Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Mưa hoa bên sườn đồi

15:49, 30/01/2015 (GMT+7)

Cây mai cao vút tận nóc nhà, tôi phải bắc thang trảy lá. Mạ đứng dưới ngó lên, nói anh chị tính bán, mạ không cho; chỉ sợ lúc mạ đi rồi… Tôi bùi ngùi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cây mai quá thân thương. Tết nào tôi cũng ra như thăm ân nhân. Bây giờ chợt nghĩ khác, phải chăng tôi quý nó bởi có mạ ở đây. Một mai mạ không còn sống trong ngôi nhà này nữa, liệu tôi còn muốn chạy xe gần trăm cây số ra đây?

Thấy vợ chồng đứa con gái út mạ mừng hơn hết, cầm rá lội khắp vườn hái rau tập tàng. “Thèm chi toàn rau ráng lấy mô hơi sức”, mạ trách nhẹ, rồi lại đứng dậy cầm chổi quét quanh nền giếng gần bếp. Sợ mang tiếng ăn không ngồi rồi, mạ cứ quét đến mòn đất. Mà có ngày nào lá không rụng. Tôi thích bánh nếp mạ đùm lá chuối, trắng mịn và dẻo. Lúc nào về cũng mang theo một bọc, hết Tết ăn ngon lạ. Tôi bước ra nhìn những xác lá hồng đỏ lẫn lộn được gom vào chiếc rổ sưa, mà buồn. Mạ quét lá mai. Gốc mai trước hiên từ nhỏ không uốn nắn.

Sau này anh chị sửa nhà ngoảnh mặt trở ra, cây do vậy nằm sau hồi nhà, ở đó vẫn còn khoảnh sân sần sùi không còn phơi lúa được nữa. Lần vô tình gặp mai nở sớm dọc đường, tôi nhớ mạ, liền chạy xe ra trảy lá cho mai kịp Tết. Bây giờ cây ra lộc, và những chùm búp mụ mẫm. Trời lạnh mấy mạ vẫn cúi mình khắp vườn, cả ngoài đường xóm. Ngón chân mạ choãi ra bám chặt lên đất bầm. “Mang dép sợ lại ngã như trước, nằm viện phiền hà con cháu”.

Tôi ngồi xuống góc sân với mạ. Trời hâm hâm nóng, trắng nhức, chói mà chẳng thấy mặt trời đâu. Mạ hút thuốc, tôi nhờ quấn một điếu. Cái máy lửa bằng nhôm xưa cũ đổ xăng giờ không còn ai dùng nữa, mạ luôn ủ trong người ấm nóng, cạch đỏ phát một. Tôi không gọi “mẹ” mà gọi “mạ”, như vợ vẫn gọi. Kể cả lúc nàng giận mẹ, tiếng mạ cất lên vẫn thấy gần gũi làm sao: “Đã bảo mạ đừng nói chi hết. Chị nói gì làm gì mạ cứ im lặng, tự mình biết là được rồi, cứ kể hàng xóm nghe rồi đến tai người ta”.

“Chị”, là dâu đầu. Sáng nào mạ cũng dậy sớm hơn con dâu, xắt rau heo, nhen bếp nấu nồi cám, nhắc xuống liền ngồi cầm que quậy nguội cho chúng ăn, rồi lo đàn gà, giặt giũ, trời hửng thì bắt đầu quét từ vườn trước ra vườn sau. Lá đầy vườn, rụng dày nhất là cây hoa giấy đã thành cổ thụ, mạ bảo ngày mô cũng “quét lọi lưng”. Mấy năm trước vào dịp tháng sáu âm lịch giỗ chạp, thấy mạ gánh lúa ngoài đồng về nặng trĩu, cơm chín rồi vẫn đội nón trở lúa giữa sân. Chiều trước lúc về vợ tôi vén lúa, tôi nhác liền bảo trời còn nắng xúc chi vội.

