bò cái nhà tôi giờ cũng có ba đứa dắt mũi, điều này xem ra là hợp lý nhất. Đang mùa hè nên công việc của chúng tôi là chăn bò, nhặt về ít củi, hay hái môn rừng cho mẹ. Ngày nào chúng tôi cũng nhặt củi, chúng tôi thích giúp mẹ việc ấy, trên những quả đồi ở vùng này thì củi là công việc không khó khăn gì, và nó được chuyển về dần thành đống cao ở sau bếp cho mẹ tha hồ đun cám lợn.

Khun nói tiếng kinh rất chậm, nó biểu hiện nhiều hơn ở ánh mắt và tay. Khun lại trèo cây rất giỏi, nhanh như sóc. Từ khi có nó anh em tôi tha hồ ăn cà na rừng. Chúng tôi còn lạm dụng sự lanh lẹ của nó để ăn cắp trái cây vườn ông già Đé. Ông sống một mình trong túp lều sát chân núi, với khu vườn nhỏ được bao bọc bởi gai rừng. Chúng tôi vẫn hay chăn bò gần đấy, có lẽ do sự thu hút từ vườn trái cây sai quả của ông. Ông già Đé lại là người rất đáng sợ, ông lùn tủn và mập mạp, bộ mặt mới thật dữ tợn, bộ râu dài chằng chịt che lấp mất cặp môi già nua. Nhưng từ khi có Khun, chúng tôi vẫn ăn vụng đều đều những quả chín, khi nghe tiếng ông hét cả ba chạy tán loạn. Nếu để ông tóm thì chẳng khác nào đối diện điều kinh hãi nhất, cái cảnh ông nhấc bổng đứa nhỏ ném xuống ao cá thì đứa nào cũng hồn xiêu phách tán. Ông gầm gừ như sự nổi giận của thần rừng. Thằng em tôi mỗi khi nhắc “ông già Đé kìa!” nó giật bắn mình, rơm rớm khóc.

Đang mùa hạ nên những cơn mưa giông rừng càng dữ dội, ba đứa chúng tôi không dám chăn bò trên đồi trống khi mây giông đến. Mấy hôm nay mưa sớm nên vừa chăn chúng tôi vừa cắt cỏ cho bò ăn thêm vào buổi tối, nhìn ba con bò cái phểnh cái bụng căng tròn thì đứa nào cũng thích thú, chỉ cần vậy thôi là mẹ đã thưởng cả một rổ khoai lang thơm phức.

Sau mỗi đợt mưa giông thì cái màu tươi non của cỏ phủ xanh cả vùng núi này. Gió chiều mang hơi nước thổi mát lạnh, chúng tôi ngồi trên tảng đá, nhìn về phía thung lũng nơi có mái nhà tôi đang lắng mình trong màn sương đá mù bao tỏa một màu tro ảm đạm, yên bình. Tự dưng thấy Khun buồn. Có lần nó kể, nó không biết mặt cha mẹ nó, nó sống với bà, nhưng lũ quét cũng cuốn đi ngôi nhà nhỏ của hai bà cháu. Nó được cha tôi cứu sống khi ông đang làm cho công trình thủy điện gần đó, biết vậy nên hai anh em không còn cành nanh với Khun nữa.

Nó vẫn nhìn xa xăm, có lẽ nó nhớ nhà, thằng em nhìn qua tôi như đồng ý nghĩ, chúng tôi quyết định phá tan cái tâm trạng đó. Ba đứa nhìn nhanh về cuối dốc, anh Liếc đang lùa trâu vào rừng kéo gỗ ra, đây là công việc mà gần như ai cũng thuộc lòng ở xứ này. Sống ở rừng và mưu sinh từ rừng, không do dự, cả ba phóng vụt theo anh, bỏ lại ba chị bò cái ung dung gặm từng miếng cỏ ngon lành.

Con dốc đứng sựng, ngoằn  ngoèo ôm dần lên đến đỉnh, trâu đen nặng nề lê từng bước, đó cũng là số phận của những con trâu sinh ra ở núi rừng, chỉ biết cố gắng nệ từng bước, cam chịu đến tội nghiệp. “Chúng mày đi theo tao không sợ bò chạy mất à?” anh Liếc nhắc chừng, nhưng có gì mà lo nghĩ khi chúng tôi đã buộc rất chặt sợi thừng của bò cái già vào cây. Tha hồ chơi.

Theo anh Liếc vào đến cội, cây cối ngả nghiêng, những phách gỗ đều đã được cưa ngay ngắn, đoạn đường khá xa nhưng vừa đi chúng tôi vừa đùa nghịch nên cũng không thấy mệt bao nhiêu. Khi qua những khe suối nhỏ, đứa nào cũng lắm lét nhìn tìm dâu đất. Con trâu đen lúc này mới tội nghiệp, nó lắc sừng như không muốn chui vào lĩa, khối gỗ khoảng gần ba tấc, nặng chình chịch được anh Liếc đóng chặt bằng đinh và xích sắt. Trong khi anh Liếc lăm le chiếc roi mây rừng thì trâu đen cũng kịp đẩy tan cái mệt mỏi vẫn nhùng nhẵng ban nãy, nó chui vào lĩa một cách ngoan ngoãn. Anh Liếc nhìn chúng tôi cười cười, “chúng mày thấy chưa? Trâu còn sợ roi mây nữa là”.

