Văn hóa - Giải trí

TRUYỆN NGẮN

Những cánh hoa màu trái tim

15:18, 08/05/2016 (GMT+7)

Thời đó người ta hay khái quát ưu thế ngành nghề bằng câu nói quen thuộc: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”. Ngành sư phạm bị rẻ rúng như một chọn lựa ngõ cụt: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, còn khá bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa đại học bao la và mới mẻ, Hạnh hỏi tôi: “Thưa thầy, em nên thi vào trường Y hay Sư phạm?”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi thường rất ngại khuyên một ai đó chọn ngành nghề này hay cách sống nọ. Mỗi người có một hoàn cảnh, một sở thích riêng, trong khi cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ khó lường. Vẫn tràn lan ngoài đời những con người chọn nghề một đường mà lại thành công một nẻo. Hạnh là con gái quê, nhà nghèo, vừa đi học vừa gánh vác với mẹ nào là việc nhà cửa, cơm nước, heo gà, em nhỏ…Nhưng tôi tin sức học của Hạnh đủ để chọi với các bạn ở Y khoa Huế.

“Theo em thì em thích chọn ngành nào hơn?”.

Câu hỏi dội ngược của tôi đã gieo vào Hạnh một thoáng tư lự thể hiện qua cái nhíu mày ngây ngô. Ngập ngừng giây lát Hạnh trả lời tôi: “Mẹ muốn em sau này được làm bác sĩ. Mẹ bảo, bác sĩ thu nhập khá hơn, vừa có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người thân. Nghề thầy giáo thì ổn định thật, nhưng mức sống quá thấp, không đủ trang trải cho cả gia đình.

Còn ba em lại nói hàng hai, răng cũng được, xem trường nào dễ đậu, ít tốn kém và ra trường dễ xin việc hơn thì chọn”. Trả lời xong, như vừa thấy lỡ lời một điều gì, Hạnh vội cười: “Riêng em thì em cứ ước mơ được như thầy”.

Cha tôi là nông dân chính gốc, ít chữ nhưng nhiều trải nghiệm nhờ va đập quá nhiều với cuộc sống bầm trầy. Khi tôi băn khoăn giữa học luật hay sư phạm, cha khuyên: “Nghề nào cũng là nghề, giá trị của nghề do con người tạo nên, còn giá trị con người do chính năng lực và đạo đức tạo nên. Nhưng cha thấy, thời nào làm thầy giáo cũng yên ổn, ít va chạm và được người ta tôn vinh”.

Cha sống trải qua quá nhiều xốc nổi đời người và thăng trầm xã hội nên có phần dè dặt của con chim đã “kinh cung chi điểu”. Mẹ Hạnh là con quan thời buổi thất thế nên luôn có khát vọng vượt qua khúc quanh số phận bằng bất cứ giá nào. Bà muốn con trở thành bác sĩ hay nhà doanh nghiệp cũng là để thỏa mãn nỗi tấm tức nào đó. Cha Hạnh là một thợ mộc chỉ biết ngày ngày cặm cụi bào, đục, cưa, xẻ để kiếm tiền nuôi con nên khá an phận và thực tế. Còn tôi, một người thầy uy tín lâu năm trong ngành, tôi sẽ khuyên Hạnh thế nào đây trước một lựa chọn quan trọng?

Rốt cuộc, buổi tâm sự với Hạnh cũng chẳng dứt khoát được điều gì. Nhưng tôi cảm thấy vui vì ít nhiều cũng đã nói thật lòng  những điều mình nghĩ với cô học trò cưng trước khi vào đại học. Đúng sai đôi khi chỉ lửng lơ mà không có đích đến rõ ràng. Nghĩ thế, tôi gút lại lời cuối trước khi chia tay Hạnh: “Lựa chọn nào cũng có cái giá riêng của nó. Thầy chúc em suy nghĩ kỹ và chọn đúng cho mình con đường vào đời”.

“Ngày hội trường năm nay hội đồng sư phạm trường ta sẽ có thêm một thành viên mới đấy!”. Ông hiệu trưởng chỉ nói lấp lửng như vậy để dặn tổ văn phòng phải lo tiếp đón chu đáo. Đám giáo viên nam chưa vợ thường cứ mỗi bận nghe nói có giáo viên mới là reo lên vui nhộn: “Nam hay nữ rứa thầy Hiệu trưởng?”. Trong sự lặp lại có phần đơn điệu của không gian trường học, chút thay đổi nhỏ như thế cũng là niềm vui lớn. Một bó hoa tươi đặc biệt được đặt ở vị trí trang trọng trên bàn đã khiến nhiều người trầm trồ. “Ưu tiên cho người mới đến”, phải luôn giữ truyền thống tốt đẹp ấy của nhà trường chúng ta - cô chủ tịch công đoàn cười cười giải thích khi đang săm se từng cánh hoa rực rỡ.

