.

Có lòng là đủ

.

Chiều muộn, hai người đàn ông một già, một trẻ nằm thượt trên yên xe, thi thoảng lại ngóc đầu nhìn xuôi ngược. Giờ tan tầm, xe cộ như mắc cửi, xe buýt cũng lắm, khách đi xe ôm ngày mỗi ít, xăng cộ không ngừng tăng.

 - Có khi tui kiếm chuyện khác làm bác Bảy ơi. Nghề này sống khó quá!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bác Bảy lột nón bảo hiểm, lột luôn cái nón vải ra quạt. Trời đất gì mà lặn mặt trời rồi vẫn nóng như rang. Hẳn do đám xe ngoài kia không ngừng xả khói.

- Chú còn trẻ, chớ tui già rồi. Ráng ít ngày nữa là hết hơi về phụ sạp rau với bả. Bả lóng rày cũng mỏi rồi.

- Nói vậy chứ chẳng biết làm gì, bác Bảy. Bao năm nay ôm mặt đường quen rồi, giờ ngồi một chỗ chịu gì nổi. Giá có ít chữ vào khu công nghiệp làm công nhân.

Chú Tư gãi gãi ót, nói vậy chứ chẳng nuối tiếc gì. Hồi đó nhà nghèo lại đông anh em, o ép lắm mới đủ ngày hai bữa. Có đứa nào được tới trường, trường xa lại phải băng đồng vượt sông, còn phải đóng tiền trường, sắm sanh áo quần viết tập... Nhà sáu anh chị em may có thằng út được học hết cấp hai, học tới đó mà giờ cầm cây viết cũng lọng cọng.

Mà ngộ, có chút chữ, cái mặt nó sáng láng hơn hẳn.

Lan man chuyện nọ chuyện kia, thím Tư gọi điện nói con gái nhỏ đang sốt, từ sáng giờ uống hai bận thuốc rồi mà chưa xi nhê. Nói ba có rảnh thì về sớm chớ hôm nay tui bỏ buổi chợ ở nhà chăm con.
Từ sáng giờ chú Tư mới được hai cuốc gần, trừ tiền mua ổ bánh mì cho bữa trưa, may đủ tiền xăng. Bác Bảy thở dài, tính nói chú Tư về nghỉ, lại thôi. Một nách vợ, một nách hai đứa con, đứa lớn đưa về quê cho ngoại nuôi, ba con người rúc trong căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông mà vẫn phải co kéo. Làm người đàn ông, là trụ cột đâu có phút giây nào sung sướng. Con bé lo bé, con lớn lo lớn. Bác Bảy có đỡ hơn, đám trẻ học không nhiều nhưng đều đã đi làm tự nuôi thân, lâu lâu về thăm cha mẹ cũng biết mua thứ này, biếu thứ kia báo hiếu. Nhà chỉ còn hai thân già cum cúp cạnh nhau, bác gái mà không bị dạ dày với chứng huyết áp thì hai vợ chồng sống khỏe. Già cũng không cần gì nhiều. Cơ mà trời đâu có thương người nghèo. Chắc ổng thấy người nghèo rách nát, bẩn thỉu lại tính toán chi li, ổng ngứa râu, ổng ghét.

Khách tới, là một thanh niên dong dỏng, bác Bảy nắn nắn cái nón vải, nhăn nhó:

- Chú đi giùm tui, tự dưng tui nghe nhức mình.

Chú Tư nhỏm dậy, còn không quên nhét vô tay bác Bảy chai dầu gió, nhòm trời:

- Khéo trúng gió à. Bác coi có chịu được hôn, hay về nhà kêu chỉ cạo gió cho.

Bác Bảy hít hà:

- Chắc vậy quá, nghe nói thành phố đang có dịch sốt xuất huyết, chú về sớm coi chừng con bé, sốt nữa phải mang vào bệnh viện liền nghe hông. Đừng ỷ y, tới hồi hối.

