Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Đà Nẵng tiếp tục đăng ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện đại hội, tiếp theo góp ý đã đăng ngày 28-10.
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị
1.2. Về đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước được bổ sung, phát triển năm 2011; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với nhận định của Trung ương rằng: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung nhận định: Trong quá trình tổ chức thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược xây dựng, đổi mới đất nước, Trung ương đã thường xuyên, kịp thời đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới để điều chỉnh mục tiêu từ “tăng trưởng kinh tế nhanh” sang “tăng trưởng hợp lý”, nhờ đó, đảm bảo được mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” và “phát triển bền vững”.
1.3. Về tầm nhìn và định hướng phát triển
Tại phần dự báo tình hình và nguy cơ, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm những vấn đề liên quan đến Biển Đông vì những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp, trở thành một vấn đề “nóng”; tính chất phức tạp của vấn đề Biển Đông có nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của nước ta; do vậy, cần đưa vào dự báo tình hình để có chủ trương, sách lược ứng phó phù hợp.
Về mục tiêu cụ thể, hầu hết ý kiến thống nhất với Phương án 1: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030:
- Nhiều ý kiến đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế. Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp. Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
- Song song với phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, dòng họ trong nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.
- Về quốc phòng, an ninh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập nhưng cũng phải đề cao cảnh giác, tránh để bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc chính trị. Đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình để thế giới ngày càng biết đến, hiểu rõ hơn và thông qua đó, ủng hộ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong thời đại mới.
- Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều ý kiến đề nghị Trung ương tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nghiên cứu quan điểm chỉ đạo công tác này theo hướng “3 không”: Không thể tham nhũng - Không dám tham nhũng - Không cần tham nhũng. Theo đó, cần tập xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện tốt công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai mọi hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức.