Sáng tác
"Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi"
Xin được mượn tựa đề một bài thơ của Chế Lan Viên in trong tập Hoa ngày thường-Chim báo bão (1961-1967) mở đầu cho mạch cảm xúc về sự tác động lớn lao, kỳ diệu của tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh đến cuộc đời, sự nghiệp của một nhà thơ.
Tập hợp lại tất cả những tác phẩm thơ ca của các tác giả trong nước viết về Bác Hồ, có thể khẳng định, Chế Lan Viên là nhà thơ viết về Bác hay nhất và cũng là một trong những nhà thơ có những bài thơ hay nhất, cảm động nhất viết về Bác. Ngoài 2 bài thơ nổi tiếng được nhiều người biết đến là “Người đi tìm hình của nước” và “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”, ông còn có một loạt bài viết từ năm 1954-1976 in trong tập “Hoa trước lăng Người”. Dù thơ của ông ít được chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông hay công bố trên sóng phát thanh, truyền hình nhưng bất cứ một sinh viên văn khoa nào trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc cũng có thể thuộc nằm lòng những câu thơ sau đây của ông:
Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội
Không hay trong xà lim anh
Hoàng Văn Thụ đang nằm
Không biết anh Trần Đăng Ninh
bị cùm tay mỗi tối
Không hay trên biên thùy Bác đã
dừng chân
Tôi đến Nha Trang ngắm trời biển đẹp
Có hay đâu, hang Pắc Bó gió lùa,
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ
Ai bảo đó là những câu thơ trừu tượng, khó hiểu khi lý giải việc thơ của tác giả “Điêu tàn” ít được công bố? Đó thật sự là những câu thơ dung nạp cùng một lúc nhiều yếu tố: vừa giản dị, chân thành lại vừa chứa đựng một tầm cao tư tưởng nên khó có thể cắt nghĩa hết, lột tả hết cái hay, cái đẹp của ngôn từ, hình ảnh. Điển hình như bài thơ “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi” nói trên. Toàn bài như một bản tự kiểm lật lại hồ sơ lý lịch cuộc đời một thi sĩ với hai nửa tối sáng, bởi vậy, mỗi câu, chữ, hình ảnh đều xúc động đến nao lòng.
Hiếm có nhà thơ nào mượn cái sự “không biết” chẳng qua là để diễn tả cái đã biết, đã thấu hiểu của bản thân tài tình như Chế Lan Viên: Đất nước sắp đổi thay rồi mà ta chẳng biết/ Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay/ Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày. Cái đã biết ấy được diễn tả trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” Bác viết vào 2 năm trước đó (năm 1960), đó là khi: “Luận cương đến Bác Hồ và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin” và tiếp đó là: “Hình của Đảng lồng trong hình của nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
Vì sao Chế Lan Viên lại trăn trở nhiều đến như vậy, lại tự vấn lòng mình nhiều như vậy mỗi khi nghĩ về lãnh tụ? Có thể nói, ông cũng là nhà thơ từng trải và trải qua chặng đường nhiều biến động, nhiều bước ngoặt và đã có một thời gian dài (từ 1945-1958) nhà thơ im lặng. Trước Cách mạng Tháng Tám, thơ Chế Lan Viên thần bí, bế tắc, như ông đã từng viết trong “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”:
Ta làm con nai lạc giữa rừng hoang
Làm hổ sa cơ lạc vườn bách thảo
Làm bóng ma Hời, sờ soạng đêm mờ
Làm tất cả chỉ trừ không đổ máu
Và trong lời đề tựa của một tuyển tập thơ xuất bản năm 1987, nhà thơ cũng chân thành bộc bạch: “Đang là họ Phan bỗng có thêm họ Chế, vừa sống cuộc sống của dân tộc Việt Nam mình, lại cảm xúc, suy tư trong thân phận ma Hời của dân Chàm. Đang tuổi xuân bừng bừng sự sống vừa yêu hoa, lại vừa bị thôi miên bởi cái chết, sọ dừa. Và vừa nhặt từng viên gạch đổ trên tháp Chàm xưa, lại vừa nghe cách mạng, nghe cuộc đấu tranh gọi đi xây dựng một trời đất mới”…
Thế rồi ông đã có những đổi thay rõ rệt trong khuynh hướng sáng tác. Không ai khác, “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi” chính là người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc:
Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia!
ta nghe bừng tỉnh dậy
Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt
ngã ba đường
Điệu lục bát màu nâu nơi ruộng rẫy
Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng
quê hương…
Người đánh thức tương lai kia đã hôn
lên hòn đất
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc
Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong
Kể từ đấy, Thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, đậm chất chính luận và thời sự với “Những bài thơ đánh giặc” và “Đối thoại mới”. Nhà thơ tuyên ngôn với chính mình: “Mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp/ Ta biết trong lòng đời ta, Bác đã đến rồi”. Tái hiện những tháng năm Bác về Pắc Bó, nhà thơ Chế Lan Viên có những khổ thơ thấm đượm chất anh hùng ca: “Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm/ Hang đá này Bác đắp chiếc chăn sui/ Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm/ Gió rừng đừng thổi nữa, gió rừng ơi/ .../Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa/ Thảo từng trang sử lớn cho đời/ Tượng Mác trầm ngâm trong hình thạch nhũ/ Rồi từng dòng từng chữ qua vai”. Diễn tả đức hy sinh cao cả của Bác trong những tháng năm gian khổ mà chất liệu thơ tựa như huyền thoại. Nhà thơ phác họa chân dung lãnh tụ vừa giản dị, gần gũi, vừa vĩ đại trong những câu thơ thật tự nhiên, như tiếng nói bật thốt tự đáy lòng mình: “Ôi! Giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt giàn, ta cảm hết ơn sâu”. Ngày Bác mất, nhà thơ nhận ra trong dòng nước mắt nhân dân ta khóc Bác, một sức mạnh đã kết tinh: “... Tổ quốc khóc Người Cha. Ấy là Việt Nam/ Ấy là sức mạnh/ Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời/ Mình nhận ra ta, ta nhận ra Người/ Cả dân tộc tìm ra mình qua tiếng khóc”…
Thiết nghĩ, mỗi công dân Việt Nam có thể tìm ngay trong những vần thơ giàu chất triết lý và suy tưởng của nhà thơ từng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996 những bài học thiết thực về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
THÚY HỒNG