Sáng tác
Những người bệnh
Không đi ngang, chẳng đi lên, ông cứ đi xuống trong những năm cuối của đời công chức. Lý do được sếp lớn đưa ra là tinh giãn biên chế, sáp nhập phòng ban hoặc tù mù hơn là do yêu cầu nhiệm vụ, đã không làm ông thông suốt. Nếu năng lực yếu, bị kỷ luật hay sức khỏe có vấn đề tiêu cực thì đã đành, đằng này các tiêu chí của ông đều ngon lành. Thế là ông tức, chán ăn mất ngủ, bực dọc nén trong lòng, cứ có dịp là trào ra như xả xú-bắp. Và rồi, ông tự giải phóng bằng cách xin về hưu trước tuổi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ông tưởng xa chốn lao xao, lòng sẽ bình lặng; nhưng không, những buồn bực nơi công sở vẫn lẽo đẽo theo về. Tệ hại hơn, trong cõi vắng vẻ, chỉ với vợ con, những u uất càng khuếch tán, nhân lên. Ánh nhìn bi quan, lòng đầy mặc cảm, tự dày vò khi nghĩ về những thua thiệt đã qua là ông trong những ngày vừa rời nhiệm sở. Với ông, về hưu đồng nghĩa đời đã xuống dốc nên lắm lúc lan man nghĩ về cái mốc giới hạn của đời người đang lửng lơ đâu đó. Ông có thói quen mới là hay đếm tuổi và so đo tuổi tác. Cứ ngồi với mấy người trạc tuổi nhau, ông lại nhìn mái tóc, sắc mặt, đoán năm sinh rồi dò hỏi sức khỏe để ngầm so với mình. Ông bần thần giây lát khi đọc cáo phó trên báo hay nghe tin những đồng niên thân quen vừa qua đời. Liền đó, nỗi buồn mơ hồ kéo đến khiến ông ngồi lặng, nghĩ về đoạn kết của đời mình.
Về hưu, ông đổ lắm bệnh. Ngày trước, thứ đáng ghét đó chẳng dám ló mặt hành hạ ông thì nay chúng âm mưu tiến công nổi dậy. Ông phải làm cái việc chẳng thích thú là ngày ngày uống thuốc và hay đến nơi lắm người chẳng muốn đến là bệnh viện. Ốm đau cứ lởn vởn trong người khiến ông chẳng thể làm gì, bao dự định đành xếp lại. Ngay việc trùng tu nhà thờ và tôn tạo phần mộ tổ tiên ở quê được ông lên kế hoạch từ lâu nhưng cũng chưa thể tiến hành.
Tuổi già và ốm đau của ông còn lan sang cả vợ con khi họ phải chịu sự cáu gắt thất thường. Nghe bà hỏi, nên sơn lại tường rào cổng ngõ màu gì và thay tủ lạnh bằng loại nào, ông dửng dưng: “Bà tự tính, chuyện đó có gì phải hỏi!?”. Thế nhưng khi bà kêu thợ về thay mấy cái bóng đèn và tra dầu mỡ cho cái quạt trần quay ù ù như cối xay gió thì ông bực ra mặt. Khách vừa quay lưng là ông chất vấn vợ bằng giọng khó chịu: “Việc đó sao bà không để tôi?”. Nghe vợ phân trần, thấy mấy người già bất cẩn khi leo cao rồi rớt xuống nằm đống mềm nhũn nên sợ, ông suy diễn theo hướng tiêu cực: “Bà bảo tôi già lắm sao?”. Bà cười cầu hòa: “Đừng chẻ chữ nữa”. Hết lý do gây sự, ông ngồi bất động, giọng buồn xa xăm: “Hóa ra tôi vô dụng thật rồi!”. Bà cảm nhận tuổi già đến với chồng khi thấy ông bỗng dưng hay dỗi và dễ mủi lòng. Người đàn ông vốn mạnh mẽ ngày nào giờ lại mau nước mắt; xem một cảnh thương tâm trên ti-vi hay những khi ôn nghèo kể khổ bên mâm rượu là mắt ông lại ngân ngấn nước. Và nữa, chỉ cần một cử chỉ vô ý nặng tay hay vài lời sơ sẩy của vợ cũng có thể làm ông giận.
