Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"

Yêu sao giọng Đà Nẵng!

08:53, 17/12/2021 (GMT+7)

Giọng Đà Nẵng thấm đẫm sự chân chất của những con người ở dải đất miền Trung, mang cả trong đó cái khí chất “ăn sóng, nói gió” của những người dân làng chài hòa quyện theo hương gió biển mạnh mẽ.

Chính sự mộc mạc và ngữ điệu dân dã đã làm nên nét dễ thương, đáng nhớ trong giọng nói của người Đà Nẵng. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH
Chính sự mộc mạc và ngữ điệu dân dã đã làm nên nét dễ thương, đáng nhớ trong giọng nói của người Đà Nẵng. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH

Ngày ấy, lớp tôi - 110 thành viên - tạo thành một bức tranh đa sắc màu bởi những nét riêng độc đáo của mỗi người. Có đứa hiền lành, ít nói, có đứa lại hoạt ngôn, tíu tít; có đứa nóng nảy, bốc đồng, cũng có đứa trầm tư, sâu sắc… Đứa thì đến từ miền Bắc, đứa vào từ miền Trung, đứa ở ngay miền Nam và cũng có nhiều đứa đến từ miền Tây sông nước. Chúng tôi hay đùa rằng, nếu viết tên của tất cả thành viên trong lớp theo hình chữ S tương ứng với nơi “chôn nhau cắt rốn” của từng người, có lẽ lớp tôi sẽ có một bản đồ Việt Nam gần như hoàn chỉnh. Và tất nhiên, tên tôi sẽ vinh dự được điền vào vị trí khoảng giữa bản đồ ấy, bởi đơn giản - tôi là người Đà Nẵng, tôi đến từ Đà Nẵng - một thành phố biển xinh đẹp nằm ở miền Trung đất nước.

Cũng vì đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mỗi giờ ra chơi, giảng đường lớp tôi lại vang lên một bản hòa âm rộn ràng với đủ mọi cung bậc ngữ điệu, ngôn từ bằng những chất giọng địa phương riêng có. Ngày mới vào học, tôi vẫn quen miệng, thỉnh thoảng hỏi: “Răng rứa”, để rồi phì cười trước hàng chục ánh mắt ngơ ngác nhìn tôi rồi lại nhìn nhau như thể chờ đợi một “phiên dịch viên”. Hay kết thúc một buổi học, tôi vẫn thường hẹn hò các bạn: “Sáng mai gặp hỉ” - và hàng chục ánh mắt ngơ ngác lại nhìn tôi: “Hỉ gì?”… Vậy đó, nhưng rồi dần dần, mỗi lần tôi mệt hay bị ốm, lũ bạn lại thi nhau hỏi han: “Nè, răng rứa?”. Chỉ cần nghe vậy, tôi đã thấy cái mệt nó trôi xa đến tận đẩu đâu, cảm giác gần gũi, thân quen và như vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Thường là vậy, giọng địa phương, những ngôn ngữ đặc trưng của từng vùng miền chắc hẳn sẽ khiến nhiều người mới nghe lần đầu cảm thấy khó hiểu, khó nghe. Nhưng một khi những ngôn từ đó đã trở nên thân thuộc, gắn liền với từng người thân yêu, gắn liền với nơi chốn yêu thương thì khi ấy - giọng nói địa phương lại là niềm tự hào đối với mỗi người. Có thể không được rõ ràng như giọng nói của người Hà Nội, có thể không được ngọt ngào như giọng nói của người Huế, có thể không được thân thiện như giọng nói của người Sài Gòn, nhưng chính sự mộc mạc và ngữ điệu dân dã đã làm nên nét dễ thương, đáng nhớ trong giọng nói của người Đà Nẵng.

Giọng Đà Nẵng thấm đẫm sự chân chất của những con người ở dải đất miền Trung, mang cả trong đó cái khí chất “ăn sóng, nói gió” của những người dân làng chài hòa quyện theo hương gió biển mạnh mẽ. Ngày còn nhỏ, năm nào tôi cũng nghe các ông, các bà, các cô, các bác trao đổi cùng nhau: “Mưa chi mà mưa khan ri”, “Bão chi mà bão miết ri”… Nhưng ánh lên trên từng khuôn mặt, ánh mắt ấy, ẩn sau từng câu nói đó là vẻ kiên cường và bản lĩnh, luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn của người dân Đà Nẵng.

Ngôn ngữ, giọng nói sẽ phản ánh phần nào bản sắc của mỗi vùng miền trong cùng một đất nước. Đôi khi chính giọng nói lại trở thành “đặc điểm nhận diện” xuất xứ của mỗi cá nhân, đồng thời cũng là tín hiệu đầu tiên để những người đồng hương nhận ra nhau, xích lại gần nhau. Chẳng vậy mà trước đây, nhiều khi ngược xuôi trên đường phố Sài thành đông đúc, tôi bỗng trào dâng một niềm vui khó tả khi bất chợt nghe được những cuộc nói chuyện với “mô, tê, răng, rứa…”. Cảm giác gần gũi lắm, thân thương lắm!

Tôi vẫn nhớ, khi đi chợ, thay vì gọi “cô”, xưng “cháu” như các nơi khác, tôi vẫn giữ thói quen gọi “dì”, xưng “con” theo đúng cách xưng hô thân thuộc của người Đà Nẵng. Sau những giây phút ngạc nhiên thoáng qua, các cô chú tiểu thương trong chợ cười hiền lành hỏi tôi: “Con ở đâu tới đây?”. Tôi dõng dạc giới thiệu: “Dạ Đà Nẵng ạ”.

Đà Nẵng sau 7 năm tôi xa quê, khi trở lại, thành phố khoác tấm áo mới, lung linh hơn, rực rỡ hơn, hiện đại và đầy phong cách. Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển, cùng với những công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế và mỹ miều, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năng động là vậy, nhưng con người nơi đây vẫn giữ được nét chất phác, bình dị vốn có, đặc biệt là chất giọng ngang ngang, sang sảng mà gần gũi, thân thiện biết bao. Người Đà Nẵng khi nói chuyện với nhau, tốc độ nói có thể sẽ nhanh hơn và ngôn từ đậm “chất Đà Nẵng” hơn.

Nhưng khi giao tiếp với du khách đến từ những vùng miền khác, người Đà Nẵng thường nói chậm rãi hơn, âm điệu cũng sẽ uyển chuyển hơn, thể hiện rõ sự thiện chí trong tính cách con người nơi đây. Và biết đâu, khách du lịch đến Đà Nẵng không chỉ vì cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, mà còn bởi muốn nghe, muốn hiểu, muốn chuyện trò, muốn được nghe người Đà Nẵng ân cần căn dặn: “Khi mô ghé tiếp nghe”.

Cho đến tận bây giờ, khi ra trường đã nhiều năm, những thành viên trong lớp thỉnh thoảng liên lạc với tôi, vẫn cố bắt chước chất giọng miền Trung của tôi để nói chuẩn xác nhất câu: “Mi răng rồi?”, hay “Răng rứa mi?”. Không cần thăm hỏi cầu kỳ, không cần những lời nói hoa mỹ, bình dị vậy thôi để tôi hiểu, ít nhiều tôi đã thành “cầu nối”, giúp các bạn tôi thêm nhớ, thêm yêu và thêm niềm thích thú đối với mảnh đất nơi đây - nơi mà đối với tôi tự bao giờ, “đất đã hóa tâm hồn”.

HUYỀN MY

.