.

Có một khung trời ấu thơ (*)

.

Ấu thơ tôi, mỗi buổi chiều tà cày đồng muộn, cha thường chỉ tay lên bầu trời- nơi những đám mây nhiều màu sắc, kích cỡ, hình thù khác nhau, nói nơi ấy là những xóm làng sau những rặng tre, có khói lam chiều tỏa ra từ những bếp củi bắc nồi cơm đang sôi; còn nơi kia, bên cánh đồng đỏ ối hoàng hôn, có đàn bò đang gặm cỏ…

Đấy là nguyên cớ cho tôi quên bẵng cả thời gian, đắm chìm trong bầu trời thơ ấu của Tèo qua từng trang sách Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh để tìm lời đáp cho câu hỏi: Rốt cuộc, bầu trời của tôi và Tèo có giống nhau không?

Cũng như tôi, Tèo trải qua những năm tháng ấu thơ trên cánh đồng quê, nơi có dòng sông, con suối, cây cầu, bãi cỏ và cánh đồng… một không gian đủ rộng lớn để tuổi thơ của Tèo thỏa niềm vui thả diều, đá bóng, chăn bò. Nhưng tuổi thơ rong ruổi của Tèo thật ngắn. Năm 7 tuổi, sau cú ngã thập tử nhất sinh, Tèo bị chấn thương cột sống. Từ đó, bầu trời soi qua khung cửa sổ là bạn của Tèo.

Không phải đến bây giờ, Tèo mới nhận về mình những thiệt thòi. Vốn dĩ, Tèo thiệt thòi ngay từ lúc mới hoài thai trong bụng mẹ. Tèo cất tiếng khóc chào đời mà không biết ba mình là ai. Tèo hiện diện trong đời bà Hạnh – mẹ Tèo vào những phút giây tuyệt vọng nhất, là kết quả của niềm an ủi trong niềm tuyệt vọng cùng cực của hai con người xa lạ cùng cảnh nơi bến xe ồn ả và bụi bặm.

Tèo lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mợ giàu lòng trắc ẩn – người mà Tèo gọi bằng mẹ ngay từ khi bập bẹ tiếng nói đầu tiên. Nhưng người mẹ ấy yêu thương cậu bao nhiêu thì lòng hồ nghi trong người cậu ruột càng lớn bấy nhiêu. Cũng dễ hiểu cho sự ghét bỏ ấy của cậu bởi khi Tèo có mặt ở nhà cậu thì cậu đang đi làm ăn xa.

Sinh ra đã bất hạnh, lớn lên trong nỗi dằn vặt của người lớn, lẽ đời người ta dễ hình dung ra một cậu bé Tèo với gương mặt rất buồn và dễ thu mình lại. Nhưng không! Tèo luôn nhìn cuộc sống bằng gam màu hồng. Mọi sự việc qua tiếp nhận của cậu đều trở nên nhẹ nhàng. Thậm chí khi bị cậu ruột – người mà Tèo gọi bằng ba, đánh đòn đau quá, Tèo vẫn tin rằng ba thương mình nhiều nên đánh đòn đau theo lời giải thích vụng về của anh hai. Tèo ước: “Em chỉ muốn ba thương em ít đi một chút để đỡ bị đánh đòn đau”. Đấy là niềm ước mong rất chân thật trong tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ.

Tèo thông minh, nhanh nhẹn và giàu lòng vị tha. Trong thâm tâm, Tèo chưa bao giờ oán hận người cha hay đánh đòn đau và thường chỉ chia cho Tèo phân nửa hàng quà so với anh hai mình. Giây phút Tèo lao ra thành cầu để níu cha lại, Tèo nhận về mình cú ngã thập tử nhất sinh từ độ cao hàng chục mét va vào đá suối chấn thương nặng nề, Tèo vẫn vẹn nguyên một tình yêu dành cho cha mình cùng niềm hy vọng bớt bị đòn roi.

