Sáng tác
Thêu mùa
Hôm nay nắng đẹp. Yên mang tóc ra hong, hong luôn những ngón tay đã co ro suốt mùa đông lạnh lẽo.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đất trời như có phép lạ, mới hôm qua còn sương lạnh mà hôm nay chồi non lộc biếc đã bung nở mướt mát. Mùa của sự hồi sinh cho một chu kỳ sống mới lại bắt đầu. Thiên hạ hẹn hò và yêu đương, chờ đợi rồi thổn thức. Yên ngồi đó, trước bức tranh thêu cây bốn mùa còn đang dang dở và nghĩ xem tình yêu của anh và Yên đang ở mùa nào. Nếu có anh ngồi bên cạnh chắc chắn Yên sẽ hỏi câu hỏi ấy. Và có thể cũng giống như Yên thôi anh sẽ không có câu trả lời ngay lúc này.
Là mùa đông lạnh giá, nồng nàn mùa hạ hay giai điệu buồn man mác mùa thu? Điều đó thật khó mà cắt nghĩa, Yên chỉ biết chắc chắn một điều rằng mùa xuân của tình yêu đã đi qua. Liệu nó có luân hồi như vòng quay bốn mùa của tạo hóa hay không thì Yên còn đang chờ đợi. Bức tranh này nhất định sẽ phải hoàn thành trước khi anh về thành phố. Yên hy vọng sẽ được treo nó trong phòng cưới của hai người vào một ngày nào đó rất gần...
Dạo này phong trào thêu tranh nở rộ lan tới cả dân văn phòng. Đến công ty thấy mấy chị em tranh thủ buổi trưa ngồi hí húi thêu thùa vài món đồ ngộ nghĩnh làm quà cho chồng con khiến Yên thích quá. Từ bé Yên vốn là người không khéo léo nên chưa bao giờ có một món quà nào do tự tay Yên làm để tặng cho những người thân. Có lần anh cười bảo:
- Anh đang yêu một cô gái vụng về nhất thế giới.
- Thế liệu anh có dám rước em về làm vợ hay không?
- Tất nhiên rồi. Đó là điều anh muốn vì anh tin em sẽ là người mẹ tốt của các con anh.
Yên nghĩ về anh và bật cười. Nếu Yên thêu tặng anh một bức tranh thì sao nhỉ? À! Cái này người ta gọi là làm mới tình yêu. Đã lâu rồi cả hai người quen với một nhịp yêu đã cũ. Nó bình lặng đến mức đôi lúc Yên giật mình nghĩ liệu tình yêu ấy có thật đang tồn tại hay không? Anh vẫn hay đi vắng vào những ngày thành phố đổ mưa. Yên ngồi một mình trong quán cà-phê nào đó và nghĩ giờ này anh đang làm gì?
Rồi câu hỏi đó cũng lẫn vào mưa mà tan biến. Ngay cả khi ngồi bên nhau cũng chỉ vẫn những câu hỏi cũ, vẫn nỗi lo đã nát nhàu, vẫn khuôn mặt bộn bề những cảm xúc cũ mòn rêu mốc. Trong bản nhạc du dương trầm lắng đó tuyệt nhiên không một lần vút cao, dù cho sau đó có là đứt đoạn hay vỡ nát thì Yên cũng chấp nhận. Yên đọc được trong đôi mắt anh nhiều nỗi buồn nhưng chẳng biết làm cách nào để chạm tới.
Anh thấy ở Yên đôi chút bất an nhưng chẳng biết làm cách nào để vỗ về. Đàn ông thì lúc nào cũng lo chuyện vĩ mô mà không biết rằng đôi khi phụ nữ chỉ cần họ trong lúc cái nồi cơm điện bỗng nhiên khét lẹt mà cơm thì vẫn chưa kịp chín. Trong lúc mắc kẹt giữa đám đông trong ngõ chợ mà dắt xe tới lui vẫn không có cách nào thoát nổi. Trong lúc bị một gã đi ẩu lượn lách phóng qua làm Yên ngã chỏng chơ giữa đường mà thèm một người cuống quýt đỡ dậy hỏi em có sao không? Có đau ở đâu không?
