Chính trị

Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân

13:46, 02/11/2023 (GMT+7)

ĐNO - Tại hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng - thực trạng và những vấn đề đặt ra” do Thành ủy tổ chức sáng 2-11, các đại biểu tập trung thảo luận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Đà Nẵng, đề xuất các giải pháp để triển khai, thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Mặt trận các cấp thành phố phối hợp tổ chức 203 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, có 1.513 ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Qua rà soát, theo dõi, giám sát, hầu hết các kiến nghị của cử tri đều được các bộ ngành Trung ương, UBND thành phố chỉ đạo các ngành và địa phương xử lý nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần đưa tiếng nói của người dân, hội viên, đoàn viên đến với Đảng, chính quyền các cấp, từ đó tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, đưa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. 

Để hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng chất lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nêu, Mặt trận các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội và HĐND; tăng cường theo dõi, giám sát và đôn đốc việc các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị trước mỗi hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thông tin trước cho Mặt trận các cấp, nơi có tổ chức hội nghị ít nhất 7 đến 10 ngày để Mặt trận tổ chức cho cử tri các thôn, tổ dân phố gặp gỡ, trao đổi, thảo luận những vấn đề trọng tâm, bàn bạc việc tham gia phát biểu ý kiến; nêu đề xuất, kiến nghị cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết của các cấp; thu thập, tổng hợp những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; lựa chọn, cử đại diện cử tri tham dự hội nghị, tránh trường hợp “đại cử tri”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cần dành thời gian nắm tình hình địa phương nơi mình sẽ đến tiếp xúc để tìm hiểu những vấn đề cử tri quan tâm, coi việc gặp gỡ, tìm hiểu đời sống của cử tri là nghĩa vụ của mình. Qua đó, cử tri cũng thấy được trách nhiệm, từ việc tham gia đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của địa phương, đất nước, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, vừa thực hiện vai trò giám sát hoạt động của các vị đại biểu mà mình đã tín nhiệm.

Hàng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cần có kế hoạch giám sát chuyên đề đối với việc giải quyết những kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng, tránh việc cử tri kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết; cần có quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết các ý kiến, kiến nghị, tránh việc trả lời chung chung, mang tính hứa hẹn.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung cho biết, với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, trong những năm qua, thành phố triển khai hàng loạt chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nên thương hiệu riêng của Đà Nẵng.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng Covid-19, thành phố tiếp tục triển khai và thông qua các nghị quyết, chính sách quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong việc bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều cấp ủy, chính quyền đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu với những hình thức phong phú, góp phần chuyển tải nhiều nội dung về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua các phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân được công khai, minh bạch.

Việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được thực hiện nghiêm túc, trên nhiều lĩnh vực như dự thảo quy hoạch, đề án, chương trình, mục tiêu của thành phố, quận, phường; nhiều chủ trương, chính sách được đưa ra lấy ý kiến đầy đủ của nhân dân trên tinh thần được bàn bạc, thảo luận, góp ý kiến theo đúng tinh thần của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong thời gian đến, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục tham mưu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đồng thời, thực hiện đề án Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030 gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

NGỌC PHÚ

 


 

.