Chính trị

95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7)

Bài 3: Đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

11:34, 26/07/2024 (GMT+7)

ĐNO - Cùng với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, các cấp Công đoàn luôn chủ động phát huy vai trò đại diện bảo về quyền lợi hợp pháp của người lao động. Khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, Công đoàn lên tiếng kịp thời. Trường hợp nảy sinh tranh chấp lao động, Công đoàn chủ động tiến hành khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Hoạt động này làm cho người lao động ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn.

Công đoàn hướng dẫn người lao động Công ty CP Dệt Hòa Khánh (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) ký đơn khởi kiện. Ảnh: X.H
Công đoàn hướng dẫn người lao động Công ty CP Dệt Hòa Khánh (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) ký đơn khởi kiện. Ảnh: X.H

Vào cuộc bảo vệ quyền lợi người lao động

Tháng 4-2024, công nhân, người lao động Công ty CP Dệt Hòa Khánh (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) rất vui mừng khi doanh nghiệp thanh toán 1,395 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội. Động thái này giúp khôi phục chế độ, chính sách và quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của công ty. Để có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc từ sớm của các cấp Công đoàn thành phố.

Từ tháng 6-2023, tình hình tài chính của công ty trên bắt đầu gặp nhiều khó khăn nên  không đủ kinh phí để thanh toán tiền lương và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Đến tháng 1-2024, công ty chậm trả lương tháng 9, 10, 11, 12-2023 và tháng 1-2024; nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 12-2022.

Mặc dù vẫn có đơn hàng, vẫn hoạt động sản xuất nhưng nhiều tháng liền không nhận được lương, khiến người lao động rất bức xúc. Người lao động sau đó đã có đơn kiến nghị gửi Công đoàn cấp trên để mong được giải quyết vụ việc.

Sau khi tiếp nhận đơn, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nhiều lần làm việc với chủ doanh nghiệp, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời hứa. Ngày 24-1-2024, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức đối thoại với công ty.

Tại đây, công ty tiếp tục đưa ra cam kết lộ trình trả lương và bảo hiểm xã hội, nhưng hết thời hạn vẫn không thực hiện. Đầu tháng 2-2024, người lao động công ty tiếp tục gửi đơn đến Liên đoàn Lao động thành phố nhờ hỗ trợ vì công ty nợ 4 tháng lương và bảo hiểm xã hội trong khi Tết Giáp Thìn 2024 cận kề, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Ngày 2-2-2024, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức buổi đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, có sự tham gia của đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công đoàn công ty và người lao động.

Sau buổi đối thoại đó, công ty thanh toán 2 tháng tiền lương (tháng 9, 10-2023), số lương còn lại và bảo hiểm xã hội được cam kết sẽ thanh toán sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ sau Tết, công ty chưa thực hiện đúng các cam kết về thanh toán tiền lương và các chế độ bảo hiểm. Quá bức xúc vì nhiều lần không thực hiện cam kết, người lao động đề nghị Công đoàn đại diện khởi kiện công ty để đòi lương, bảo hiểm và trợ cấp thôi việc.

Ngày 12-4-2024, 88 người lao động ký đơn khởi kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh về vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội. Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện nhiều động thái quyết liệt nhằm tiến hành khởi kiện doanh nghiệp.

Trước sự can thiệp kịp thời của Công đoàn, ngày 17-4-2024, công ty thanh toán 1,395 tỷ đồng cho Bảo hiểm xã hội thành phố, còn nợ tiền lương và trợ cấp thôi việc. Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ người lao động hoàn thành các thủ tục khởi kiện đòi quyền lợi.

Bà D. (công nhân công ty) chia sẻ: “Nhận được tin công ty thanh toán bảo hiểm xã hội, tôi và cả nhà rất mừng, sau bao nhiêu ngày mong chờ, tôi như có thêm hy vọng. Chúng tôi cảm ơn Công đoàn và các cơ quan chức năng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người lao động đòi lại được khoản tiền toàn bảo hiểm xã hội, để chúng tôi yên tâm, tiếp tục với công việc mới. Không có Công đoàn chúng tôi không biết phải làm thế nào”.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vào cuộc hỗ trợ người lao động.

