Chính trị

Đối ngoại góp phần nâng cao vị thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố

08:54, 02/05/2024 (GMT+7)

Công tác đối ngoại của thành phố năm qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, sôi nổi, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại của đất nước, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của thành phố.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng (giữa) và Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thúy Anh (thứ 2, bên trái sang) trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho bà Cecile Le Pham (thứ 2, bên phải sang) và ông Bảo Hòa (bên trái) vì có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023. Ảnh: T.PHƯƠNG
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng (giữa) và Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thúy Anh (thứ 2, bên trái sang) trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho bà Cecile Le Pham (thứ 2, bên phải sang) và ông Bảo Hòa (bên trái) vì có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023. Ảnh: T.PHƯƠNG

Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế

Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình cho hay, năm 2023, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của thành phố Đà Nẵng được triển khai đồng bộ, toàn diện. Đến nay, thành phố đón hơn 500 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Qua đó, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh của thành phố trong nước và quốc tế. Hiện, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành đề án Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Điều này thể hiện rõ tính quốc tế hóa, năng động của thành phố trong hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu là thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để chào đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đầu tư vào thành phố, xem đây là động lực mới, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2024 với chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Đà Nẵng còn ưu tiên thu hút các lĩnh vực công nghiệp logistics, cảng biển, trung tâm tài chính, công nghệ tài chính (fintech), dịch vụ chất lượng cao như giáo dục, y tế, du lịch.

Tháng 3-2024, chuyến công tác tại Hoa Kỳ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố dẫn đầu đã làm việc với nhiều tổ chức, công ty, tập đoàn lớn như Ngân hàng Thế giới, Intel, Synopsys, chính quyền bang Oregon, Ampere, Đại học bang Arizona State để trao đổi, đề xuất về các chương trình đào tạo nhân lực; giới thiệu môi trường, cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, tại sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang 2024”, Đà Nẵng đã ký kết nhiều thỏa thuận với các cơ quan quốc tế, doanh nghiệp của Hoa Kỳ như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel.

Theo Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier, Đà Nẵng là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn đối với EU. Các nước thành viên EU đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng để mở rộng thị trường đầu tư của mình. Không chỉ có các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ, các nước thành viên EU quan tâm, đầu tư về lĩnh vực này mà Tập đoàn Rorze Corporation - một tập đoàn lớn của Nhật Bản chuyên về lĩnh vực công nghệ bán dẫn dự định mở rộng, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns đánh giá cao Đà Nẵng trong việc nắm bắt cơ hội phát triển ngành vi mạch bán dẫn ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như sau các chuyến thăm của lãnh đạo thành phố đến Hoa Kỳ năm 2023.

Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp này, Đà Nẵng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm số 2 để phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) là minh chứng cho thấy thành phố có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn từ sớm. Hiện nay có 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố đang được đào tạo ngắn hạn theo chương trình của tập đoàn Synopsys.

Năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng năm 2023. Đà Nẵng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế như đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, giải Golf châu Á, Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, góp phần quảng bá hình ảnh, con người, môi trường du lịch thành phố đến khách quốc tế. Nhờ đó, lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng đạt hơn 2 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với năm 2022; khách trong nước đạt hơn 5,4 triệu lượt, tăng 69% so với năm 2022.

Năm qua, thành phố thu hút 181 triệu USD vốn đầu tư FDI.  Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.015 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD chủ yếu là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vận động nguồn lực cho công tác an sinh xã hội

Sở  Ngoại vụ thành phố không chỉ làm tốt việc quảng bá hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, mến khách, đáng sống đến bè bạn quốc tế mà còn góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho công tác an sinh xã hội của thành phố. Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thúy Anh thông tin, năm 2023, Đà Nẵng vận động, tiếp nhận 44 khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng kinh phí cam kết hơn 8,9 triệu USD và đã giải ngân gần 2 triệu USD. Trong đó, Sở Ngoại vụ vận động 13 khoản viện trợ với tổng kinh phí cam kết hơn 3,9 triệu USD, tăng 7 khoản viện trợ; 1,6 triệu USD so với năm 2022. Nổi bật như chương trình Vùng đô thị quận Sơn Trà do tổ chức World Vision International (Hoa Kỳ) tài trợ với kinh phí hơn 2,8 triệu USD; dự án hỗ trợ nam sinh viên mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang học tập tại Đà Nẵng do tổ chức Giving It Back To Kids (Hoa Kỳ) tài trợ với kinh phí hơn 460.000 USD. “Sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức NGO là một trong những nguồn lực to lớn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Vừa qua, tại hội nghị chia sẻ thông tin về công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2023 do Sở Ngoại vụ thành phố tổ chức, Phó trưởng ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đỗ Thị Kim Dung đánh giá Đà Nẵng là địa phương làm rất tốt công tác phi chính phủ nước ngoài, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của những đối tượng yếu thế. Đồng thời khẳng định, công tác phi chính phủ nước ngoài  là một phần của công tác đối ngoại nhân dân, đây là một trong 3 trụ cột của đối ngoại.

Song song việc tranh thủ vận động nguồn viện trợ từ các tổ chức NGO, Sở Ngoại vụ còn kết nối, vận động một số kiều bào tham gia các hoạt động nhân đạo, viện trợ các chương trình, dự án về y tế, giáo dục, giúp đỡ trẻ em khó khăn. Điển hình như bà Cecile Le Pham (kiều bào Pháp) hằng năm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc  trẻ mồ côi tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; tài trợ quà Tết cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng ban hành nhiều đề án, chính sách liên quan đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Bởi giải quyết việc làm là vấn đề then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Thành phố kết nối với địa phương các nước để hợp tác xuất khẩu lao động.

Năm 2017 là năm đầu tiên UBND huyện Hòa Vang ký kết hợp tác với huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) về hợp tác trao đổi lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Thúc Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tuyển chọn và đưa gần 1.500 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Hầu hết người lao động phấn khởi, học tập được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có thu nhập khá cao, bình quân mỗi lao động thu nhập hơn  80 - 200 triệu đồng sau mỗi đợt làm việc 3 đến 5 tháng.

Tổng thu nhập người lao động mang về trên địa bàn huyện trên 117 tỷ đồng. Có thể nói rằng, chương trình hợp tác này chính là điểm sáng trong công tác an sinh xã hội của huyện, góp phần giải quyết việc làm, giúp người lao động thoát nghèo bền vững, đặc biệt là đối với những lao động nông nghiệp nằm trong vùng dự án, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng.

THANH PHƯƠNG

.