.

Trách nhiệm, tình thương

Thiếu trách nhiệm trong ngành y sẽ phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân, danh tiếng của bệnh viện, tinh thần cao đẹp của nghề nghiệp và lời thề Hippocrates thiêng liêng của bản thân bác sĩ.

Thực trạng nhiều trẻ em vô tội phải chết do y tá bất cẩn tiêm nhầm vaccine, bác sĩ thẩm mỹ thủ tiêu xác nạn nhân, bác sĩ hồi sức cấp cứu bỏ mặc bệnh nhân… đã khiến xã hội đi từ bất bình đến lo sợ mỗi khi đến bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng đơn vị cột sống, Khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y học cổ truyền (BVYHCT) Đà Nẵng cho rằng, đây là hậu quả của một số ít các bác sĩ vô cảm, thờ ơ với người bệnh. Nếu họ yêu thương người bệnh như người thân trong gia đình thì thực tế đau lòng này sẽ không bao giờ xảy ra.

Bác sĩ Chuyên khoa I, Phó Giám đốc BVYHCT Đà Nẵng Phạm Phước Tâm cho biết, y đức không phải là điều gì đó xa xôi, to tát. Nó đơn giản là trách nhiệm đối với bệnh nhân mà cuộc vận động “5 xây”, “3 chống” đã chỉ ra. Nó là giọt mồ hôi và nụ cười của cô điều dưỡng khi kiên nhẫn dìu bệnh nhân đã 50 tuổi tập đi sau tai biến; là lời động viên, khuyên nhủ của lương y khi bệnh nhân từ chối bát thuốc đắng vừa sắc; là cái nắm tay thăm hỏi tận tình của bác sĩ dành cho bệnh nhân…

“Tài năng, kiến thức là quan trọng, tuy nhiên những yếu tố này lại không giúp bác sĩ bồi đắp được y đức, trách nhiệm. Chỉ có tình thương, xem bệnh nhân như người nhà mới giúp bác sĩ xây dựng được trách nhiệm với bệnh nhân và công việc”, bác sĩ Phạm Phước Tâm khẳng định. Thương yêu bệnh nhân như người nhà sẽ giúp bác sĩ nhận ra sự thay đổi dù nhỏ nhất đối với sức khỏe người bệnh; từ đó hình thành nên trách nhiệm đối với bệnh nhân và công việc. Với đội ngũ y, bác sĩ tại đây, tình thương là cách gọi khác của y đức, trách nhiệm họ dành cho bệnh nhân.  

Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm đối với bệnh nhân, cuộc vận động “5 xây”, “3 chống” đã được phổ biến, nghiên cứu sâu rộng tại BVYHCT Đà Nẵng. Theo đó, mỗi bác sĩ, lương y, điều dưỡng liên hệ công việc cụ thể của bản thân và đề ra phương hướng phấn đấu, làm theo sao cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng lĩnh vực, chuyên môn. Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện tăng cường tiếp nhận và kịp thời xử lý ý kiến phản ánh của người bệnh về chất lượng khám, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, hộp thư góp ý...; tránh tình trạng tồn đọng kéo dài.

Bà Đào Thị My (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhập viện trong tình trạng đau thần kinh tọa đến mức không thể đi được. Bà cho biết: “Vô cùng mệt mỏi khi đã 60 tuổi nhưng bây giờ lại phải run rẩy tập đi. Mỗi bước chân phải chịu sự đau buốt đến tận óc. Không biết bao lần, vì quá đau đớn mà tôi cáu giận vô cớ với các bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Tuổi già, nóng giận, đau mỏi… tất cả chỉ khiến tôi muốn buông xuôi, chấp nhận nằm liệt tại giường nếu không có sự thuyết phục, khuyên nhủ và tận tâm của các y, bác sĩ tại đây. Nhờ đó, sau 3 tháng nhập viện, tôi đã có thể tự đi quãng đường ngắn, tinh thần cũng vui vẻ, phấn chấn hơn trước”.

Chia sẻ về công việc mình đang làm, về vấn đề y đức, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Đại Vy thuộc Khoa Châm cứu dưỡng sinh cho biết, nghề y đồng nghĩa với nắm trong tay cơ hội để cứu người, giúp đời; chọn lựa nghề y đồng nghĩa với mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của lòng nhân ái chứ không phải là phương tiện thương mại. “Làm tròn trách nhiệm với bệnh nhân, bồi đắp y đức qua từng ngày, giúp lan tỏa tinh thần cao đẹp của nghề nghiệp mới xứng đáng với lời thề Hippocrates”, bác sĩ My nhìn nhận.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.