.

Chị Tư Trọc

.

Minh thắng két trước cửa quán cháo gà, chưa kịp dựng chân chống xe đã đứng ngoài kêu í ới:

- Chị Tư ơi, cho phần đặc biệt đi!

- Đợi Tư xíu, tới liền.

Cái đầu trọc bóng lưỡng ló ra khỏi mành cửa làm Mây điếng hồn. Người phụ nữ tầm bốn mươi xởi lởi:
- Chèn ơi, lâu quá mới ghé Tư ha. Mần ăn khá hông mậy? Hai đứa dang ra xíu, Tư quơ cái bàn, ngồi ngoài này cho mát. Hồi nãy khách đông Tư lu bu quá chưa kịp dọn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị Tư vừa cười nói vừa xăm xăm tay cầm chổi, tay cầm giẻ lau bàn, hốt rác. Chị mặc áo cộc tay đen lộ hình xăm dài ngoằn nghoèo từ tận bắp tay xuống những ngón tay to bè. Trời nhập nhoạng chỉ thấy được cái đầu trọc nhẵn bóng loáng và đôi mày rậm gần như che luôn mắt của chị. Nhưng gì thì gì, vẻ ngoài dữ dằn ấy cũng không che được sự cởi mở và tháo vát vốn có của người miền Tây nơi chị.

- Ngồi đi bây, hai tô cháo với phần gỏi đặc biệt hen.

Chưa kịp nghe câu trả lời, chị nhanh nhảu quay vô xe, rồi tiếng chặt gà bùm bụp vang lên. Minh cười cười nhìn sang Mây:

Tính bà này cái miệng luôn hồi vậy đó mà giỏi ghê gớm à. Cháo của bả ngon nhất vùng này, lần nào về quê Minh cũng phải ghé qua đây làm một tô mới được.

Chưa được mươi phút chị Tư đã khệ nệ bưng hai tô cháo cùng dĩa gỏi to ụ ra, mời như mời người nhà lâu không gặp:

- Khuyến mãi cho hai bây thêm cái đùi gà, ăn thiệt tình nha.

Minh cười khì khì:

Rồi cảm ơn bà chị luôn. Dạo này buôn bán khá khẩm ha, còn khuyến mãi cho khách quen nữa.

Chị Tư bặm môi đánh một cái rõ đau vào vai Minh:

- Chèn ơi cái thằng này, một là kêu tao chị, hai là kêu tao Tư. Gì mà bà chị như dân giang hồ, mày hổng thấy con nhỏ nhìn cái đầu của tao nãy giờ là đủ sợ rồi hả?

- Mây hơi ngượng ngùng, không phải Mây sợ, mà ở xứ này, đàn bà con gái cắt tóc ngắn đã hiếm, huống gì có người cả gan vừa cạo trọc lại xăm hình kín tay như chị. Thấy ngộ nên Mây cứ len lén nhìn, ai dè chị tinh ý biết hết. Rồi chị xởi lởi, cười hiền khô:

- Mấy năm trước má Tư bịnh, chạy Đông chạy Tây, chữa bao nhiêu thầy không khỏi, bệnh viện chê trả về luôn. Đêm nào Tư cũng cầu trời khẩn phật xin cho bà già tai qua nạn khỏi, Tư nguyện giảm năm năm tuổi thọ, cạo đầu với ăn chay một năm. Dè đâu trời phật còn thương, bà già khỏi thiệt, Tư cạo đầu liền rồi để riết tới giờ, cho mát, với bà con kêu Tư Trọc ơi Tư Trọc à nghe cũng vui tai.

- Tư ơi Tư! Tư ơi!

Tiếng kêu từ phía sau nhà dồn dập. Chị Tư vội vã chạy xuống:

- Con nè má ơi!

- Sao giờ còn chưa cho tao ăn cơm, nay định bỏ đói tao hả?

