Có nhiều vấn đề có thể tích hợp trong kiểm soát quyền lực. Vì Nhà nước ta không chủ trương thực thi “tam quyền phân lập”, do đó cần có cơ chế điều chỉnh, giám sát, kiểm soát để tránh chồng chéo dẫn tới sử dụng quyền lực thái quá. Việc kiểm soát quyền lực phải cụ thể hóa làm sao để nhân dân thể hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Cần phải thành lập một cơ quan riêng để thực hiện quyền này của nhân dân và phải độc lập với các nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Điều 6 của Dự thảo Hiến pháp (HP) có ghi: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và những cơ quan khác của Nhà nước“. Ghi như vậy là chưa rõ, chưa cụ thể, nặng về lý luận, chưa rõ cơ chế thực hiện và thực hiện ở những vấn đề gì. Tuy nhiên, Điều 6 cũng đã thể hiện sự tiến bộ hơn các bản HP trước đó chưa quy định nội dung này. Nhìn rộng ra, HP của các nước khác ghi rất cụ thể, ví dụ như HP Liên bang Nga (khoản 3, Điều 3) ghi hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất là trưng cầu dân ý. Cần nhớ là HP 1946 có ghi nhận hình thức dân chủ trực tiếp rất rõ và mạnh mẽ thông qua các Điều 21, 32 và 70 về quyền phúc quyết, các vấn đề phải đưa ra nhân dân phúc quyết. HP phải được nhân dân phúc quyết. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước nên chưa có điều kiện thực hiện quyền này. Nêu ra thì dễ đồng tình nhưng khi thực thi lại không dễ... Liên quan đến vấn đề này còn một kênh để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 9 của Dự thảo.
MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, chính trị-xã hội; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...: “Vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”. Trên thực tế, từ nhiều năm nay chức năng này không được thể chế hóa, không có các quy định cụ thể, giao quyền cụ thể nên không làm được. Cơ chế giám sát và phản biện cần ghi rõ và có luật về giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam trong HP; qua đó để thực thi quyền lực của nhân dân trong mục tiêu giám sát quyền lực để các hoạt động diễn ra đúng HP và pháp luật.
PGS, TS NGUYỄN NGỌC MINH
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân
SƠN TRUNG ghi