.

Những bài học hữu ích cho các bậc cha mẹ (*)

.

Nối tiếp các cuốn sách đã xuất bản mấy năm trước: Giấc mơ bay qua cửa sổ, Người của ngày hôm qua, Nhật ký Sẻ Đồng, Chúng mình làm bạn con nhé..., nhà văn Phong Điệp làm giàu thêm tủ sách Làm cha mẹ (NXB Kim Đồng) với Cùng con vượt “bão” tuổi teen,  chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của chị dành cho lứa tuổi thần tiên.

Cùng con vượt “bão” tuổi teen  tập hợp những bài viết, những câu chuyện nhỏ, những suy nghĩ và kinh nghiệm của một người mẹ đã và đang đồng hành cùng hai cô con gái tuổi teen, giúp con vượt qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi dậy thì”. Sự khủng hoảng tâm lý ở lứa tuổi này giống như “một cơn bão được báo trước” nhưng trong thực tế, không ít bậc cha mẹ lúng túng, lo lắng, thậm chí có những cách ứng xử, giáo dục phản tác dụng, để lại những hệ lụy đáng tiếc.

Mỗi bài viết được Phong Điệp xen vào những câu chuyện cuốn hút, sinh động và rút ra bài học sâu sắc, thấm thía trong quá trình đồng hành cùng con “vượt bão”. Mặc dù không phải là một nhà tâm lý học nhưng chị đã có những trải nghiệm từ tuổi teen của chính mình, từ những câu chuyện chân thực xung quanh nên với tư cách một người mẹ, chị nắm vững đặc điểm tâm sinh lý tuổi dậy thì. Đó là lứa tuổi không còn bé nhưng cũng chưa đủ lớn - “ăn chưa no, lo chưa tới”, dễ nổi loạn, bất thường, hay “đãng trí”, hay cãi để khẳng định cái “tôi” của mình.

Hiểu được sự phức tạp trong tâm lý của lứa tuổi “teen”, Phong Điệp khẳng định cha mẹ phải “như cái phao cho người tập bơi lúc khởi đầu hành trình cuộc sống mới”, là chỗ dựa tinh thần giúp con tự tin và quyết đoán. Nhưng làm thế nào để trở thành bạn của con trong cuộc sống hằng ngày và cả trên mạng xã hội, được con tin tưởng, chia sẻ mọi thứ? Điều đó không hề dễ dàng. Nó là cả một nghệ thuật nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chân thành và tình yêu thương.

Cha mẹ dù bận trăm công nghìn việc thì vẫn nên dành thời gian cho con, quan sát và lắng nghe con, tôn trọng “khoảng trời riêng tư” cũng như những sở thích của con. Trong phạm vi chừng mực có thể, cha mẹ “cho con quyền được sai”, được mắc lỗi nhưng tuyệt đối không dùng bạo lực với con, không so sánh con mình với “con nhà người ta”. Các bậc làm cha làm mẹ cần phải đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu, cảm thông và tôn trọng con, không được làm tổn thương con, phải giữ thể diện cho con, nhất là trước đám đông.

Cùng con vượt “bão” tuổi teen còn cung cấp cho các bậc cha mẹ những kinh nghiệm ứng xử với con trong nhiều tình huống phức tạp, bất ngờ. Cha mẹ cần làm gì khi con bị áp lực học hành có thể dẫn đến stress bất cứ lúc nào, khi con yêu thì sao, phản ứng như thế nào khi con “chung sống với thần tượng” - cuồng thần tượng một cách thái quá hay khi con bị bạo lực học đường, phải “đối đầu với thế lực hắc ám”?… Cuốn sách đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích, giúp cha mẹ có con ở lứa tuổi này học cách bình tĩnh, biết chấp nhận, thích nghi để tránh xung đột giữa cha mẹ và con cái, ứng xử linh hoạt trước những cơn nóng lạnh bất thường của tuổi “ẩm ương”.

Đặc biệt, Phong Điệp chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, giúp cha mẹ thay đổi tư duy trong việc rèn kỹ năng sống cho con trong bài “Tự lập hay là chết?”, không chỉ rèn cho con tính tự lập mà còn trao quyền tự lập cho con, giúp con trở thành người chủ thực sự của đời mình, “Hãy nói với con về tình dục” để con biết tự bảo vệ mình chứ không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà né tránh. Cha mẹ cần mang lại cho con “Một cuộc sống lành mạnh”, cân bằng các nhu cầu học tập, giải trí và nghỉ ngơi, đừng biến con thành những chú “gà công nghiệp”. Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin ngày nay thì các con có thêm “trường học đặc biệt”, đó chính là mạng Internet. Nhưng cha mẹ phải luôn là người “hãm phanh” con khi cần thiết, định hướng cho con trở thành “nhà hoạch định chiến lược”.

Cuốn sách dễ đọc, hấp dẫn, bổ ích vì tác giả không chỉ là một nhà văn trẻ nổi tiếng mà bởi chị còn là mẹ của cô con gái 12 tuổi rưỡi đạt điểm tiếng Anh IELTS 8.0. Đó là một kỳ tích phi thường khi cô bé hầu như tự học. Trong phần phụ lục “Tâm tình của con” có bài chia sẻ “Bí quyết học IETLS 8.0”, bài luận “Học như là một quá tình tự nhận thức” chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý báu cho rất nhiều bạn tuổi teen bởi “học mà không nhọc”. Thành công của con, sự khôn lớn mỗi ngày của con có sự đồng hành của mẹ nên “Chỉ cần có mẹ là mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Cuốn sách khép lại với những tâm tình xúc động của hai cô con gái tuổi teen: “Tôi nợ mẹ một lời cảm ơn” và “Con yêu mẹ” là những tâm tình tự đáy lòng con dành cho một người mẹ tâm lý, luôn hết lòng cùng con “vượt bão”, giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn để vươn tới thành công.

Với những chia sẻ chân tình, thú vị, Cùng con vượt “bão” tuổi teen không chỉ giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm để làm “đồng bọn thứ thiệt” của con cái trên bước đường trưởng thành phía trước mà còn rất hữu ích cho các nhà trường, các thầy, cô giáo trong việc định hướng học sinh tuổi teen rèn luyện và cân bằng cảm xúc, hỗ trợ các em giải quyết những vấn đề “khủng hoảng tâm lý” một cách kịp thời, tránh những ứng xử tiêu cực.

NAM HỒNG

(*) Đọc Cùng con vượt “bão” tuổi teen của Phong Điệp – NXB Kim Đồng, quý IV, 2019.

;
;
.
.
.
.
.