- Con mới múc cơm cho má ăn đây mà. Tô còn đây con chưa kịp dọn nè.

- Tao chưa có ăn, giờ tao đói bụng rồi.

- Thôi thôi ăn nhiều cơm là lên đường chết, chân cẳng phù lên đau lắm. Má đói để con gọt trái cây này cho má ăn nghen, ngon lắm, ăn xong no liền nè.

Cái nhà nhỏ xíu, hai má con nói chuyện ở dưới mà phía trên nghe lồng lộng. Chị Tư dỗ má như dỗ con nít dỗi, ai nghe mà dám nói chỉ dữ dằn, gai gốc.

- Bà này số khổ. - Minh thở dài thườn thượt, hiếm khi thấy người lạc quan như Minh thở dài vì chuyện gì - Nghe đâu hồi trước bả đi du học, tiếng Tây tiếng u này nọ giỏi lắm, sau về làm ở Sài Gòn rồi má bả bịnh mà nằng nặc cắm trụ ở miếng đất hương hỏa. Anh chị em thì mỗi người lập nghiệp một nơi, ai cũng có gia đình riêng, kinh tế cũng không khá giả gì. Còn mình bả tất tả dẹp hết công ăn việc làm trên Sài Gòn về đây. Mở cái quán này là để vừa chạy tiền trong nhà vừa tiện chăm cho má bả, cũng mấy năm rồi.
Mây trầm ngâm. Ở đời nước mắt chảy xuôi, có bao nhiêu đứa con sẵn sàng từ bỏ cả sự nghiệp tương lai, bó mình trong vùng quê hẻo lánh này vì chữ hiếu, huống gì là cô gái đang độ tuổi xuân thì mơn mởn thích du hí mọi nơi lại giỏi giang, cá tính như chị.

- Ủa hai bây hông ăn đi? Thiệt khổ, em bé 85 tuổi hay quên với nhõng nhẽo. Nhiều lúc Tư làm mệt nên cũng bực lắm mà nghĩ không biết bà già còn sống với mình được bao lâu là thấy chạnh lòng bây ạ. - Đang nói chị bỗng vỗ đùi đánh đét - Chết chưa, nãy giờ lu bu quên mở cái đèn ngoài hiên cho sáng quán.
Nói chưa dứt câu chị đã lật đật chạy đi mở công tắc. Cái bóng đèn cháy sáng, õng ẹo chớp vài cái rồi tắt ngúm, chỉ nghe chị lèm bèm “Tới tuổi đòi nghỉ hưu hả mậy?” rồi kéo ghế xoèn xoẹt ra sân. Minh toan đứng dậy thì chị xua tay:

- Ngồi đó đi, đèn nhà Tư, Tư biết bịnh, một phút ba mươi giây.

Chị nhanh nhảu trèo lên ghế xoay xoay vặn vặn mấy cái, bóng đèn sáng choang trở lại. Hổng hiểu sao nhìn dáng chị chênh vênh, Mây thấy thương ghê. Người ta khỏe mạnh chăm mỗi người bệnh thôi đã đuối sức, còn chị vừa lo người già lẫn, lại quán xuyến hết trong ngoài thì chắc ba đầu sáu tay cũng mệt mỏi, cô buột miệng:

- Nhà không có tay đàn ông, chị cực dữ chị hen?

- Chèn ơi, con nhỏ nói chuyện nghe thấy cưng ghê hông. - Chị cười khì khì, kéo ghế ngồi chếch bàn Mây một góc phe phẩy cái quạt - Làm riết quen hà mày ơi, chuyện to chuyện nhỏ, chuyện trong chuyện ngoài tao xắn tay áo quất tuốt, rồi giờ hổng biết việc nào của đàn ông việc nào của đàn bà chi ráo.

Chị xưng mày tao nghe ngọt xớt mà tự nhiên, hào sảng như bản tính của chị vậy. Minh chép miệng:
- Thôi thì kiếm đại một ông về phụ chị cho khỏe thân.

