Chính trị

Đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng

17:22, 08/12/2023 (GMT+7)

ĐNO - Thành phố cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trong đó tập trung vào 3 đối tượng: đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp và sinh viên đang đào tạo.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để đánh giá tình hình công tác năm 2023, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và cho ý kiến một số nội dung theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng 8-12.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

3 nhân tố quan trọng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

Theo ông Thanh, với việc định vị Đà Nẵng tham gia phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn có thể với lộ trình ba giai đoạn.

Giai đoạn ngắn hạn từ nay đến năm 2030 tập trung vào hoạt động thiết kế, đóng gói, kiểm thử. Giai đoạn trung hạn từ năm 2030 đến năm 2045, thực hiện các công đoạn sản xuất. Giai đoạn dài hạn sau năm 2045 là làm chủ một số công nghệ lõi...

Định hướng và các vấn đề tập trung trong ngắn hạn phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thành phố được xác định vào 3 nhân tố quan trọng.

Về vấn đề nhân lực, theo ông Thanh, Đà Nẵng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử.

Vì vậy, cần xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới. Trong đó tập trung cho 3 nhóm nhân lực: đào tạo ngắn hạn đội ngũ giảng viên thông qua hỗ trợ của các hãng để hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng; đào tạo các kỹ sư đã và vừa mới ra trường nắm sử dụng các công cụ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng (Synopsys, Candence, Mentor Graphic…); thu hút chuyên gia có kinh nghiệm, đã thành công, đặc biệt là Việt kiều về thành phố để làm việc, chuyển giao tri thức.

Vấn đề về bổ sung chính sách, cơ chế, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đào tạo nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trong đó quy định về tỷ lệ phân bổ tối thiểu 3 - 5% từ tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm để thực hiện hoạt động đào tạo cho vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Bên cạnh đó, đề xuất với Trung ương xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI.

Đồng thời, rà soát, có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia trong lĩnh vực này; đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm vi mạch bán dẫn, AI được thiết kế, sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam. 

Về công nghệ, trong ngắn hạn, ưu tiên tập trung vào phân khúc: công nghệ phổ thông; vi mạch bán dẫn chuyên dụng trong các lĩnh vực như viễn thông, xe điện, điện toán biên, năng lượng, IoT... Đồng thời, triển khai ý tưởng “Quick win”, ban đầu dựa vào các chip đơn giản cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước. 

Thành lập đơn vị nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, để triển khai định hướng nêu trên, thành phố cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trong đó tập trung vào 3 đối tượng đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên đang đào tạo… thông qua cơ chế cho vay từ các quỹ nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng với đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời triển khai, xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu khu công viên phần mềm số 2 để vận hành hạ tầng phục vụ đào tạo và thiết kế chip bán dẫn và vi mạch.

Đặc biệt là thành lập thành lập đơn vị nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng. Vấn đề này, ông Thành đề xuất 3 phương án.

Phương án 1 là thành lập mới Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Phương án 2, tích hợp, bổ sung chức năng nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, đào tạo và thiết kế vi mạch cho Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Phương án 3 là thành lập mới công ty nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng, theo mô hình hợp tác liên kết, góp vốn kinh doanh.

NGỌC PHÚ


 

.