Nhờ đó, bước đầu công ty đã thanh toán các khoản nợ bảo hiểm xã hội, giúp người lao động khôi phục chế độ, chính sách và quyền lợi về lương hưu, hỗ trợ thất nghiệp, chốt sổ bảo hiểm để đến nơi làm việc mới... Hiện nay, vụ việc đang được các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục pháp lý, Công đoàn các cấp tiếp tục đại diện, tham gia xét xử để đòi tiền lương và trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Nhiều điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể của Công ty TNHH Du lịch Thương mại Phú An Thịnh có lợi cho người lao động. Ảnh: X.H
Nhiều điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể của Công ty TNHH Du lịch Thương mại Phú An Thịnh có lợi cho người lao động. Ảnh: X.H

Nơi người lao động gửi gắm niềm tin

Các cấp công đoàn thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Công đoàn cơ sở đề xuất thương lượng, ký mới 12 bản thỏa ước lao động tập thể, có 46 Công đoàn cơ sở đề xuất, thương lượng nâng bữa ăn ca lên bằng và cao hơn 20.000 đồng.

Với tâm niệm người lao động luôn là vốn quý của doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Du lịch Thương mại Phú An Thịnh (quận Ngũ Hành Sơn) tạo mọi điều kiện để người lao động được phát huy hiệu quả công việc. Theo bà Lê Thị Thanh Nhi, Chủ tịch Công đoàn công ty, hiện nay công ty có gần 300 người lao động được bảo đảm việc làm thường xuyên.

Công ty có chính sách khen thưởng, khích lệ đối với người lao động làm tốt công việc, tăng lương bình quân hằng năm 5%-12%, thu nhập trung bình hơn 11,5 triệu đồng/người/tháng. Bữa ăn ca được bảo đảm dinh dưỡng với mức chi phí 45.000 đồng/người. Bên cạnh đó, người lao động còn được doanh nghiệp tạo điều kiện tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức các sân chơi, giao lưu.

Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê) với nhiều chính sách ưu tiên cho lao động nữ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng phần lớn công nhân. Ảnh: X.H
Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê) với nhiều chính sách ưu tiên cho lao động nữ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng phần lớn công nhân. Ảnh: X.H

Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê) với đặc thù hơn 80% là lao động nữ nên có những chính sách ưu tiên hơn để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nữ công nhân. Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Thị Hải Châu cho biết: “Là doanh nghiệp may nên công ty quan tâm, lắng nghe nhu cầu của lao động nữ, tạo điều kiện về thời gian làm việc cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; định kỳ khám cho người lao động mang thai, có phụ cấp cho người đang nuôi con nhỏ, hỗ trợ kịp thời với những trường hợp khó khăn đột xuất. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên lấy ý kiến các món ăn, thay đổi những món ăn người lao động không thích, thay đổi trang bị bảo hộ lao động khi không phù hợp”.

Theo ông Lê Văn Đại, chất lượng các bản thỏa ước lao động ngày càng được nâng lên với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật. Các điều khoản tập trung vào những cam kết thiết thực như: chất lượng, giá trị ăn giữa ca; hỗ trợ về nhà ở, thưởng năng suất lao động, thời gian nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, chính sách đối với lao động nữ.

Trong 6 tháng đầu năm, 100% đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và thành lập ban thanh tra nhân dân, 68% doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tổ chức hội nghị người lao động, 851 đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất. Thông qua đối thoại, nhiều ý kiến người lao động đã được lắng nghe, giải quyết.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn cơ sở. Công đoàn thành phố tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thương lượng, đối thoại cho cán bộ công đoàn cơ sở. Qua đó, giúp cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức về Luật Lao động, Luật Công đoàn... phát huy vai trò là người đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, đáp ứng niềm tin, kỳ vọng mà người lao động gửi gắm.

XUÂN HẬU

.