Chị cười ha hả:

- Thôi, mày nói nghe mắc cỡ. Đàn ông khoái mấy cô xinh đẹp, dịu dàng như em này chứ ai đời rước thêm con đàn ông vai u bắp thịt như Tư về làm vợ.

Rồi chị quay qua sắp mấy chén chanh ớt, kiểu người luôn tay luôn chân ngồi không là hông chịu nổi:
- Mà Tư nói chuyện khiêm tốn cho sang miệng vậy thôi, chứ cỡ Tư cũng khối kẻ thèm chứ giỡn. Nói đâu xa, mấy tháng trước có ông mê Tư như điếu đổ, ngày nào cũng tới phụ bưng bê, dọn dẹp, kêu má xưng con với bà già Tư ngọt xớt. Chả còn kêu Tư đẹp lạ bây, đó giờ chả chưa gặp ai, mê ai như Tư. Chèn ơi, bao nhiêu năm mần quần quật quên luôn mình là phụ nữ, Tư tự nhiên rung rinh trước một thằng đàn ông mày ạ.

Chị trầm ngâm:

- Được đâu mấy tháng, cái vợ chả tới, mang theo mấy bà cũng hổ báo lắm, đập phá la hét um sùm nói Tư giật chồng. Lúc đó Tư hổng hiểu mô tê gì, chỉ thấy bàn ghế tanh bành, bà già ngồi trong sợ run còn khách thì bỏ chạy ra ngoài hết, Tư điên lên, rút con dao chặt gà cắm phập lên thớt nói “Một là ra ngoài nói chuyện đàng hoàng, hai là chém nhau thì con Tư này cũng chưa biết sợ ai”. Chắc mấy mẻ thấy Tư làm dữ quá, thêm cái tướng giang hồ, hình xăm chằng chịt nên cũng dè chừng. Ai dè mấy cái hình ham vui xăm trổ hồi nhỏ đau chết giờ có ích quá trời bây hen.

Chị lại cười xòa, xoa xoa tay:

- Rồi ra nói chuyện mới biết chả có vợ còn thêm mấy mặt con mà cứ đi lông bông bên ngoài hết bà này tới bà kia. Tư thấy tội bà vợ hơn là ghét mẻ, nội chạy theo chồng đánh ghen cũng mệt. Tối đó về, Tư nhắn cho chả là vợ chả tới đập mấy cái bàn, mấy cái ghế, hư hao cái gì, vị chi bao nhiêu, biểu trả tiền bồi thường. Ai dè chả chuyển khoản cái rụp, trừ đi mấy tháng ăn cháo miễn phí còn dư đâu vài trăm. Tính ra mối tình này Tư cũng hổng lỗ bây hen.

Chuyện buồn hiu mà chị kể tỉnh rụi, nghe như chuyện tiếu lâm của ai đâu đâu. Vậy mà Mây nghe mũi mình cay cay.

Khách lại ồ ạt kéo vào, chị Tư mần luôn tay luôn chân nhưng miệng thì vẫn hỏi thăm từng khách rộn rã. Lúc về, chị cố giúi cho Minh hai đòn bánh tét ăn lấy thảo còn hăm “Bây mà không lấy mốt vô ăn Tư lấy giá gấp đôi à nghen”.

Đường đêm vắng chỉ nghe gió thổi vào mặt mát lạnh, Minh xoa bàn tay Mây đang ôm hờ eo mình:
- Lại xót lòng hả thi sĩ? Chừng nào Minh còn thở thì không để Mây khổ đâu.

Mây tựa cằm vào vai Minh, khe khẽ gật đầu, bỗng nhớ về nụ cười hiền queo của người phụ nữ đầu trọc, mày rậm rì mà nghị lực và cái tình cái nghĩa thì khó ai bì.

Thanh Lam

 

;
;
.
.
.
.
.