Những khi ấy, Yên vẫn phải tự tháo tung cái nồi cơm điện mà không biết phải sửa chỗ nào. Phải tự mình loay hoay chán chê trong chốn chợ búa xô bồ. Rồi những lúc bật khóc trước đám đông, tự mình dựng xe dậy, tự mình thổi vết thương và nghe mấy lời chửi đổng vô tâm từ thiên hạ.
Mấy chuyện đó Yên đâu có kể nên anh không biết. Mà kể cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Bởi anh chẳng thể bay vài nghìn cây số về chỉ để thổi vết thương cho Yên và vỗ về kiểu “đánh chừa” thiên hạ như dỗ dành một đứa trẻ con. Anh vẫn cứ tưởng Yên lúc nào cũng xúng xính, rực rỡ như một nàng tiên. Mà không biết rằng nỗi cô đơn của đàn bà gói gọn trong những điều tủn mủn và vụn vặt. Cho dù anh có cố tưởng tượng thế nào đi chăng nữa rồi cũng có lúc thốt lên “anh chẳng hiểu nổi đàn bà”.
Ừ! Anh làm sao mà hiểu nổi đàn bà khi trong đầu toàn là những dự án mờ mắt về con số, điên đầu về doanh thu. Người phụ nữ bé nhỏ tồn tại bên đời anh ngày nào cũng ngắm những điều lớn lao anh làm và nghĩ “trong đó không có mình”. Cái ý nghĩ ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày. Thành phố đông đúc là thế mà nếu gió xô nghiêng ngả đời Yên thì chắc gì đã có bàn tay nào kịp níu. Yên đã từng nghĩ về một cuộc đào tẩu, chạy trốn thứ tình yêu kéo dài suốt tám năm trời.
Nhưng mới chỉ nghĩ đến thôi, Yên đã vội co người lại như sợ ngoài kia là gió mùa là bão tố. Yên yêu anh? Hẳn nhiên. Thứ tình yêu ấy không cần minh chứng. Yên đang mòn mỏi chết dần trong nỗi cô đơn? Đúng. Nhưng Yên không đủ sức để đổi thay hay chạy trốn. Yên cứ ngồi đó và chờ đợi. Nhưng chờ đợi điều gì thì chính Yên cũng không biết nữa. Có hôm đang ngồi ăn sáng trong tiết trời nắng ấm Sài Gòn anh điện về hỏi:
- Hôm nay Hà Nội có lạnh lắm không em?
Yên soi gương, tô son lên bờ môi cong cười hững hờ và bảo:
- Mùa đông mà…
- Thế hôm nay em có chương trình gì mới không?
- Cái bóng điện phòng tắm lại cháy từ tối qua rồi. Không biết sao mà hay hỏng thế như là có ma ám không bằng. Chắc là tại điện yếu, khu trọ thì đông mà nhà ai cũng nhiều nhu cầu dùng điện.
Ở đầu dây bên kia tiếng anh lẫn trong đống âm thanh hỗn tạp của quán xá khiến Yên cảm thấy buổi sáng chưa gì đã ngột ngạt lắm rồi. Lúc len lỏi giữa dòng người đến cơ quan trong đầu Yên vẫn văng vẳng câu nói của anh “bóng hỏng thì thay có gì đâu mà em phải bận tâm nhiều”. Ừ thì có gì đâu, chuyện nhỏ ấy mà…
Yên có ý định sẽ thêu một bức tranh khổ lớn tặng anh khi tình cờ nhìn thấy bức ảnh cây bốn mùa trên mạng. Một cây xanh tán rộng mọc giữa cánh đồng, người ta chia đều cây thành bốn lát cắt dọc tượng trưng cho bốn mùa. Mỗi một lát cắt là một bức tranh hình chữ thập nên “cây bốn mùa” sẽ được ghép lại bằng bốn bức tranh nhỏ. Ở phía mùa đông là tuyết phủ, lá cây bàng bạc trong cái lạnh lẽo của đất trời. Mùa thu lá rơi từng thảm vàng dưới gốc cây trong nền trời hoàng hôn nhuộm đỏ. Mùa hạ vòm lá le lói ánh mặt trời, vài ba chùm quả chín đỏ lự nổi lên giữa màu xanh mướt mát. Lát cắt mùa xuân giống như một sự kỳ diệu ôm trọn cả gốc cây bé nhỏ nhưng tràn trề sức sống.