Ông thay đổi cả sở thích theo chiều hướng nội thay vì quảng giao như trước. Cả khi được mời dự các tiệc vui, ông cũng bảo bà đi. Ngay âm lượng ti-vi hơi to một chút hay tiếng nói cười thả phanh của mấy bà hàng xóm đến tám chuyện cũng khiến ông nhăn mặt, lắc đầu. Ngày trước, những bực dọc trong gia đình cứ như loãng ra rồi tan biến khi ông đến công sở. Giờ thì những buồn bực cỏn con cứ như đóng băng, không lối thoát khiến ông khó ở.
Khi ông vào viện, tính gia trưởng còn sót lại của thời làm sếp khiến ông trở thành bệnh nhân được nhiều người chú ý. Hẳn lo lắng vì bệnh tật nên ông càng khó tính. Mỗi chuyện ăn uống cũng đã nảy sinh khắc khẩu. Thà nói thẳng thích ăn gì thì lại dễ chiều, đằng này ông cứ nhũng nhẵng “ăn gì chả được”, khiến bà khó xử. Bà bẽ bàng khi bị ông từ chối phũ phàng những món ngon do mình chuẩn bị: “Thế này thì ăn sao được?!”; “Thôi, cất đi!”… Lời cau có cùng vẻ nhăn nhó của chồng làm bà vừa bực vừa ngượng với xung quanh. Bệnh nhân cùng phòng cứ tròn mắt nhìn ông; có người rỉ tai, xoa dịu bà: “Ai bệnh cũng thế thôi, trách làm gì”. Vừa lo việc nhà vừa te tái chạy vào viện chăm ông nhưng bà không thấy mệt bằng vuốt ve ông trong những ngày điều trị sỏi thận. Lắm lúc bà cố dằn lòng, giả vui để chồng khỏi phật ý, bi quan.
Bà gợi ý ông nên ra quán ăn, thích gì gọi nấy, lại nóng hổi. Ngầm ý của bà là muốn ông có những thời khắc rời khỏi phòng bệnh để tinh thần được thỏa mái hơn. Ông hồ hởi tán đồng. Không chỉ là ăn uống, cứ đi ra đi vô rồi ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh hẳn ông sẽ cảm giác dễ chịu - Bà nghĩ thế. Ăn quán được mấy bữa thì ông đổi ý bởi ngại băng qua đường với dòng người xe nối nhau không dứt. Thế là ông tìm đến bữa ăn tình thương do mấy sư cô Phật tử phân phát ngay ở góc sân bệnh viện.
Đã thành nếp, tầm sáu giờ sáng, mười một giờ trưa và năm giờ chiều, nhóm thiện nguyện lại đưa bữa ăn miễn phí đến cho bệnh nhân. Đúng giờ hẹn, bệnh nhân hoặc người nhà lại cầm tô, cà mèn đến nhận phần cơm, cháo. Ông cũng hòa vào dòng người, háo hức chờ tới lượt mình, cảm thấy vui vui. Người phụ nữ luống tuổi, với trang phục màu lam quen thuộc của Phật tử trao ông tô cháo cùng lời khích lệ: “Ông gắng ăn hết, nghen!”. Lời ân cần ấy làm ông ấm lòng. Sau một hồi tất bật giữa đám người vây quanh, người phụ nữ ấy ngừng tay, nhúc nhắc đi về chiếc ghế đá gần đó. Bà để chân lên ghế, đưa tay xoa xoa đầu gối, nắn bóp bắp chân rồi co duỗi liên hồi. Một lúc sau, chừng như đỡ đau nhức, bà lại tấp tễnh đi về phía nồi cháo nghi ngút khói, cầm lấy vá, làm những thao tác quen thuộc. Mồ hôi ướt cả áo nhưng bà vẫn nhã nhặn với đám đông luôn tỏ ra nôn nóng. Có lần nhìn bà xoa bóp đôi chân, ông lại gần, hỏi chuyện: “Hình như chị bị thần kinh tọa?”. Bà ngước nhìn ông, nở nụ cười như mếu: “Chẳng biết bệnh gì nhưng đứng lâu hoặc đi xa là nhức không chịu được!”. Dứt lời, bà lại lật đật đi lấy cháo cho bệnh nhân.
