Sáng tác
Thương nhớ đèn dầu
Có bao giờ, bạn thần người ra vì nhớ? Không chỉ thần người, tôi đã nhiều lần nghe rã cả người, chỉ vì nhớ một chiếc đèn dầu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhớ, thì chạy ù ra chợ mua một chiếc về để đó mà ngắm, mà nghía, chớ sao phải thần người hay rã người. Ôi, giá mà được thế! Giá mà chỉ cần nhìn thấy cái đèn dầu là đỡ nhớ đèn dầu.
Nhà tôi, có lẽ xài dầu hao nhất xóm, vì thức khuya nhất xóm. Ba mẹ tôi thức soạn bài, chấm bài. Anh em tôi cũng hay học bài khuya. Nhưng thức khuya bền bỉ nhất là ba tôi. Ba thức để đọc sách, mà sách của ba nhiều lắm, đủ các thể loại. Sách đông y, ba đọc đi đọc lại, đọc từ ngày sang đêm, đến khuya, có khi đến sáng, dưới một ngọn đèn dầu nhỏ đặt giữa bàn khách. Và tôi, là đứa con trong nhà phải cảm ơn những đêm trắng ấy của ba nhiều nhất: Năm lên 9, tôi mắc bệnh viêm não mà nguyên nhân có lẽ từ những trái ổi bị dơi cắn dở. Tôi sốt cao, mê man, nói sảng.
Ba mẹ bỏ dạy cõng tôi xuống bệnh viện huyện. Nằm mấy ngày, bệnh của tôi vẫn không hề thuyên giảm, tôi được chở lên bệnh viện, tỉnh trên một chiếc xe cấp cứu. Dù bác sĩ ở bệnh viện tỉnh nói với ba tôi rằng chỉ cần trễ vài tiếng nữa là tôi coi như xong, tôi vẫn liên tục sốt, mê man và phải nhét thuốc hạ nhiệt không ngừng. Hậu quả là tôi bị giảm thân nhiệt, phải dùng đến máy sưởi mấy ngày liền. Sau nhiều ngày nằm phòng cấp cứu và phải hút tủy mấy lần để xét nghiệm, tôi tỉnh lại và ngơ ngác không biết mình đang ở đâu, tại sao không đi thi học sinh giỏi dưới huyện.
Tôi được chuyển lên phòng hồi sức, nhưng vẫn bị những cơn sốt và nhức đầu hành hạ, bác sĩ nói với ba mẹ tôi rằng bệnh này rất khó qua khỏi. Và đúng là như thế thật, những bạn nằm cùng phòng với tôi cứ lần lượt ra đi, trong tiếng nấc nghẹn của người thân. Tôi thì được mẹ dỗ uống thuốc Bắc ba lén bác sĩ mang vào, không biết có phải nhờ đông tây y kết hợp không mà tôi hết sốt, hết nhức đầu và sắp sửa xuất viện. Đùng một cái, hai bàn tay của tôi như có ai cầm và giật liên hồi, không cách gì dừng được. Ba lại bấm huyệt, châm cứu cho tôi, mấy ngày sau thì tôi đỡ hẳn, là một trong những đứa trẻ đầu tiên bị viêm não mà lành lặn trở về.
Nhưng trong ký ức của một đứa trẻ nhà quê, đèn dầu đâu chỉ có thế.
Còn là buổi trưa hè đổ lửa trên lưng, cầm đèn dầu chạy sang nhà bác Năm xin lửa về nhóm bếp thổi cơm, đi đến đầu ngõ, gió thổi tắt đèn, đành quay lại xin tiếp, vừa đi vừa đọc: “Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng…” vừa che chắn cho đèn khỏi tắt.
Còn là đêm trời đổ mưa bất ngờ, mẹ kêu cầm đèn ra chuồng heo soi cho mẹ đậy tấm nilon. Chuồng heo hay chuồng gà nhà tôi đều hết sức sơ sài, nhưng heo gà cũng biết thương mẹ tôi là cô giáo phải vất vả, nên cứ thế lớn nhanh. Tôi còn nhớ năm ấy, mẹ mua được một cặp heo con người ta chở đi bán dạo, nhỏ như chuột. Một con chết ngay, con còn lại, mẹ pha sữa bò cho nó uống, nấu cháo loãng đổ từng muỗng một. Nhìn nó quèo quặt, uột èo, ai cũng nghĩ chắc chỉ vài bữa rồi đem vứt thôi. Nhưng mẹ vẫn tin, và vẫn kiên trì pha sữa, đổ cháo. Không phụ lòng mẹ tôi, nó bắt đầu tròn trịa và háu ăn, lớn nhanh như thổi. Bữa người ta vào cân nó, cho nó xuất chuồng, tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe.
