Sáng tác
Sự sắc sảo của tình cảm
Nguyễn Thị Kim Hòa, con dân đất nắng Phan Rang - người viết văn “tỉnh lẻ”, nghĩa là cư trú xa trung tâm văn hóa lớn, vừa xuất hiện đã tạo thành một hiện tượng “nhỏ”. Mới và trẻ, 30 tuổi – Kim Hòa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (2013-2014); năm sau lần nữa: Giải nhất cuộc Vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2013-2015). Sau thành công của truyện ngắn và truyện viết cho thiếu nhi, ta có thêm một Nguyễn Thị Kim Hòa - tản văn, cũng độc đáo không kém.
1. Tôi muốn đặt Nguyễn Thị Kim Hòa với Sa mạc & những vệt nhớ (NXB Văn hóa Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2016) bên cạnh Phan Thị Vàng Anh với Nhân trường hợp chị thỏ bông (NXB Hội Nhà văn, 2004), càng rất muốn đặt hai tập tản văn của hai tác giả nữ này bên cạnh để làm cuộc so sánh, cho dù hai người viết có hai thế giới sống, khai thác chất liệu và viết với hai phong cách rất khác nhau.
Nếu Thảo Hảo [bút danh khác của Phan Thị Vàng Anh] sắc sảo đầy trí tuệ, thì Kim Hòa lại khác: sắc sảo cực kỳ tình cảm.
Nếu ở tản văn của Thảo Hảo, “mỗi bài viết là một mảng hiện thực qua con mắt săm soi của tác giả... với lối viết pha chút châm biếm, xót xa” (nhận xét của evan.com.vn) khiến người đọc vừa thích thú vừa e sợ, sợ bởi chúng như đang phơi bày chính mình ra, nơi khuất tối nhất của con người mình, thì ở Kim Hòa: Sự nhân hậu của cái tình xâm chiếm lấy ta, đánh thức cái thiện tâm ở trong mỗi con người chúng ta.
Hiện thực của Kim Hòa là hiện thực của những đời thường xung quanh mình. Từ chuyện “nhà cũ”, “bấc về phố Phan” cho đến “mộc mạc bánh canh”, “la cà cùng dông” và “lá xào dông” hay “Có nỗi nhớ mang tên… bánh tráng”. Bấy nhiêu thôi, chẳng có chi to tát hay thời thượng, mà đã thành truyện, mà nên văn, nên tình. Tình với thiên nhiên quê hương: Sông, núi, biển, nắng, vài đặc sản quê nhà và cả những con người bình dị – dĩ nhiên.
Thế nhưng, gây ấn tượng sâu đậm nhất, và có thể nói thành công nhất ở tản văn Kim Hòa chính là cái tình người trong tương liên với đồ vật, sự vật xung quanh.
2. Vật dụng thuộc sở hữu của ta, chúng có đó xung quanh ta, ngày qua ngày. Trong cuộc sống thường nhật, ta ít quan tâm đến sự vật, chưa học biết quan tâm đến sự vật có mặt quanh ta. Quan tâm như là một ưu tư, săn sóc. Ta chỉ lo lắng bảo quản, sao cho sự vật lành lặn nhất có thể, để chúng còn ích dụng lâu dài hơn. Xong, khi hết hạn sử dụng, ta bán làm đồ lạp xon, hay ta vứt. Vứt và quên đi. Bởi ta đã có vật dụng khác thay thế, tốt hơn, mới và tiện ích hơn.
Với Nguyễn Thị Kim Hòa, mối dây tương liên giữa con người và sự vật được thiết lập thoát khỏi đồng hóa hay làm xa lạ. Vật dụng là những sự vật thân thuộc. Thân thuộc như chúng đang là, đang hiện hữu. Chúng mang hồn vía và có cuộc sống riêng. Cái cây trong vườn cây kia, nó có đời sống với thân phận riêng của nó.
“Nhà cũ” chẳng hạn. Kim Hòa nhìn “ba cây mãng cầu lớn kế mép tường lá xanh dày đan nhau trưa nắng phủ xuống mặt sân cả một vòm xanh thẫm dìu dịu mát”. Tới “một con ong nhỏ rẽ bầy bướm, nhẹ cất cánh bay lại xuống sân gạch, chỗ mấy bụi ớt vừa bật đám bông trắng tí teo”. Tiếp đến là “một cây me non vừa đẩy bật một miếng gạch bể”, và rồi “cỏ dại”, sau cùng là “cuộc hành quân lặng lẽ của nhà họ rêu”.