Thì ra là Hạnh. Chính tôi cũng hơi bất ngờ về điều này. Vì nghe đâu Hạnh tốt nghiệp đại học loại giỏi đã được nhà trường giữ lại. Có người còn nói Hạnh vừa xin về dạy đâu dưới thành phố. Cả hội trường im phắc khi nghe ông hiệu trưởng giới thiệu: “Đây là Hạnh, học trò cũ, cũng là cô giáo mới của trường ta. Xin chúc mừng người con của núi rừng đã tìm về với trẻ em núi rừng”.

Tiếng vỗ tay tươi giòn kéo dài. Hạnh, trong bộ áo dài mới căng tròn sức trẻ, cúi chào mọi người rồi từ tốn bước đến gần chỗ tôi, lễ phép gập người: “Em chào thầy”. Mọi ánh mắt dường như đang dồn về đó. Im lặng. Tôi nghe như vòng xoay đời người đều đặn, bình yên của hơn hai mươi năm dạy học đang hối hả mở ra từng mảng sáng cho niềm vui lặng về. Hình như Hạnh đã lí nhí, rất khẽ, sau đó: “Thấy thầy vẫn khỏe em mừng lắm”.

Sau lời khai mạc ngắn gọn, Hạnh được giới thiệu lên nhận hoa như một vị khách quý. Tôi kịp nhận ra đôi bàn tay em run run khi ôm những cánh hồng tươi trước ngực, mắt rực sáng, đôi môi mấp máy: “Xin cảm ơn nhà trường, các thầy và các bạn đồng nghiệp đã ưu ái dành cho tôi những tình cảm và sự động viên đầu đời đáng quý này…”. Một thoáng ngập ngừng rồi Hạnh quay về phía tôi, ấp úng: “Vinh dự của tôi hôm nay thuộc về công sức dạy dỗ của thầy tôi đang có mặt tại đây. Xin phép cho tôi được tặng lại bó hoa nghĩa tình này cho thầy để tỏ lòng tôn kính và biết ơn”.

Tiếng vỗ tay giòn tan lại vang lên theo những bước chân của Hạnh từ tốn bước về phía tôi. Một lực hút nào đó đã thảy tôi đứng bật dậy, tiến về phía rực rỡ ánh sáng của ngày. Khoảng cách giữa tôi và Hạnh được rút ngắn dần cho đến khi rực rỡ những cánh hoa màu trái tim nép mình đằm thắm giữa hai mái đầu điểm sương và xanh mướt.

Tách… tách…, ai đó đã kịp thời bấm máy trước mặt, bên phải, bên trái... Tách… tách…, âm thanh khô giòn mà mượt mềm. Không, không phải nghề giáo “bình lặng đưa đò” đã mất dần cảm xúc. Chỉ có mình tự đánh mất mình và nghề nghiệp. Chứng tỏ là tôi đang nghe sống mũi cay cay và cảm thấy nước mắt mình cứ chực trào ra.

Ngày hội trường năm năm sau, tôi có quyết định nghỉ hưu. Lần này, bó hoa tươi thắm đặc biệt nhất của nhà trường được dành riêng cho tôi. Thêm một góc truyền thống được chắt chiu: “Ưu tiên cho những người đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp trồng người”. Cảm động thiêng liêng bao trùm khắp hội trường nhỏ ấm áp tình người. 

Không có kịch bản nào được dàn dựng trước đó, mà chỉ từ một lực đẩy, lực hút bất thần, tôi đã đứng lên phát biểu trao tặng lại những cánh hoa màu trái tim ấy cho Hạnh, cô giáo viên giỏi cấp tỉnh, hiệu phó chuyên môn trẻ đầy tiềm năng của nhà trường. Đây không đơn giản chỉ là bó hoa trân trọng mà còn là sự gửi gắm niềm tin vào tương lai trồng người cho thế hệ trẻ. Niềm tin chắc chắn sẽ nuôi dưỡng đam mê và nhiệt huyết của con người bền vững hơn bất kỳ thứ nào khác.

Hạnh đã bật khóc sau đó, giữa tiếng vỗ tay tươi giòn và nỗi vui khôn tả của tôi...

TIÊU ĐÌNH

.