Còn là những tối rằm hay mồng một, mẹ nấu cháo đường. Chỉ có nếp và đường táng, món ấy giờ không thấy ai nấu nữa, mẹ cũng không, có lẽ nó chỉ thuộc về một thời gian khó đã qua. Mấy anh em tôi thích nhất lúc được mẹ gọi nhờ chặt đường thành những cục nhỏ.
Anh Hai đặt cái đèn dầu nhỏ xuống cạnh, để táng đường lên thớt, kê dao lên rồi lấy chày nện xuống dao, mấy đứa tôi ngồi quanh, chờ lượm cục đường bị văng ra, cho ngay vào mồm để đứa kia khỏi giật lấy. Rồi ù té chạy, ra đường chơi rồng rắn lên mây hay trò cướp cờ với lũ trẻ cũng háo ngọt trong xóm, dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Ấy là đêm rằm, còn tối mùng một, có cho thêm tiền cũng chẳng đứa nào dám chạy ra đường. Trời tối đen như mực, thân cây như người, đứng lặng im, trong nhà nhìn ra đã sợ chết khiếp.
Còn là những buổi tối rỗi rãi mùa hè, chúng tôi thay nhau đan những ngón tay vào nhau tạo thành hình thù ngộ nghĩnh… trên vách. Thích thú nhất có lẽ là trò chó sủa, chơi mãi mà không thấy chán. Rồi tranh nhau tìm thằn lằn bò trên bờ tường, xem ai đếm được nhiều thằn lằn hơn. Thật ra, quê tôi, gọi thạch sùng là thằn lằn, còn thằn lằn thì gọi là rắn mối, chẳng hiểu vì sao.
Nhưng hình ảnh về đèn dầu lặp đi lặp lại trong tôi nhiều nhất vẫn là những chiếc đèn dầu của bao đêm đi coi phim ở bãi chiếu bóng. Chờ đợi từ chiều, trời vừa sẩm tối, ăn cơm vừa xong, chỉ cần mẹ gật đầu là tôi với anh Hai vọt lẹ, sợ mẹ lại đổi ý. Anh em tôi thì lấy đâu ra tiền mà mua vé, cứ đứng chực ngay ở cổng, thấy người lớn nào vào là xin đi theo. Có khi còn chui rào để vào, gai tre cào đau điếng. Vào được bên trong rồi, cũng có coi được gì. Người lớn, lớp ngồi lớp đứng, tôi chen thế nào được, mà coi cũng có hiểu gì đâu. Thế nên, thú vui duy nhất của tôi lúc đó là đi quanh những… chiếc đèn dầu. Chiếc đèn dầu đặt trên một cái mẹt, cái mẹt thì đặt trên cái mủng nhỏ.
Trên cái mẹt đó, bên cạnh đèn dầu là mấy viên kẹo ú, kẹo mè, mấy trái vú sữa, mận hay ổi, vài khúc mía, ít xâu bồ quân, một bao sim chín và mấy gói thuốc lá. Không có tiền, và chưa bao giờ mua được gì từ những cái mẹt có ngọn đèn dầu leo lét ấy, tôi vẫn bị hút về chúng như những con thiêu thân. Để chiều nào cũng mong trời mau tối. Để khi cuộc chiếu phim đã tàn, anh Hai lại nắm tay tôi thật chặt sợ tôi bị lạc giữa đoàn người ùn ùn kéo ra khỏi bãi chiếu bóng. Và anh em tôi, đi như chạy trên đường về, vì sợ ma.
Hè năm tôi lên lớp 8, điện về đến quê. Đèn dầu bắt đầu lùi dần vào ký ức. Không còn những chiều muộn, mẹ sai mang chai xuống nhà bà Mỹ mua tạm ít dầu vì buổi chợ sáng mẹ quên. Không còn cảnh học bài rồi ngủ gục trên bàn, huơ tay làm đổ cả đèn, bị ăn mắng mà vẫn chẳng tỉnh ngủ nổi.
Và, mãi mãi không còn những đêm quẩn quanh bên những chiếc mẹt tre có ngọn đèn dầu leo lét với những món quà quê bé mọn.
Bạn sẽ hỏi tôi có tiếc những điều ấy không, xin trả lời rằng tôi không tiếc, cuộc sống thì phải tốt lên từng ngày. Chỉ nhớ và thương, một nỗi nhớ thương rất đỗi bình thường với một phần đời đã đi qua và không bao giờ trở lại.
Bởi, tôi có thể mua được cả ngàn chiếc đèn dầu, nhưng làm sao mua được tuổi nhỏ đã mất?
NGÔ THỊ THỤC TRANG