.

Lãnh đạo phải làm gương

Năm 2015, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) xác định lĩnh vực phức tạp, dễ xảy ra tiêu cực để đăng ký thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU là đền bù giải tỏa. "Chúng tôi coi lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực cũng là môi trường thử thách tính trung thực, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Trước hết lãnh đạo phải đi đầu trong việc làm gương cho cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung cho biết.

Giải tỏa, đền bù là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm phường đăng ký thực hiện trong năm 2015. Đây cũng là nhiệm vụ chiếm đến 1/2 thời gian hoạt động của UBND phường. Phường Hòa Hải có hơn 60 dự án phát triển hạ tầng đô thị, khu tái định cư đã và đang triển khai.

Năm 2015, phường tập trung công tác đền bù giải tỏa cho các dự án trọng điểm là Khu đô thị FPT và các khu tái định cư làng nghề Ngũ Hành Sơn, Đông Hải, Phú Mỹ An, khu biệt thự sinh thái đồng quê sông Cổ Cò, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn.

Xác nhận nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng đất là một trong những thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi của người dân trong diện giải tỏa. Thời điểm sử dụng đất trước hoặc sau ngày 1-7-2004 tương ứng với các mức đền bù khác nhau. Đây cũng là việc dễ nảy sinh tiêu cực nếu có sự thỏa thuận “ngầm” giữa hộ dân với cán bộ.

Biện pháp ngăn ngừa của UBND phường là công khai hết các trường hợp dự kiến sẽ xác nhận cho người dân giám sát, đặc biệt là những hộ dân không có giấy tờ, văn bản hợp pháp nào chứng minh quyền sử dụng đất của mình.

Phó Chủ tịch UBND phường Huỳnh Quang Trung cho hay: Rất nhiều trường hợp người dân gốc địa phương sinh sống nhiều đời ở đây nhưng không mấy quan tâm đến việc làm “sổ đỏ” chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, chỉ đến khi giải tỏa mới hay. Để đảm bảo quyền lợi người dân không bị thiệt thòi những trường hợp này, UBND phường tổ chức họp lấy ý kiến của những người dân xung quanh và cán bộ ở khu dân cư.

Khi người dân đã đồng thuận thời điểm sử dụng đất của các hộ dân này thì biên bản họp dân được niêm yết công khai tại UBND phường trong 15 ngày. Nếu không có ý kiến người dân nào khiếu nại, lãnh đạo UBND phường mới ký xác nhận. Biện pháp này tạo điều kiện cho người dân giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời phòng ngừa việc cán bộ địa chính tham mưu lãnh đạo UBND phường ký xác nhận gây ra sự thiếu công bằng, công tâm, khách quan trong thực hiện chính sách đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư.

Anh Huỳnh Đăng Tài, một kỹ sư trẻ về phường làm công tác Địa chính-Xây dựng được 4 năm cho hay: Quá trình thực thi công vụ cũng có những cám dỗ. Đó là những trường hợp người ở ngoài địa phương đến mua đất không đúng theo quy định của pháp luật (về chuyển nhượng quyền sử dụng đất) nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi đã gợi ý nhờ vả và hứa sẽ có “quà cảm ơn”.

Những trường hợp này đều bị từ chối. “Không bao giờ tôi vì những món lợi nhỏ ấy mà ảnh hưởng đến uy tín và sự nghiệp của mình”, anh Tài nói. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Huỳnh Quang Trung, lãnh đạo UBND phường phải gương mẫu, nghiêm túc giữ gìn kỷ luật công vụ, duy trì kỷ cương hành chính mới có tác dụng động viên cán bộ, công chức cấp dưới thực hiện tốt Chỉ thị 29-CT/TU.

Là thành viên của Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND phường có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện di dời giao mặt bằng. Các thành viên của UBND phường phối hợp với cán bộ Mặt trận, đoàn thể và cơ quan, ban, ngành của thành phố thường xuyên đến tận khu dân cư tuyên truyền vận động nhân dân thông chủ trương của thành phố và thực hiện giao mặt bằng.

Trong quá trình vận động cán bộ UBND phường tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng hộ để đề xuất cơ quan chức năng của thành phố áp dụng mức hỗ trợ hợp lý. Kết quả là trong 8 tháng đầu năm 2015 đã có 361 hộ dân tự nguyện tháo dỡ nhà cửa giao mặt bằng để dự án triển khai đúng thời hạn, không có trường hợp phải cưỡng chế giao mặt bằng.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.