Có những lần khối gỗ bị chẹt giữa hai tảng đá ngang đường, trâu đen lại phá lĩa, nó lồng lên như muốn thoát khỏi cái quá khổ đang ghì chặt ở cổ, anh Liếc phải dằn co với nó một hồi, mệt lã mới thỏa hiệp xong với nó. Đôi khi phải hung dữ, phải hét lớn nhưng có lúc lại phải dỗ dành vuốt ve nó. Mỗi khi lên đoạn dốc khó đi, trâu đen nhún mình xuống, nhướn từng bước nặng nề để đưa khúc gỗ đằng sau theo. Nhìn trâu đen thở phì phò, chảy cả nước mũi, đứa nào cũng thương. Đi theo anh Liếc và trâu đen chúng tôi quên bẵng mất ba chị bò cái.

Khun chỉ về phía đồi cỏ nơi chúng tôi cột bò, không thấy đâu nữa. Ba đứa nhìn nhau hoảng hốt, bỏ anh Liếc lại sau, phóng thật nhanh xuống dốc, trời lại chuyển mây như muốn mưa thêm một trận. Con bò cái già bứt mũi dắt theo hai bò cái con đi mất, còn lại đoạn dây cột chặt trong nhành cây dẻ. Để lạc mất bò thể nào cũng bị mẹ đánh đòn, chúng tôi chia nhau tìm, tiếng kêu “ậm… bò… ậm bò” vang cả vùng đồi, nhưng đáp lại ba chúng tôi chỉ có tiếng chim rừng và tiếng hú của gió. Khun lanh lẹ nhất nhưng giờ nó cũng không thể tìm ra, nó lủi thủi mặc cho vắt rừng bắt hơi bu vào chân lổn ngổn. Thằng em tôi bắt đầu mếu máo. Không tìm ra bò thì đừng mong về. Trời lại giông, những tia sét chạy ngoằn ngoèo trên nền trời màu tro thẳm, bỏ mặc anh em tôi đang lớ ngớ, Khun băng thật nhanh dưới những đợt sấm gầm gừ hung dữ, nó tìm khắp cả ngọn đồi, thằng em tôi sợ sấm khóc thét lên, được một lúc Khun quay lại, chân nó bị gai cào tưa đầy máu.

Ba đứa ngồi thất thểu trên mỏng đá mặc cho mưa bắt đầu giăng một màn dày đặc. Như mọi bận được tắm dưới mưa đứa nào cũng thích thú nghịch nước, nhưng bây giờ mưa trộn nước mắt, nhìn vào xó xỉnh nào cũng mong nhìn thấy ba chị bò ăn hại, nhưng chẳng có gì cả. Cả ba lầm lũi ra về. Đến đầu ngõ rẽ vào xóm, bà Ninh già đi xúc cá vừa thấy chúng tôi đã réo lên, “mẹ chúng mày tìm chúng mày cả chiều, về mau đi”. Bà còn hét với theo chúng tôi mà có hay nỗi sợ hãi đang dâng lên kéo chân chúng tôi chùng lại, như khi trâu đen bị anh Liếc vung roi mây quất vào.

Đến sau hè không đứa nào dám vào nhà, Ba đứa ướt sủng nước mưa, run lập cập. Cha mẹ đang nói chuyện với nhau, thấy tiếng động, cha lên tiếng gọi chúng tôi vào, cha không nói gì, chỉ bảo chúng tôi nhanh đi tắm và thay đồ. Mẹ vẫn đang trút nồi khoai ra rổ, khói bốc lên ấm cúng. Ba đứa rón rén vâng lời. Chạy ra giếng ba đứa cùng liếc nhanh mắt về phía chuồng bò, ba chị bò cái vừa nhai cỏ nhìn chúng tôi đầy hả hê. Cả ba ré lên sung sướng, chạy ùa vào, đứa sờ đầu, đứa sờ mõm, sờ đuôi. Mọi lo lắng đều tan biến, chắc là mẹ đã tìm chúng về. Vui sướng, đứa nào cũng giành múc nước, chúng tôi té nước vào nhau trong tiếng cười giòn tan.

Đến tối Khun sốt cao, tay chân nó bị co giật, tôi nhìn thấy vết gai cào trên chân nó vẫn còn rịn máu. Tự dưng thương Khun rất nhiều. Tôi và thằng em cứ nằm sít dần vào Khun, vòng tay ôm thân hình gầy gò và cảm nhận cái nóng đang tỏa ra từ thân hình nó. Cha mẹ vẫn chưa ngủ, tôi nghe tiếng nói vọng ra ở buồng bên cạnh, thì ra mấy con bò sợ giông nên tự tìm đường về chuồng, tôi chợt thấy buồn cười cho ba đứa, vậy mà cứ hớt hãi cuống lên.

Cha nói, mai sẽ đưa Khun theo. Bà của Khun muốn đón nó về, tự dưng tôi không muốn xa nó. Nó không có mẹ nhưng tôi biết dù ở đâu Khun cũng sẽ như tôi và em tôi, đều là con của núi rừng. Cả ba chúng tôi ôm nhau ngủ, bên ngoài sương núi vẫn rỉ qua mái lá lành lạnh.

CẨM GIANG

.