Vợ tôi nháy, ghé tai: “Không xúc hồi chiều cũng mình mạ vô bì, tội”. Tôi ngẩn ra. Mùa đông năm ngoái chúng tôi xin phép vợ chồng anh chị đón mạ vào chơi, tính đến gần Tết. Mạ vào được một tuần liền đòi về. Nhà có dăm chục mét vuông, không còn mảnh đất trồng rau, mạ cứ đi tới đi lui; có đoạn đường trước nhà rụng lá bồ đề, mạ quét hoài, quét lấn qua nhà họ. Nhớ vườn, nhớ ruộng đồng. Nhưng hơn hết, mạ lo. Vợ tôi có lần nói kháy: “Mạ ở đây cực khổ hơn ngoài đó sao cứ đòi về”. Mạ im lặng lâu lắm. “Bây để tau về, không lỡ mai mốt ốm đau…”.

Tôi ngồi ở phòng bên úp mặt vào lòng tay. Tám mươi ba tuổi rồi mạ vẫn sớm khuya làm lụng, sau này chúng tôi có rơi vào hoàn cảnh đó không? Tôi xin nghỉ làm chở mạ ra giữa cái rét hại, hoa màu thối lá. Mươi ngày sau bỗng nhận tin mạ bổ gãy chân. Vợ tôi gọi điện hỏi tình hình. Chị dâu nói: “Bệnh viện bảo già rồi nên đưa về mà vén cho mạ”. Giật mình.

Chữ “vén” nghe nhói tim. Nghĩa là mạ đau vật vã mãi! Tôi liền gọi điện anh vợ, bảo cứ cho mạ vào đây, bác sĩ trong này bảo mổ dễ lắm. Vợ tôi trực viện, ngủ vật vạ ngoài hiên. Đêm nào mạ cũng mê sảng, nào xúc lúa vô mau kẻo mưa Bẹp ơi; củi đè lưng tau rồi; lúa mất mùa, hèn chi gánh cứ nhẹ cả vai… Ai nằm cùng phòng mạ đều không ngủ được, nhưng họ thương. Người đâu khổ quá.

Dọc đường ra mừng tuổi mạ, vợ tôi đã ghé mua nào hoa cúc, trầu bánh để viếng mộ cha. Đêm kia giao thừa trời mưa. Vợ chồng dọn mâm hoa quả cúng thánh giữa trời. Trong lời khấn nguyện tôi ước trời sẽ tạnh, để được ra với mạ, cũng là niềm an ủi lớn cho vợ. Nhưng sáng đó vẫn mưa. Ở chùa thắp hương đảnh lễ rồi, tôi cứ đứng ở cửa chánh điện nhìn trời, mưa như rày thắp hương tắt hết. Lại đợi. Nửa chiều mưa bay bay…

Tết về ngoại gặp anh chị, chúng tôi râm ran lúc lâu mới nhớ đến mạ. Thật vô ý. Mạ quét lá dưới giàn bông giấy. Những vệt nắng xuyên xuống hòa lên xác hoa nhiều sắc màu hân hoan vũ điệu sau cùng. Hôm qua mồng một cả hai lên chùa lễ Phật, cầu nguyện bình an. Vợ tôi ước được đón mạ về ở đến cuối đời. Thực tình không dễ. Mạ ở ngoài đó lâu rồi, nay đã yếu, anh chị sợ mang tiếng với hàng xóm rằng mạ giờ không làm lụng được thì đẩy đi, nên sẽ không cho ai đón về. Còn ở lại…

Có dịp hè, mùa màng ở quê cũng tạm ổn, vợ tôi xin đón mạ lên phố ít ngày. Thời điểm đó chúng tôi còn thuê trọ. Sáng ra cả nhà cất bước, mạ còn lại trong căn phòng vắng tanh. Chưa quen ai, mạ hết vào lại ra, tay chân táy máy. Cái bếp gas chưa biết sử dụng không dám sờ, còn bó rau mạ nhặt chậm rãi. Tối dùng cơm tôi bảo: “Đối diện nhà mình có bà cũng rỗi việc, mẹ qua nói chuyện chắc hợp lắm”. Rồi vợ tôi dẫn mạ loanh quanh dọc phố. Mạ không chịu ngồi xe máy, đi bộ, lại còn cầm theo chiếc nón, nhất định không buông. Đi ngang qua một quán cà-phê, mạ bảo: “Thắp một đèn cho sáng thì không, bày đặt cho lắm cũng túi thùi thui”. Tôi vẫn đoán được tâm trạng, mạ muốn ở với chúng tôi. Mạ nói lời gan ruột, rằng lúc mạ đau ốm cũng phải về nhà anh chị thôi, nếu lỡ ra đi cũng có dịp nằm bên cha”. Vợ tôi bảo con sẽ ra ở đó chăm sóc. Mạ lắc đầu, nhìn chỗ khác.