Chú Tư gật, ụp cái mũ lên đầu, không quên tròng cái khẩu trang. Thành phố bụi mịt mù, mồm mỏ há ra đố mà thở nổi. Cái khẩu trang không bao tiền nhưng bảo vệ sức khỏe khá tốt, còn rẻ hơn tiền mua thuốc ho, sáng nào thím Tư cũng nhắc chú mang khẩu trang theo, cái xài, cái đút túi sơ cua.

Bác Bảy ghé qua chợ, thấy mớ tép đồng, nghĩ nghĩ sao mua hai phần, đưa qua cho thím Tư một phần, nhân tiện hỏi thăm con bé. Thím Tư nghe nói chú Tư còn cuốc nữa, thở hắt ra, càm ràm:

- Con bệnh còn ráng, con bé đòi ba nó từ sáng, ăn vô lại ói ra.

Bác Bảy ái ngại:

- Hôm nay hẻo, chú ấy ráng kiếm thêm ít mua thuốc. Thím chú ý con bé.

Khuya, chú Tư vẫn chưa về, thím Tư ẵm con bé nóng như rang sang nhà bác Bảy, bác Bảy vò tóc:

- Tui lại không hỏi đi đâu, khách còn trẻ, gầy gầy, coi bộ là sinh viên.

- Bộ cứ gầy là sinh viên hả, nó nghiện không chừng. Tui nóng ruột quá.

Bác Bảy gái ẵm con bé cho thím Tư, nhà ở đầu hẻm, nhà ở cuối. Hai nhà qua qua lại lại, con bé cũng bện hơi bác Bảy gái nên nằm im re, có khi nó mệt không nhúc nhích được, mắt nó ướt nước, môi đỏ mọng vì sốt. Bác Bảy gái đun miếng nước ấm lau mình cho nó, an ủi thím Tư đang ngồi chống cằm xụi lủi ngoài cửa:

- Ở hiền gặp lành thôi thím.

Nói vậy chứ bác Bảy cùng vợ bắt đầu sốt ruột. Bao nhiêu năm trong nghề, bác Bảy thừa hiểu cuốc cuối luôn ẩn náu bất trắc, hiểm nguy, xe ôm thường đi cuốc gần, đường quen còn mau về kịp trời tối. Khoảng thời gian nhá nhem âm dương lẫn lộn, ma đi chơi thần đi ngủ, tốt xấu nháo nhào. Hôm nay chú Tư không đủ xăng nhớt, con bệnh nên ham. Giờ này chưa về, điện thoại muốn cháy máy không liên lạc được chín mươi phần trăm lành ít dữ nhiều.

Bác Bảy nhìn vợ:

- Bà ở nhà với thím Tư, tui ra ngoài này chút.

Bác Bảy chạy xe đến đồn công an. Cánh xe ôm với công an thường quen biết nhau, nhờ qua nhờ lại hoài chứ đâu. Có vụ trộm cắp chi, cánh xe ôm rải khắp thế nào cũng có tin đắt. Chú công an nhíu mày, bốc điện thoại lên gọi đến các bệnh viện, nhờ đồng nghiệp hỏi thăm chừng. Không tin tức gì, đêm mỗi lúc một khuya. Bác Bảy về nhà, con bé nhà chú Tư lên cơn giật, bác lại quay xe cho nó vào bệnh viện.
Sáng tinh mơ, điện thoại kêu e é, thím Tư lu loa khóc báo tin chú Tư bị cướp đâm, giờ đang nằm phòng cấp cứu, không biết sống chết sao. Bác Bảy quýnh quáng tròng cái quần, đút hai chân vô một ống suýt té lăn cù. Cả đêm bác có chợp mắt miếng nào, tính đi kiếm mà biết kiếm ngõ nào. Thành phố chứ đâu phải xứ bác, quanh co có con đường bên sông bên lúa. Ngoài cửa có tiếng xe dừng, là chú công an xấc xải chạy tới:

- Anh Tư ở bệnh viện quận đó bác. Mình tới liền coi sao.

- Chú cho tui địa chỉ, chú trực cả đêm rồi.

- Con đi với bác, lát về nghỉ sau cũng được, bác Bảy lẹ đi.

