’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Không tạo môi trường để công chức tiêu cực

08:02, 20/03/2014 (GMT+7)

Trước khi bước vào bộ phận “một cửa” của phường Xuân Hà, quận Thanh Khê để làm thủ tục hành chính, người dân nào cũng thấy bảng điện tử rất lớn liên tục hiển thị nội dung “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức) của Chỉ thị 29-CT/TU.

“Người dân cần được biết để giám sát cán bộ, công chức thực hiện đúng tinh thần chỉ thị này”, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Hà nói về việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Trong năm 2013, qua thông tin tố cáo của người dân, Đảng ủy, UBND phường đã làm rõ hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một cán bộ địa chính khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Cán bộ này sau đó đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và bị điều chuyển công tác khác. Đảng ủy, UBND phường đã rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức khi triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU. Nội dung “5 xây”, “3 chống” được cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể trong thực thi công vụ với các mức đánh giá: tốt, khá, trung bình, yếu. Mặt khác, lãnh đạo UBND phường thay đổi cung cách quản lý, điều hành trong lĩnh vực cải cách hành chính. Theo đó, hồ sơ hành chính tiếp nhận đầu vào trước tiên phải được trình để lãnh đạo UBND phường phân công công chức giải quyết. Nếu hồ sơ đầu vào không qua lãnh đạo thì đến đầu ra sẽ không được lãnh đạo ký xác nhận và hồ sơ phải được quản lý bằng phần mềm trực tuyến của thành phố. “Với biện pháp này thì không thể xảy ra chuyện hồ sơ hành chính nhận theo “kênh riêng” không qua “một cửa” để hứa hẹn giải quyết và tiêu cực”, ông Tùng khẳng định.

Theo quy định của UBND phường, công chức chuyên môn không được trực tiếp tiếp xúc với nhân dân để giải quyết thủ tục hành chính và thu lệ phí giải quyết thủ tục hành chính. Công chức chuyên môn chỉ nhận hồ sơ từ công chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính và ghi mức thu phí (theo quy định) vào phiếu đề nghị thu lệ phí. Theo ông Tùng, cách làm này tạo thêm công đoạn trung gian trong quy trình nội bộ của bộ phận “một cửa” nhưng bảo đảm không tạo môi trường cho công chức có thể tiêu cực. Ông cho biết, đã từng xảy ra việc công chức thu lệ phí giải quyết thủ tục hành chính nhưng không viết biên lai thu tiền và không nộp tiền này vào ngân sách. Bên cạnh đó, phường còn triển khai nhiều hình thức giám sát hoạt động của cán bộ, công chức như lắp camera để lãnh đạo UBND phường giám sát hoạt động của bộ phận “một cửa”, công bố số điện thoại của lãnh đạo UBND phường và UBND quận để tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị của người dân.

Từ năm 2013, Đảng ủy, UBND phường và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp triển khai giám sát cán bộ, công chức, đảng viên theo Quy chế MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Nội dung tập trung giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên trong lĩnh vực quản lý đất đai, thu chi các loại quỹ, lệ phí, cấp các loại giấy phép, chứng thực xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ, sử dụng tài sản, ngân sách và các khoản đóng góp của nhân dân; gương mẫu trong việc thực hiện quy ước ở khu dân cư và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; thực hiện quy chế dân chủ...

Ông Tùng cho biết, với các kênh giám sát này cùng với triển khai thực hiện “5 xây”, “3 chống” sẽ giúp lãnh đạo phường nâng cao chất lượng dịch vụ công, quản lý có hiệu quả hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên, phòng ngừa tiêu cực và kịp thời xử lý những hành vi nhũng nhiễu người dân.

ĐOÀN SƠN

.