Người ta đã khéo léo đặt mùa xuân vào gốc rễ tượng trưng cho sự sống mãnh liệt trồi lên từ lòng đất mẹ. Trong lát cắt bé nhỏ ấy còn thấy cả thảm cỏ xanh, rất nhiều hoa dại đua nhau khoe sắc. Cảnh vật bình yên đến mức Yên có thể nghe thấy tiếng chim hót, tiếng hạt nẩy mầm, tiếng của vạn vật đang thầm lặng sinh sôi. Yên đã đặt cửa hàng làm một bức mẫu thêu như thế, trên mỗi lát cắt đều có một chùm quả hình mặt người. Quả vui buồn theo mùa, mỗi mùa một sắc.
Yên bị bệnh run tay bẩm sinh, lóng ngóng trong từng động tác. Hơn nữa sau một ngày dài ngồi làm việc bên máy tính mắt Yên luôn mỏi nhức. Thế nên việc ngồi thêu tranh là cả một sự nỗ lực khiến chính Yên cũng phải bất ngờ. Yên bắt đầu thêu mùa đông, mải miết những ký ức buồn trong gam màu lạnh. Yên nghĩ phải chăng đó là gam màu cho những tâm tư giấu kín ở nơi anh chưa hề chạm đến. Yên vừa thêu vừa nghĩ có lẽ phải mang nắng vào xứ mùa đông này. Có nắng tất yếu sương sẽ tan, vạn vật sẽ đâm chồi. Nhưng tiếc thay trong gam màu quy định cho bức tranh nhỏ về mùa đông không có màu nào rực rỡ. Vì thế Yên không thể lấy chỉ thêu màu vàng ở lát cắt khác thêu sang nên ánh nắng vẫn chỉ có trong tưởng tượng. Phải mất một tháng miệt mài lát cắt mùa đông mới hoàn thành. Anh trở về thành phố ngắm nghía bức tranh còn dang dở rồi nói chúng trông chẳng có gì ấn tượng. Yên cười và tự nhủ thầm “ừ thì mới chỉ là một lát cắt thôi…”.
Hai bức tranh chữ thập nhỏ về mùa hè và mùa thu được Yên thêu nhanh hơn dự định. Hình như gam màu nóng thường làm con người ta phấn khích. Nó khơi gợi chút nhiệt thành còn sót lại trong vô vàn hoài nghi đến bất an. Yên đã gửi gắm tâm tư vào từng mũi thêu, lúc sôi nổi mùa hạ lúc tha thiết nhớ thương trong mùa thu vàng lá. Anh bảo Yên thêu từ từ thôi còn dành thời gian để nghỉ ngơi. Rồi lại tự thú nhận rằng cảm thấy tiếc khi khoảng thời gian ngồi cà-phê của hai đứa bị lấn dần dần. Cuối cùng, những lúc nhớ Yên anh đành tìm đến khu nhà trọ ngồi tựa cằm hàng giờ xem Yên tỉ mẩn thêu.
Yên không giấu nổi niềm vui giữ được chân anh ở lại xứ của nàng. Nơi không có bộn bề, không vướng bận toan tính. Nơi anh trở về thành cậu sinh viên năm nhất có thể chở Yên đi lang thang hàng giờ khắp các ngõ ngách Hà Nội bằng con xe đạp kêu lẹt kẹt. Rồi cùng ngồi húp xì xụp bát mì tôm trong cơn đói cồn cào để vẫn thấy cuộc đời sao quá đẹp. Khi ấy cả hai người còn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật, cho những niềm đam mê từng nghĩ là bất tận. Chứ không như bây giờ đều làm trái ngành nghề, dữ liệu chèn chết cả cái đẹp còn chưa kịp nảy mầm trong tâm hồn đói khát. Về xứ của Yên rồi anh sẽ thấy bình yên…
Khi Yên bắt đầu thêu những đường chỉ đầu tiên trong lát cắt mùa xuân thì anh lại chuẩn bị rời thành phố. Yên hỏi anh đi có lâu không? Anh nháy mắt bảo đi chừng nào thấy nhớ em thì về. Lúc ra sân bay, anh điện cho Yên nhưng không nói gì chỉ nghe thấy gió u u thổi. Gặng hỏi mãi thì anh bảo tự nhiên thấy thèm được ngồi bên cạnh nhìn Yên thêu quá. Anh còn dặn Yên nên thêu từ rễ cây thêu lên chứ đừng thêu theo màu chỉ, thứ gì có cội nguồn thứ ấy đều bền chặt.