Tôi hiểu mạ nhiều hơn vợ. Hiểu những uẩn khúc, những ưu tư thầm kín qua những lần chúng tôi ra anh chị. Cũng không muốn ở lâu. Tại sao tôi lại có ý nghĩ, giả như chị dâu muốn nhăn nhó mạ cũng nể mặt chúng tôi nên không dám… Đợt trước gia đình tìm được cái chứng minh thư của cha, vợ tôi mang đi làm ảnh thờ. Đầu Xuân “gặp” lại chồng sau mấy mươi năm, mạ cầm tấm ảnh xoa tay hoài lên khuôn mặt ấy, vân vê từng nếp nhăn. Hồi ông còn sống, tôi và N mới tìm hiểu nhau, đến nhà chơi thường thấy ông đi quanh gốc mai. Một con người khá trầm tĩnh.

Góc sân gần đó đặt cái bàn, lúc nào cũng sẵn bộ ấm chén, tôi cứ ngồi tự nhiên nhấp trà nhìn mai, nhìn đôi tay gân guốc của ông cắt những nhánh mai khô gầy. Ông lại giếng rửa ráy cùng ngồi. Hai con người ít nói nhen lên mối thâm tình. Bẵng một thời gian cơ quan cử tôi ra thủ đô học tiếp. N không báo gì với tôi về nỗi đau mất cha, lẽ nào do chúng tôi chưa cưới, N sợ phiền đến “thông gia”.

Tôi về nhìn mạ gầy rộc, ra sau vườn thấy cây mai chít một dải khăn đã lấm tấm rêu xanh. N dẫn tôi lên thăm mộ cha. Vắng. Có hoa ai vừa đến viếng. Bùi ngùi. Nhìn quanh quất. Đằng xa lấp ló những cụm hoa dại, không rõ tên dẫu thân thuộc lắm. N hái, chia thành từng nắm đặt lên nhiều ngôi mộ khác. Tôi chở N về thăm mạ nhiều hơn, cũng đều lên thăm ông. Trên đồi cao. Chúng tôi cầm hương đi giữa đồi mộ, giữa vùng hoa, giữa miền tâm linh huyền nhiệm. Hoa dại bời bời. Nó gieo vào lòng cảm giác bâng khuâng hụt hẫng như là tôi ân nợ điều chi chưa trả hết.

Ngày Tết lên với những người đã xa, thật không ý nghĩa nào bằng. Họ như vẫn sống với chúng tôi, người cha ấy, người đàn ông trước kia ngồi thưởng trà với tôi dưới cội mai sau nhà như vẫn sống bên mạ, như vẫn còn đó hơi ấm trên chiếc ghế thô mộc. Nghĩa trang chập chờn màu khói. Đã rất nhiều người lên viếng mộ đầu xuân.

Sáng nay chúng tôi dậy lúc gà gáy chuẩn bị cho chuyến đi và nghĩ mình sẽ đến sớm nhất trong ngày tinh khôi nhất của năm. Sau lại nghĩ nên ghé về chở mạ. Kể từ ngày không còn sức lên đồng nữa, mạ cũng không một lần được lên với chồng. Về đến nhà anh chị. Mạ từ trong góc tối của chiếc giường vẫn nhận ra tôi từ ngoài sân. Mạ bước ra, ôm lấy tôi. Một cảm xúc tắc nghẹn khiến tôi phải giả tạo một nụ cười để xua đi. Tôi không muốn khóc. Mạ thương tôi hơn cả con gái, hơn những đứa con mạ đứt ruột đẻ ra, tôi cảm được điều này. Và tôi cũng muốn giấu chuyện tôi thương mạ quá chừng. Mạ lại móc thuốc quấn cho tôi như với một đứa trẻ.

