.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Khoa học - Công nghệ giữ vai trò nền tảng

Theo tôi, trong Lời nói đầu của Hiến pháp cần bổ sung thêm nội dung để làm rõ vì sao phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ở Điều 2, theo tôi không nên dùng cụm từ “Liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà thay vào đó là “Đại đoàn kết dân tộc”. Vì khi thay thế, sẽ bao gồm hết các tầng lớp và giai cấp.

Ở Điều 4, tôi đề nghị đưa cụm từ “Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” ra sau cụm từ “và của cả dân tộc” và bỏ cụm từ “đồng thời là đội tiên phong của…”. Sau khi sửa, được viết lại đầy đủ là: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Như vậy sẽ tránh sự trùng lặp không cần thiết và sự dài dòng trong câu từ.

Trong Điều 9, nên bổ sung vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội khác như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Đông y, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ở Điều 13, theo tôi nên quy định tỷ lệ cụ thể cho ngôi sao so với chiều dài và chiều rộng của Quốc kỳ; đồng thời nêu rõ tác giả của bài Quốc ca để tăng thêm tính quy ước về kích thước và sự chặt chẽ của Hiến pháp.

Trong Điều 22, đề nghị thay thế cụm từ “thử nghiệm học, thử nghiệm dược học, khoa học” bằng cụm từ “thử nghiệm khoa học”. Bởi vì, thử nghiệm khoa học đã bao gồm tất cả các “thử nghiệm học, thử nghiệm dược học”.

Ở Điều 39, đề nghị thay từ “nam, nữ” bằng từ “công dân” vì thực tiễn hiện nay thì việc kết hôn giữa những người đồng tính đã và đang tồn tại nên cần phải được thể chế hóa trong Hiến pháp và luật; không nên nghiêm cấm và kỳ thị việc kết hôn đồng tính. Nội dung sửa lại là: “Công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.

Trong Điều 50, cần bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” để hoàn chỉnh câu “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (theo quy định của pháp luật)”. Như vậy sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn. Trong Điều 67, tôi kiến nghị bỏ khoản 1, vì nội dung cơ bản trong điều này đã được đề cập trong Điều 65 (sửa đổi, bổ sung Điều 35 và Điều 37).

Theo tôi, trong Hiến pháp cần phải ghi rõ việc nghiêm cấm những hoạt động khoa học - công nghệ với những động cơ hoặc có thể gây nguy cơ chống lại Tổ quốc, chống lại xã hội loài người, gây phương hại đến an ninh xã hội. Cũng trong Điều 67, ở Khoản 1 theo tôi nên bổ sung cụm từ “Khoa học- Công nghệ giữ vai trò nền tảng” thay cho cụm từ: “Khoa học-Công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực phát triển”. Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng nên đề cập đến vai trò của đội ngũ trí thức trong sự phát triển lĩnh vực này.

VŨ THỊ BÍCH HẬU

Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng

VĂN NỞ ghi
 

;
.
.
.
.
.