Yên rất thích gam màu của mùa xuân, tươi mới và rực rỡ. Chùm quả hình mặt người nhìn nhau nhoẻn cười. Anh và Yên cũng từng có những ngày chỉ cần nhìn thấy nhau là đã thấy đời nhiều ưu ái. Phải chăng đó là mùa xuân tình yêu đã bị lãng quên? Những bông hoa li ti cuối cùng trong lát cắt mùa xuân cũng đã được thêu xong. Vậy là cây đã đủ bốn mùa, đã tròn một chu kỳ sinh trưởng như vòng đời của một con người. Yên ngắm nghía bức tranh và nghĩ quả là một điều tuyệt diệu, Yên muốn dành tặng nó cho anh.
Anh trở về thành phố bất ngờ sau một cơn mưa tầm tã, đúng lúc Yên chuẩn bị ăn tối một mình. Anh kêu đói và thèm một đĩa mì xào do tự tay Yên nấu rồi nằm ngủ một giấc ngon lành như thể thế giới ngoài kia khiến anh vô cùng mỏi mệt. Yên ngồi ngắm anh ngủ và nghĩ bấy lâu nay anh vẫn vậy, luôn nhớ là có Yên ở đây để đợi anh về sau mỗi chuyến đi. Cuộc sống mỏi mệt quá khi một mình anh gánh vác chuyện tương lai. Yên gọi đó là những chuyện vĩ mô nhưng quên mất rằng tất cả cũng vì nàng.
Bây giờ đang là mùa xuân, thành phố ngập tràn hương sắc. Yên thích đi chợ và tự tay nấu các món ăn mà anh thích. Anh đến chơi, bao nhiêu đồ đạc hỏng vứt xó trong nhà đều được Yên lôi ra tạo công ăn việc làm cho anh thêm bận bịu. Thỉnh thoảng có một cuộc điện thoại nào đó lại kéo tuột anh ra khỏi xứ bình yên một cách vội vàng. Yên gặng hỏi nhưng anh chỉ cười im lặng. Cho đến một hôm, anh dẫn Yên đến trước cửa một ngôi nhà nhỏ nép mình trong khu vườn ở ngoại thành và bảo “Nơi đây thuộc về chúng mình”. Yên đã ùa vào lòng anh nức nở…
Ngôi nhà mới được chính bàn tay Yên chăm chút từng góc nhỏ. Rèm cửa màu hường, căn bếp ấm cúng thơm ngát hoa tươi, ban-công nhỏ có tiếng chim mỗi sớm. Rồi thì Yên ngồi tính chuyện đi chụp ảnh cưới, in thiệp mời. Anh chưa gì đã nghĩ xa xôi hỏi Yên thích con gái hay con trai? Yên mỉm cười mang bức tranh thêu treo trong căn phòng tinh tươm dành cho ngày cưới.
Nàng vẫn nhớ như in khuôn mặt ngập tràn hạnh phúc của anh khi mở cửa phòng bắt gặp một tán cây rộng lớn. Tán cây của tình yêu trải qua bao thăng trầm tưởng như tàn lụi, nhưng cuối cùng vẫn bật lên những mầm xanh hy vọng căng tràn sức sống. Yên hỏi anh có thích bức tranh thêu cây bốn mùa không? Anh nắm chặt tay Yên, khẽ bảo: “Cảm ơn em. Không có những ngày đông tàn sao biết xuân xanh là đáng quý”.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG