Chính trị
Khúc tráng ca từ cổ đình
Không phải đình làng nào cũng may mắn giữ nguyên vẹn hình hài qua hai cuộc kháng chiến như Bồ Bản, Túy Loan… Thời gian và chiến tranh đã khiến nhiều cổ đình chỉ còn là dấu vết trên mảnh đất làng. Sân đình ấy dãi dầu mưa nắng, đã viết vào trang biên niên của làng quê một khúc trang ca đầy vọng cảm.
Dân làng nhiều thế hệ góp những chuyện cũ để viết sử làng Cẩm Nê. Ảnh: N.H |
1. Từ sân đình Bồ Bản nhìn ra, mùa thu đi qua thật dịu dàng trên cánh đồng chín vàng óng ả. Ông Tán Kim, người thủ từ của đình làng, từ tốn tra chìa khóa mở cánh cửa gỗ gian chánh điện mời khách vào dâng hương. Tiếng cót két của chiếc bản lề cửa làm rạn vỡ không gian tĩnh lặng chung quanh.
Dù không thuộc thế hệ người “muôn năm cũ” nhưng được sinh ra và gắn bó cả đời trên mảnh đất Bồ Bản, rồi 40 năm làm công tác văn hóa ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cũng đủ cho ông Tán Kim thuộc làu lịch sử làng mình. “Đình làng xưa nay đối với người dân nông thôn không chỉ là nơi neo đậu lòng người mà còn là nơi lưu giữ hồn xưa cốt cũ”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông kéo chúng tôi về phía bia đá đọc những dòng chữ khắc nổi có nội dung “Đình Bồ Bản không chỉ là một thiết chế văn hóa, một công trình kiến trúc - tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương như thành lập Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bồ Bản, nơi lập phòng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi ra đời lớp bình dân học vụ đầu tiên của địa phương...”.
Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế đá dưới tán cây đa cổ thụ nghe thời gian nghiêng ghiêng phủ rêu trên mái đình cổ mà bồi hồi nhớ lại cuộc gặp hiếm có cách đây 5 năm với cụ Trần Thị Thống, một trong những cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương). Nói là hiếm vì giờ đây cụ đã về cùng các đồng đội cũ ở miền miên viễn sau hơn một thế kỷ sống với một hồi ức tươi rói về những ngày đầu cướp chính quyền năm 1945, những cuộc đấu tranh, biểu tình của đồng bào Hòa Khương mà bao giờ đình Hương Lam quê cụ cũng là nơi khởi đầu.
2. Sau cuộc điện thoại vội vã, chúng tôi phóng xe về Cẩm Nê trong mùi nắng khê nồng giữa trưa cuối tháng 8. Từ tỉnh lộ 605 - Phong Lệ nhìn lên, làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) hiện ra như một chiếc chiếu hoa trải từ đông sang tây. Vừa mới gặp, trưởng làng Ngô Văn Mua hồ hởi khoe rằng: “Đình làng Cẩm Nê vừa đón nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Cờ xí còn treo tưng bừng đây nì...!”. Ngôi đình tuy vừa được tôn tạo trên mảnh đất xưa tinh tươm mùi vôi mới nhưng vẫn lưu giữ trong lòng những hồi ức rạng rỡ nhất.
Từng nghe kể đình Cẩm Nê không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng mà còn là “địa chỉ đỏ” cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Nên lần này về Cẩm Nê, chúng tôi cố tìm gặp những cán bộ tiền khởi nghĩa để được ghi lại những câu chuyện hào hùng kẻo mai này không còn cơ hội thì chẳng phải mai một hay sao?
Con đường nhỏ dẫn vào nhà cụ Ngô Thanh (sinh năm 1926) phủ đầy bóng tre mát rượi. Thoáng thấy có khách lạ đầu ngõ, cụ Thanh mặc nguyên chiếc áo thụng vội vàng ra dấu cho đứa cháu ngoại mời khách vào nhà vì mình đang dở cúng Rằm tháng 7. Dường như thời gian không làm khó được người lính già, câu chuyện cụ kể cứ vanh vách như mới hôm qua: “Gần tới ngày Tổng khởi nghĩa, cả làng túc trực tại sân đình. Mỗi người đều trang bị một cây gậy nhọn và cuộn dây thừng. Làng vận động ông Bát Lung và một số người đi lính Pháp bỏ về tập quân sự cho thanh niên, phụ nữ, nông dân, lão thành. Tui nhớ hồi nớ tui 17 tuổi, được xếp vô đội thanh niên. Ban đêm sân đình đuốc thắp sáng choang, tiếng hô một, hai, trái, phải rền vang… Khí thế lắm!”.
Nói rồi cụ khẽ nhấp chén nước chè xanh, lấy hơi kể tiếp câu chuyện làng đang dang dở. “Hồi nớ cả làng rộn ràng như ngày hội. Trong lúc nam phụ lão ấu đều hăng hái luyện tập chờ ngày xuống đường thì mấy đứa thiếu nhi có nhiệm vụ dùng vôi, than, bôi vẽ hết mấy cổng ngõ. Bôi ngõ nói lái thành bỏ ngôi đó, ý đả kích chế độ phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân…”.
Đem những lời cụ Thanh kể ghép với mạch chuyện đã từng nghe của cụ bà Trần Thị Thống ở Phú Sơn 2 vào mà hình dung, vào lúc 5 giờ sáng 16-8-1945, đoàn người như triều dâng thác đổ, cờ đỏ rợp trời, bừng bừng khí thế, từ 16 xã trong tổng, nai nịt gọn gàng, khí giới cầm tay, rầm rập kéo về tập trung tại sân vận động An Phước. Sau khi nghe đại biểu Mặt trận Việt Minh, thay mặt Ban khởi nghĩa huyện Hòa Vang đọc lệnh khởi nghĩa, cả sân vận động ầm vang như sấm, hàng nghìn cánh tay nhất loạt giơ cao, đồng thanh hô vang: “Việt Minh muôn năm!”, “Ðả đảo phát-xít Nhật!”, “Chính quyền về tay nhân dân!”. Sau đó, đoàn người chia làm hai hướng đi cướp chính quyền trên toàn tổng.
Trong ký ức của cụ Ngô Thanh (bên trái), chuyện cả làng hưởng ứng Tổng khởi nghĩa năm xưa như mới diễn ra ngày hôm qua. Ảnh: N.H |
3. Ngày trước, đình không chỉ là nơi cúng tế, hội họp, phân xử việc dân mà còn là trung tâm văn hóa của làng. Những đêm hội xuân, lúng liếng câu hát nhân ngãi gắn kết bao trai gái nên vợ chồng. Sau này, không gian ấy mở rộng ra thành nơi đóng trụ sở tạm thời của các cơ quan huyện, xã trong hai cuộc kháng chiến, cũng là nơi xử cường hào ác bá và giam giữ lính Nhật, Pháp.
Ở những thời điểm khốc liệt, giặc đã biến sân đình thành pháp trường bêu đầu các bậc hào kiệt để thị uy dân chúng. Ngước nhìn hàng tre xõa mái tóc xanh bên mái đình Bồ Bản, giọng ông Trần Tước, trưởng ban Tế lễ đình Bồ Bản, trĩu nặng những tiếc thương: “Cụ cố nhà tui ngày trước là nghĩa quân của phong trào Cần Vương, khi bị Pháp bắt, cụ bị giặc chặt đầu treo trên hàng tre là ngà trước đình mấy ngày đêm để khủng bố tinh thần dân chúng. Máu anh linh đã nhuộm đỏ sân đình...”.
Không phải đình làng nào cũng may mắn giữ nguyên vẹn hình hài qua hai cuộc kháng chiến như Bồ Bản, Túy Loan… Thời gian và chiến tranh đã khiến nhiều cổ đình trên đất Hòa Vang chỉ còn là dấu vết trên mảnh đất làng. Thú thật, trong một lần về Hòa Khương chúng tôi đã không thể hình dung được chỗ mình đang đứng là nơi tọa lạc ngôi đình Hương Lam đình đám một thời. Vết dấu duy nhất giúp tôi có thể chạm vào quá khứ huy hoàng của ngôi đình là vỉa gạch cổ còn sót lại, ẩn sau bức tường mới được phục dựng tạm vào năm 2018. Trong khi đó, đình Cẩm Nê nhiều lần trùng tu, nhưng hình hài ngôi đình mỗi lúc càng xa bản gốc ban đầu.
Về lại chốn xưa, diện kiến nét thời gian dầu dãi trên mái đình Bồ Bản uy nghi, lặng lẽ chạm tay vào hiện hữu tinh hoa chạm trổ cổ xưa từng trụ biểu, thấm đẫm suy tư những viên gạch phế tích ở đình Hương Lam hay vui cùng cây cỏ bên màu vôi mới đình Cẩm Nê..., mà nghe những huyền sử quấn quýt trên từng phiến ngói.
Sân đình ấy dãi dầu mưa nắng, đã viết vào trang biên niên của làng quê Hòa Vang một khúc trang ca đầy vọng cảm.
NHƯ HẠNH