Trời phù, mạng chú Tư còn lớn, bị lụi hai dao mà vẫn sống, nhưng phen này e tốn bộn. Bác Bảy nén tiếng thở dài, đáng lẽ người nằm đây là bác mới đúng. Vị khách gầy gầy đó là đến phiên bác, thương chú Tư cả ngày chưa có mấy đồng, bác lấy cớ người mỏi, ai biết đâu lại tránh được tai kiếp, họa đó chú Tư gánh giùm trong khi con bé vừa nhập viện tối qua.

Thím Tư không biết ném con bé ở đâu, ùa tới khóc lu loa. Bác Bảy né ra góc phòng, cả đêm qua thím chắc cũng không ngủ được, bên con sốt, bên chồng biệt tích. Phụ nữ chỉ biết dựa vào chồng, hở ra chút là chông chênh ngay. Mạnh mẽ mấy cũng cần bờ ngực để rúc vào. Đêm qua, hẳn rất dài với thím Tư. Càng nghĩ bác Bảy càng khó ở, biết thế đã không nhường, không nhường thì không có chuyện xảy ra, xe bác dỏm hơn xe chú Tư, bác cũng già cả hơn, người khách kia sẽ không ra tay. Nghe nói công an đã bắt được thằng kia, chưa vô tới đồn nó đã khai sạch, vừa khai vừa khóc tu tu. Nó không nghiện, cũng không phải thứ du côn du kề. Tha phương cầu thực mấy năm, nghe báo tin mẹ ốm nặng, bí quá làm liều... Không biết mẹ nó ngoài quê ra sao?

Bác Bảy vẫn mang xe ra ngã tư đợi. Hôm kia thôi chú Tư còn cười cười nói nói, giờ nằm một đống trong bệnh viện. Ngoài kia ô-tô vẫn chạy, xe máy vẫn chạy, xe đạp vẫn bon bon, người ta vẫn hối hả. Bác Bảy thở dài, nhá nhem mà có khách, chắc gì bác dám từ chối. Lão trời già vốn ghét người nghèo.

Tối, bác Bảy chở vợ vào bệnh viện, từ bữa đó, ngày nào bác Bảy gái cũng mang cháo đến. Sạp rau ngoài chợ bỏ đó, vốn cũng chẳng còn, tiền thuốc chú Tư trông vào mấy cuốc xe của bác Bảy. May hai đứa con cũng về, đưa cho ba mẹ ít nhiều. Còn người còn của, lo gì, bác Bảy gái chắt lưỡi khi đập con heo đất. Chỉ tội chú Tư, xui gì mà xui tận mạng, ba nằm một nơi, con nằm một góc, mình thím Tư chạy xà quần giữa hai bệnh viện. Chú Tư níu áo bác Bảy, làm sao chú không biết bác Bảy nghĩ gì. Chú cười hì hì:

- Xui thôi, ai muốn. Phải tui mới hên, gặp bác già cả không chừng “đi” luôn rồi.

Bác Bảy không nói nên lời trước câu nói giỡn mà thiệt của chú Tư, nhưng bảo đừng dằn vặt, đừng áy náy, bác không làm được.

Bác Bảy gái đổ cháo ra: - Chú ăn tạm đi.

Chú Tư cười:

- Hổm rày cháo miết bắt ngán. Tự dưng thèm bánh mì bà Bản, có bữa trời đẹp sao đó, bả vui sao đó, nhét vô một nùi chả, ăn lòi họng đến trưa còn no. Qua đận này tui nhứt định sẽ ăn mì nguyên tuần cho đã thèm.

Vừa nói chú Tư vừa xoa bụng phụ họa. Thím Tư hừ:

- Bả thương ông quá hén, sao không thấy bả ghé thăm. Nằm một đống đây rồi mình mẹ sề này lo chứ thấy có ai?

- Bả thương nhưng đâu bằng vợ anh thương. Thiệt, khi đó cứ nghĩ mình thiệt mạng, vợ không ai lo, thấy đau lắm, nên ráng về với vợ. Con mình cũng còn nhỏ quá.