Phải thật thân thương với sự vật, sự vật mới ban cho ta cái nhìn trìu mến và nâng niu ấy. “Nhà cũ” không hẳn là nhà của mình, nhưng qua cái tình, nó như thuộc về mình. Thuộc về, nên ưu tư – ưu tư theo nghĩa Sorge của Heidegger. Ưu tư về cái chơi vơi bất định của thay đổi. Thực tế đã đổi thay, khi “người trồng cây trở về”, và cách tân nó, làm mới nó. Để: “Nắng vẫn lấp lánh trên mái nhà, trên thềm xi-măng sạch bóng. Chỉ thoảng nhẹ trong gió, thứ gì như tiếng thở dài…”.
3. Tiếng thở dài kia gần như đi suốt tập tản văn mỏng mảnh của nhà văn nữ đất nắng này. Thở dài, khi con người lãng quên sự vật xung quanh. Con người bị/ hay tự bật gốc khỏi quê nhà, miền đất ta đang sống, đánh mất mình bởi những thứ cao viễn, xa vời hay mơ hồ nào đó.
Như miền đất nắng như rang và gió như phang kia, lẽ ra những đứa con đất nắng ấy phải biết trân quý và nhớ cái đáng nhớ nhất: con sông. Nhưng không. “Con người giờ trăm ngàn thứ để nhớ. Nhớ lợi nhuận, cơ hội. Nhớ đấu đá, giành giật. Hơi sức nào đem nhớ cho ba thứ xa xỉ như sông”. “… Chỉ mùa lụt lội, mưa bão, người ta mới giật mình chợt nhớ đến sông”.
4. Nguyễn Thị Kim Hòa cứ buồn kiểu đó. Và dẫn dắt chúng ta cùng buồn với mình. Cái buồn đâm rễ sâu thẳm vào nỗi thiếu vắng quê hương của con người trên mặt đất. Về những cái hẫng của sống, thực và hư của nỗi đời, còn và mất của cuộc người. Thế nên không thể nói Kim Hòa hời hợt, khi nhà văn trẻ này không tận dụng sự hiểu biết về mảnh đất nuôi sống mình để đào sâu hơn cái thế giới văn hóa đậm dày kia. Ví như con sông ta vừa nhắc đến: sông Dinh:
“một cái tên rất dễ đụng hàng”. Bởi chỉ cần nhấp chuột, đã xuất hiện đến non chục sông Dinh trước mặt: Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Hòa, Bà Rịa… “Cơ hồ đứng đâu đó giữa dải đất duyên hải, kêu lên một tiếng Dinh, chắc năm bảy con sông cùng lên tiếng”.
Đó chính là các vùng đất có dấu chân người Cham đi qua: Dân tộc này ra đi, ngôn ngữ ở lại. Dil, tiếng Cham là “vịnh, biển”, còn Ding là “phố”. Ở đâu có phố, ở đó có chợ và sông, mà phải là sông cái. Phan Rang cũng không khác.
Hay thứ hoa bồn bồn [hay bìm bìm] đầy thân phận lạc về xứ Phan Rang mà Kim Hòa phong làm “đế vương miền sa mạc” cũng vậy. Đó là cây hrak trong tiếng Cham, loài hoa đã từng đi vào trường ca Ariya Cham Bini bất hủ. Ở đó, cô gái Cham nhớ chàng trai Bà-ni, đã hái lá hrak vẽ hình người yêu, gửi cho chàng.
Su-on lo oh thuw khing ngap
Kuw tak phun hrak ngap thaik paywa
(Nhớ quá chẳng biết làm gì/ Ta cắt lá bìm bìm vẽ hình gửi cho).
Dù gì đi nữa, loài hoa dại bình thường và vô dụng kia cũng sắp tuyệt chủng.
“Với sự biến mất của bồn bồn, em trai may mắn đã đem nó trở về. Còn bao nhiêu sự biến mất khác?”
Một câu hỏi lành, nhưng đầy ưu tư sâu thẳm. Về một loài hoa, về ngôi nhà cũ, về sinh phận con người trên mặt đất, và cả định mệnh của mặt đất giữa vô cũng vũ trụ này…
INRASARA