1. Albert Einstein đã nói rằng: “Nếu muốn con trẻ thông minh, hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Nếu muốn chúng thông minh hơn nữa, hãy đọc cho chúng nghe nhiều truyện cổ tích hơn nữa”. Truyện cổ tích sẽ có tác dụng hơn so với việc giảng đạo lý suông cho con; giúp con phân biệt được cái đúng, cái sai trong cuộc sống thông qua các nhân vật trong truyện và nhìn nhận những điều tốt, chưa tốt của các nhân vật đó.
Việt Nam có kho tàng truyện cổ tích cực kỳ phong phú. Những ông Bụt, bà tiên, vị thần, công chúa, hoàng tử, cô Tấm, chàng Trương Chi, nàng Tô Thị, Thạch Sanh, Sọ Dừa, chú Cuội… quen thuộc, mộc mạc, gần gũi, đầy phép nhiệm màu và hấp dẫn tuổi thơ.
Bộ sách Truyện cổ tích Việt Nam (4-2020, NXB Kim Đồng) tập hợp hơn 100 truyện cổ dân gian hay nhất và giàu ý nghĩa đã gắn bó với nhiều thế hệ độc giả. Tuyển tập lần này với diện mạo mới, phần minh họa bìa tuyệt đẹp và đậm chất dân gian truyền thống của họa sĩ Tạ Huy Long chắc chắn sẽ khiến trẻ thích mê.
2. Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ 17-19. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá cao.
Tập sách Chuyện cũ ở Sốc-Trăng (4-2020, NXB Trẻ) là tập khảo cứu - du ký của Vương Hồng Sển về vùng đất Sốc-Trăng, từ xa xưa cho đến trước năm 1945: đất đai, thủy thổ, con người, phong tục. Tác phẩm cung cấp nhiều tư liệu quý giá về Sốc-Trăng và vùng Hậu Giang từ lúc người Việt mới đến khai hoang định cư.
H.Â