Tôi bỏ thuốc lâu rồi, lần nào ra vẫn hút thuốc quấn với mạ. Mươi ngày trước bên nồi bánh hấp, mạ quấn sẵn cho tôi mấy điếu rồi đi hái rau, tôi cứ thế mà hút, lúc ăn cơm cơn say mới bắt đầu. Lên giường nằm, ngủ luôn. Trở dậy đã thấy mạ lo soạn bữa. Chén cơm của tôi lấy từ trong nồi điện giữ ấm, dĩa rau tập tàng của mạ nữa. Có thế thôi mà tôi ăn ngon chưa từng thấy. Mạ vẫn ngồi hút thuốc và thi thoảng nhìn tôi, rồi mạ nhìn ra khoảnh sân trống trơ khô khốc.

Sực nhớ cây mai, cảm giác như sực nhớ nồi nước sôi bắc đã lâu quên rút điện. Đợt rét kéo dài đã khiến tôi không còn hy vọng mai sẽ đơm bông, dẫu có hửng nắng mấy ngày trước Tết. Tôi đã quên lãng nó. Bóng dáng người đàn ông của mạ lại hiện lên. Đôi lúc tôi vẫn pha ấm trà, bưng ra sau chiếc bàn gỗ đen sì dưới gốc mai ngồi nhấp một mình.

Đôi lúc tôi chợt vô tình sờ tay lên chiếc ghế đối diện. Đôi lúc tôi chợt rùng mình như có một luồng gió vừa xuyên qua thân thể. Đôi lúc, tôi muốn được gọi một từ “cha” chưa từng cất lên lúc ông còn sống. Nay thì, ông đã hóa thân vào gốc mai trước mặt? Năm nay chính tôi trảy lá mai giữa chiều mưa lạnh. Giờ đây trở lại, trời ơi…

Nhìn gốc mai tôi ngỡ ông sống lại, đang cầm chổi đứng ngẩn giữa vườn lúc thấy tôi chở con gái của mình về tới; rộn rã, ông chuẩn bị tuần trà... Tôi vào nhà. Lặng lẽ thắp nhang. Nếu ra lại nhìn cây mai nở rộ sắc vàng kia hẳn tôi khụy xuống mất. Lẽ ra tôi phải mang nhành mai lên mộ ông báo tin. Nhưng thôi, chính ông mới là người đã cho tôi hay rằng mai vẫn gắng đúng hẹn dẫu sự bung nở ấy thật nghẹn ngào. Và cũng bởi, nơi ông nằm là triền đồi, giữa một vùng hoa dại mênh mang nỗi niềm của những kẻ đang nán lại trần ai. Có lẽ nơi màu mỡ nhất của trí nhớ tôi hoa dại đã bung dày. Ai dám tưởng đến một ngày bên kia những đồi trọc trơ trắng xóa, rồi hoa dại sẽ mọc nơi đâu để trổ sắc màu yên ủi nhân gian?

Triền đồi nhấp nhô phía trước. Tôi thích con đường lầy phải cuốc bộ đoạn dài. Thật nhiều hoa dại đơm bông, nhỏ thôi mà tươi rói. Hoa dại như là niềm ân nghĩa. Nhìn hoa sẽ nghiệm ra sự hiện hữu của những gì tưởng đã tan loãng hư vô. Năm ngoái sáng đầu xuân nắng vàng rực, hoa nối nhau theo con đường mòn vắt qua bên kia dốc đồi. Năm nay trời hiu hiu mưa phùn, mưa rây trên vô vàn cánh hoa mỏng manh chừng sắp tan mất giữa trời. Mạ cầm nón đi trước.

Hoa dại bung nở như muốn nói thật nhiều, thật nhiều. Mùa xuân tưng bừng vũ hội. Tôi nhìn bóng mạ vẫn tiến về phía triền đồi, nơi có người chồng cùng bà con thân tộc nằm đó. Tôi không buồn nữa, vợ tôi gom về bao loài hoa lạ lẫm. Cuộc đời nào rồi cũng có hồi kết. Riêng tôi không cố tìm cho mạ và chúng tôi một hồi kết hoàn hảo; ít nhất là bây giờ, bên triền đồi mưa hoa.

NHỤY NGUYÊN

.