Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"

Cây đa bên bờ sông Hàn

07:48, 12/11/2021 (GMT+7)

Cứ vài năm, Ngô Hưng - bạn chí cốt của tôi sinh sống phương xa lại về thăm quê. Lần nào cũng vậy, vừa đặt chân xuống Đà Nẵng, Hưng liền gọi điện cho tôi. Thu xếp đâu đó, chúng tôi gặp nhau, thỏa niềm bạn bè lâu ngày gặp gỡ bằng cái ôm chầm siết chặt, ngồi nhâm nhi, huyên thuyên xích đế về những khoảng trời năm tháng cũ. Ở đó, chứa chất bao kỷ niệm buồn vui trên mảnh đất Sơn Trà, nơi chúng tôi đã sinh ra và tuổi thơ đẫm đầy gió cát nồng tanh của biển, của sông, thấm đượm bao nhiêu ân nghĩa, khó có thể nào phai nhạt.

Cây đa An Thị nay đã gần 550 tuổi. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Cây đa An Thị nay đã gần 550 tuổi. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Lần tái ngộ vào tháng tư vừa rồi, chúng tôi không chọn nhà hàng ven biển như các lần trước. Từ bên này bờ đông con sông Hàn, Hưng chỉ tay về phía tòa nhà cao tầng bên kia, giọng hào hứng: “Nào, Novotel…! Ta hãy lên trên kia, cốt để được ngắm nhìn toàn thành phố của mình cho thỏa thích, ông hỉ!”.

Buổi chiều nắng bắt đầu dịu dần, nền trời quang mây, sáng trong, mát mẻ. Quầy bar Sky36 tầng thượng mở cửa đón khách. Nơi không gian lộ thiên thoáng đãng, chúng tôi chọn một vị trí thích hợp để thưởng ngoạn. Vừa ngồi xuống ghế, tôi liền đảo mắt ra xa một vòng. Ôi chao…! Tầm nhìn từ trên cao, thành phố như tràn đầy lên mắt, lan rộng ra mãi, ngút ngát khỏi tầm nhìn mờ xa. Núi, biển, sông và từng dải phố cứ điểm xuyết, những mảng màu ngẫu phối vào nhau như bức tranh thủy mặc. Cảm giác thật thư thái lâng lâng như đang bồng bềnh trên không. Hưng miên man ngắm cảnh và không ngớt trầm trồ về sự phát triển ngoạn mục của thành phố quê nhà. Chợt bộ dạng của Hưng chuyển sang ngơ ngác, dò tìm một thứ gì đó đặc biệt lắm trong mênh mông phố xá dưới kia. Tôi đoán biết, liền thúc nhẹ vào cánh tay ông bạn, quả quyết: “Cây đa bến phà chứ gì?”. Hưng giật người, trố mắt: “Ô!... ừ…, đúng rồi!”. Cả hai cười rộn lên, rồi cùng đưa mắt về bên kia làng An Thị xưa, phía bờ đông sông Hàn để dò tìm cây đa. Ôi, một nơi chốn đã bắt rễ, vươn cành vào trong cuộc đời của biết bao con người trên mảnh đất này, nó đã ăn sâu vào tâm hồn của rất nhiều thế hệ, trong đó có chúng tôi.

***

Dọc theo hai bên bờ đông, tây sông Hàn, ngày trước có đến hàng chục cây đa, do quá trình phát triển đô thị nên thưa dần bóng dáng cổ thụ. Nhưng trong số đó, mỗi khi nhắc đến cây đa bên bờ sông Hàn thì hầu hết mọi người nghĩ ngay cây đa An Thị, còn gọi là cây đa Bến Phà (cũ) nằm ở ngã ba đường Nguyễn Công Trứ giao đường Trần Hưng Đạo. 