Lần vào viện sau đó chừng nửa năm, ông gặp lại người phụ nữ ấy khi nằm cùng phòng bệnh. Phòng bệnh nhân nữ hết giường nên bà tạm thời được chuyển qua phòng dành cho nam. Chỉ sau mấy tháng mà trông bà xuống sắc thê thảm, đầu trọc trắng, da bủng beo, người tong teo như cây sậy. “Gần mười năm trước, bà xã tôi bị ung thư nhưng may là phát hiện sớm. Cả nhà khuyên nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhưng bả không chịu, cứ thích đi làm từ thiện bởi cho rằng quỹ thời gian của mình đã cạn - Khi ngồi cùng ông ngoài hành lang, chồng bà ấy xót xa chia sẻ - Nay bệnh tái phát, chắc khó qua!”. Giọng người kể lạc đi và nhỏ dần, đẫm trong nước mắt, khiến ông nhói lòng.
Người phụ nữ ấy gồng mình, cố chịu những cơn đau, tuyệt nhiên không kêu la, cáu gắt. Mỗi khi con bệnh tạm thời hưu chiến, bà lại tâm tình với chồng con về những dự định và nỗi lo lúc cuối đời. Bà lo nhất là rồi đây không ai chăm ông. Bà nói với con gái, ông là con trai một, được cưng chiều từ nhỏ nên vụng về bếp núc, không biết mai này ai sẽ nấu những món ưa thích cho ông. Nghe cháu đọc trên mạng rồi kể, có một phụ nữ nước ngoài khi biết mình sắp mất đã cố làm thật nhiều thức ăn để chồng có thể dùng đến hết đời, bà hỏi dồn: “Thế bảo quản cách nào?”. Nghe nói hệ thống làm lạnh của họ chắc chắn rất tốt; bà thở dài bất lực: “Vậy thì mình thua rồi!”. Bà lại lo cho con dâu sắp sinh nhưng không có người trông cháu. Bà dặn con tỉ mỉ về những điều cần nhớ khi ở cữ và chăm con nhỏ. Bà nói gấp gáp, cứ nhớ đâu nói đó, dường như dự cảm mình chẳng còn nhiều thời giờ lo nghĩ cho người thân.
Hôm em gái út bà tới thăm, ông cùng mấy bệnh nhân trong phòng lại chứng kiến một chuyện cảm động. Nghe họ nói với nhau, ông biết em út bà chưa tới tuổi năm mươi, chồng mất đã lâu, các con đều đã trưởng thành. Sau một lúc trò chuyện bao đồng, bà bảo em đỡ ngồi dậy; ra hiệu cho chồng và các con kéo ghế ngồi gần lại. Bà ngắc ngứ, đôi môi run run, mãi vẫn không cất nên lời, trong khi người thân lặng im chờ đợi. Dù khó nhọc thì cuối cùng bà cũng nói được lời phó thác cho em: “Sau này… dì giúp tôi chăm sóc ông ấy”. Người em nhanh nhảu gạt ngang: “Chị cứ yên tâm điều trị, đừng lo”. Bà nắm chặt lấy tay em, gượng ngồi thẳng người; sau một lúc thở dồn, bà nói rõ điều đang nghĩ: “Là tôi muốn dì thay tôi, góp gạo thổi cơm chung để sớm hôm lo cho ông ấy”. Cô em giật mình, thảng thốt: “Sao chị nói vậy?”. Giọng bà rời rạc trong hơi thở gấp: “Tôi không còn nhiều thời giờ... Nếu dì không nhận lời, tôi chẳng thể yên lòng…”. Bà nằm vật xuống, thở hắt ra, mắt mở to đăm đắm nhìn em, chờ đợi. Thoáng lưỡng lự rồi người em khẽ gật đầu, đôi vai rung lên trong tiếng nấc; chồng và hai con bà cùng cúi xuống, đưa tay lên khóe mắt; bà nhoẻn nụ cười tê tái, mắt rưng rưng.
Nhìn cảnh ấy, ông xúc động lặng người rồi hổ thẹn, khi nghĩ về mình…
NGUYỄN TRỌNG HOẠT