Thím Tư đột nhiên im bặt, bác Bảy gái khẽ khàng lòn bàn tay gầy guộc của mình vào tay bác Bảy trai. Từ hôm đó, có đêm nào bác ngủ yên, cứ nghĩ dại dại khôn khôn, sáng ra tính kêu bác Bảy trai ở nhà, kiếm chuyện khác làm, lại không nói ra miệng. Thành phố đất chật người đông, việc nào kiếm được tiền cũng là việc. Bác Bảy, chú Tư dù sao cũng có chục năm chạy xe ôm, chẳng qua là xui.

Con bé con ra viện, bà ngoại nó lên rước về cho má nó rảnh tay chăm ba nó. Mỗi ngày, thím Tư ghé qua căn nhà cuối con hẻm, lấy tiền rồi vào bệnh viện, có bữa chơi sang thím còn ngoắt xe ôm. Bác Bảy gái nhìn theo thím Tư, giấu tiếng thở dài, bác Bảy trai vẫn nói với bác, thôi ráng...

Biết vậy nhưng chiều về bác Bảy gái lại ngóng, ngóng cho đến khi nghe tiếng xe toành toạch của bác Bảy trai ngoài đầu hẻm mới buông lo âu xuống, để rồi sáng mai lại tiếp tục vác lên, gắng gỏi cam chịu.
Chú Tư sắp được ra viện, buổi chiều bác Bảy chơi sang tự cho mình nghỉ việc, chở vợ vào viện. Ra thì ra vậy chớ cũng phải nằm đó ít ngày nữa. Về nhà dù sao cũng hơn, có bà con chòm xóm qua lại, nhất là đỡ tốn hơn nhiều.

Thím Tư nói đi thanh toán viện phí, bác Bảy lặng lẽ đi theo. Ra hành lang, bác Bảy lôi hết tiền chẵn lẻ trong túi mình ra, khi nãy ở nhà, bác Bảy gái lật đật nhét vào một mớ, nào ai biết ít nhiều. Lượm được cái mạng về, đâu rẻ. Nếu cần, bác sẽ bán cái xe máy, bác Bảy gái còn một chỉ vàng, bả nói để dành cưới dâu...

Bác Bảy dúi hết vào tay thím Tư:

- Thím cầm đi.

Thím Tư hi hí bàn tay, nhìn đám tiền nhàu nhĩ:

- Tui không có xin à…

- Tui hiểu mà thím. Chú Tư đỡ cái hạn này giùm, ơn lớn lắm thím à!

Thím Tư đột nhiên im bặt rồi nấc lên một tiếng, hai tay thím vo đám tiền, nghiến rịn. Thím quay lưng, gục mặt vào tường bệnh viện, hai vai rung bần bật:

- Tui biết tui bậy rồi, do ngặt quá... Anh Tư mà biết, ảnh chửi ngập mặt, mai mốt anh Tư khỏe, vợ chồng tui sẽ trả lại bác.

Thím Tư bỏ đi như chạy, bác Bảy nhìn theo hướng thím Tư biến mất, khẽ cười, trong xóm ai cũng nói con vợ Tư xe ôm chao chát, ghê gớm, bắt nạt chồng xơi xơi, nào ai biết thím đi chợ mua hai con cá lưỡi mèo, thím bắt chồng ăn con rưỡi. Mua được mớ cá lòng tong nấu dưa, đúng món tủ của chú Tư, thím lấy cớ tui ăn cơm trước còn bồng con... Chú Tư nằm một chỗ, người khổ nhất là thím. Khi nãy, chắc chịu hết nổi mới bung ra...

Cũng phải bung ra, nín nhịn đè nén mãi sao được. Có chỗ để bung là tốt rồi.

Thảo nào Tư xe ôm lúc nào cũng có vẻ vui tươi như thế, chẳng tham nhiều, chỉ cầu ngày ba bữa no. Ai nói vợ nó đành hanh, nó chỉ cười. Một nách vợ, một nách hai con mà vẫn phởn phơ phơi phới. Nằm chù ụ một đống mà nó vẫn cười cười nói nói, bác biết thằng đó vô tư thế, nhưng chẳng vô tâm.
Con người ta, chỉ cần có lòng với nhau là đủ.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.