Mấy năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cha mẹ tôi từ quê tản cư ra đây sinh sống, anh em chúng tôi đã cất tiếng khóc chào đời trên vùng đất “quận Ba” này, vùng đất đầy nắng nôi, gió cát, nhà cửa lúc bấy giờ còn thưa thớt, lô xô, ván tôn tuềnh toàng, tạm bợ… Tôi với Hưng cùng sinh ra từ làng An Thị, rồi bạn bè cùng chơi, cùng học. Thuở con nít, chiều chiều, chúng tôi thường chạy ra ngồi dưới bóng cây đa hóng mát, nhìn từng dòng người xe cộ ngược xuôi lên xuống bến phà. Cũng nơi đây, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về cây đa được thiêng hóa qua lời kể của các cụ cao niên. Tương truyền, thời vua Lê Thánh Tông, trong cuộc Nam chinh mở cõi, Tiền hiền Hà Thị Thân khai hoang lập làng, đã trồng nhiều cây đa trên những bến sông, sân đình… Từ đó đến nay, cây đa gần 550 tuổi. Trải qua bao nỗi thăng trầm thời gian, biến cố lịch sử, nhưng cây đa vẫn hiên ngang như một kỳ tích huyền thoại, vươn mình mạnh mẽ. Rồi trong mỗi chúng tôi, cây đa là cây có linh hồn, biết vui buồn, chiêm nghiệm… Để rồi mỗi khi đi xa, nó luôn hiển hiện trong tâm trí chúng tôi như niềm tự hào về một biểu tượng “bách niên đại thụ” của thành phố mình.

***

Vâng, phải chăng cây đa chính là sự phân công và đại diện của đất đai xứ sở. Từ bao đời vững vàng trấn thủ trước khốc liệt bão dông mưa nắng mà cắm sâu gốc rễ vào lòng đất, vươn tỏa nhánh cành lực lưỡng với trời mây. Những năm tháng cơ khổ trước đây, cây đa từng làm “ngọn đăng xanh” cho những số phận con thuyền lênh đênh, khẳm đầy lam lũ mưu sinh, sớm khuya mưa gió đi - về trên dòng sông Hàn. Tán cành thật khỏe khoắn, sum suê, vượt trội lên vững chãi. Từ xa, thoạt nhìn cây đa An Thị như một ngọn núi của bán đảo Sơn Trà xanh thẫm, hay tựa nóc đình làng An Hải cổ kính. Trong những đêm sương giăng, ánh đèn phố phường hắt bóng ảo mờ, bất giác thoáng thấy bóng đa như một ngư phủ già trầm mặc, u ẩn bao điều đang hướng phía biển khơi…

Trong guồng thời gian ào ạt tuôn chảy, cây đa Hà Thân vẫn đứng đó, trải qua biết bao biến đổi, chứng kiến bao đau thương mất mát, cả những khát khao cuộc sống bình yên, hạnh phúc…, để rồi thể hiện sức sống bền bỉ như một nhân chứng lịch sử, cùng trăn trở, ưu tư và thầm lặng đồng hành với thành phố này trong những ngày tháng khó khăn gian khổ, mở ra con đường mới quang rạng hơn. Đã qua rồi cuộc sống nhà chồ nhếch nhác đong đưa dưới sông. Trên bờ nhà cửa thụt thò ẩm nồng, chật chội... Những chuyến phà đưa người qua lại lênh đênh, mong manh trong mưa gió… Thay vào đó, nơi đây bây giờ là những dãy phố nối dài thông thoáng, khang trang. Những con đường chạy dài ven biển, ven sông cứ đua nhau mọc lên tầng tầng với nhiều kiểu kiến trúc tân kỳ. Những cây cầu hiện đại, đẫm chất nghệ thuật độc đáo nối liền đôi bờ sông Hàn tạo cảnh quan tuyệt đẹp… Tất cả làm nên diện mạo thành phố hiện đại, bản sắc và xứng tầm với vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

***

Tôi và Hưng cùng nhâm nhi những niềm vui “ngày mới” của thành phố mình. Chốc chốc cả hai lại nhìn về phía làng xưa An Thị. Từ trên cao nhìn xuống, cây đa như một chấm xanh nổi bật và khẳng định trong dải phố phường nhộn nhịp đầy trữ lượng kia. Vừa lúc nâng ly chúc mừng cho tất cả, cảm xúc trong tôi lại dồn nén qua đôi câu thơ: “Thành phố này mọc cao và sẽ cao hơn nữa/ Cần lắm một-chấm-xanh-chạm đáy mắt sông Hàn…!”. Nghe xong, ông bạn tôi gật gù, nghiền ngẫm: “Cần lắm, cần lắm!...”.

ĐỖ THƯỢNG THẾ

 

 

.