Những ngày nằm liệt giường, bạn của Tèo thường là bầu trời. Qua ô cửa sổ, Tèo lắng nghe mọi âm thanh và quan sát mọi đổi thay của bầu trời từ sáng đến tối. Trí tưởng tượng của Tèo thỏa thích theo những hình dạng mây bay trên trời, góc này là xóm làng yên bình, đám mây kia như hình dòng suối, con cừu đang gặm cỏ… Bằng cách ấy, nỗi đau của Tèo được xoa dịu. Câu chuyện của Tèo luôn hấp dẫn những đứa trẻ cùng trang lứa với những Nghị, Hằng, Diệu, Cường và cả nhân vật tôi dẫn chuyện… Tèo luôn khiến lũ bạn khâm phục bởi cậu luôn nhìn thấy điều may mắn trong những hoàn cảnh không may mắn. “Tèo không bao giờ nghĩ xấu về ai. Nó thích đem lại niềm vui và những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Nó có nhu cầu được yêu thương và nó cũng có nhu cầu yêu thương người khác. Với một trái tim tràn ngập yêu thương thì cuộc sống không bao giờ có cơ hội trở thành một gánh nặng”.

Nguyễn Nhật Ánh khéo đẩy cao trào câu chuyện khiến người đọc không thể nào đặt sách xuống khi chưa đọc đến trang cuối cùng khi để cho Tèo gặp lại mẹ đẻ của mình khi sức khỏe đã rơi vào tình trạng cùng kiệt. Những ngày Tèo được đưa lên phố chữa bệnh là chuỗi ngày dài đằng đẵng đầy thấp thỏm âu lo đối với lũ trẻ ở xóm nhà của Nghị - nơi Tèo từng đến dưỡng bệnh trong mấy tháng trời và trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc sống tình bạn của những đứa trẻ con nơi đây.

Dường như sự trong trẻo, thánh thiện của Tèo lay động đến lòng trắc ẩn không chỉ đối với những đứa bạn cùng trang lứa mà cả với người lớn. Chẳng thế mà chú Vịnh- một người không thân thích lại đứng ra nhận mình là cha của Tèo và lặng lẽ nuôi Tèo mà không cần một điều kiện nào trong những tháng năm dài sau đó.

Tèo trở lại với cuộc sống bình thường sau nửa năm nằm liệt giường. Cậu bé 7 tuổi ấy đã truyền cho những cô cậu bé trong truyện và cả bạn đọc một niềm tin tươi mới về cuộc sống. Trải qua nhiều bất hạnh, Tèo bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong một hoàn cảnh không may mắn. Cậu xem việc được làm bạn với bầu trời là niềm vui lớn lao. Và như thế đủ để nhân vật tôi trong truyện nhận ra rằng: “Tôi biết tại sao tâm hồn tôi đẹp dần lên mỗi ngày… Đó cũng là lý do quan trọng để tôi xếp thằng Tèo đứng hạng nhất trong trái tim tôi”!

Gấp sách lại, hình dung ra khung trời của Tèo chỉ vỏn vẹn tầm nhìn qua ô cửa sổ, vậy mà rộng lớn bao la và vô cùng khoáng đạt. Tôi không còn ở tầm tuổi Tèo để được thỏa thích ước mơ, thỏa sức tưởng tượng trong khung trời bao la ấy, nhưng qua Tèo, Nguyễn Nhật Ánh đã cho tôi sống lại những năm tháng tuổi thơ và hướng về những chân thiện tốt đẹp ở phía trước. Qua Tèo, tôi cũng hiểu ra rằng, cuộc sống đôi lúc đó đây còn nhiều nghiệt ngã khiến chúng ta chùng lòng, hoang hoải âu lo nhưng đừng vì thế mà đánh mất niềm tin, sự lạc quan vào những điều tốt đẹp.

Phan Vĩnh Yên

(*) Đọc Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, quý 3 năm 2019.

;
;
.
.
.
.
.