Hơn 10 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020, với mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường”, thành phố Đà Nẵng đã huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường với tổng kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ODA là 511,4 triệu USD, tổng vốn tư nhân là 131 tỷ đồng, tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách thành phố cho các dự án thuộc lĩnh vực môi trường hơn 1.300 tỷ đồng (chiếm 9% tổng nguồn vốn ngân sách tập trung).
Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp kiểm soát tốt chất lượng môi trường để phấn đấu trở thành thành phố sinh thái vào năm 2045. Ảnh: KIM LIÊN |
Hành động để hướng đến “Thành phố môi trường”
Năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố ban hành Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 21-8-2008 triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện môi trường. Sau 10 năm thực hiện đề án, nhiều chương trình, nhiệm vụ, hành động được UBND các cấp, các ngành tổ chức triển khai, như: Xử lý điểm nóng môi trường; kiểm tra, giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, tổ chức thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác theo giờ, giảm sự hiện diện thùng rác trên các đường phố chính, tạo mỹ quan sạch đẹp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được chú trọng dưới nhiều hình thức và được thực hiện đồng bộ, sâu rộng.
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường có ý nghĩa cùng nhiều mô hình sáng kiến được thực hiện ở các địa phương, Mặt trận, các hội, đoàn thể các cấp. Những phong trào về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống cộng đồng dân cư thành phố như: Ngày Chủ nhật Xanh -Sạch-Đẹp, Tổ dân phố không rác, Khu dân cư thân thiện môi trường...
Với những nỗ lực trên, thành phố Đà Nẵng được các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng danh giá như: Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của ASEAN (năm 2011); là đô thị có không khí sạch và có hàm lượng carbon phát thải thấp của châu Á (năm 2012); là thành phố phong cảnh châu Á (năm 2013); là đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, thành phố xuất sắc trong chuyển đổi (năm 2015); thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam (năm 2018). Để có được những giải thưởng danh giá đó, Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng mục tiêu Thành phố môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu, xây dựng chương trình hành động, hướng đến năm 2045 trở thành thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, để thực hiện mục tiêu nói trên, về lâu dài cần xác lập những nguyên tắc chung để có thể đề ra những giải pháp phát triển đô thị bền vững, đó là: Thứ nhất, gìn giữ sự đa dạng sinh học, hài hòa với các chu trình tự nhiên: Các hệ sinh thái đạt được sự ổn định và khả năng hồi phục thông qua các mạng lưới sinh thái đa dạng. Sự đa dạng sinh học càng cao thì các hệ sinh thái càng ổn định. Sự đa dạng của đô thị phải được bảo đảm với việc duy trì các hành lang cư trú tự nhiên. Sông Hàn ngay từ thời kỳ đầu xây dựng thành phố đã là thành phần “lõi” của cấu trúc không gian đô thị, qua các giai đoạn phát triển vẫn luôn được coi trọng không chỉ là yếu tố tạo lập cảnh quan mà còn như huyết mạch nuôi dưỡng hệ sinh thái nhân văn.
Núi Bà Nà, dãy Hải Vân nam, bán đảo Sơn Trà hay ngọn Ngũ Hành Sơn như là hệ thống vành đai bảo vệ và cũng chính là môi trường của hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng... Cần chú trọng nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học thông qua bảo vệ các nhân tố cảnh quan tự nhiên đã trở thành thành phần không thể thiếu trong tạo lập cấu trúc không gian đô thị vốn có. Chủ trương tăng cường các lối xuống biển hay tạo ra các không gian mở hướng sông là những giải pháp có ý nghĩa quan trọng cần được phát huy nhằm giúp cho sự tiếp cận nguồn năng lượng tự nhiên và tăng cường khả năng hòa nhập của con người.
Thứ hai, chú trọng nhân tố cảnh quan tự nhiên và phát triển đô thị phù hợp với “ngưỡng” sinh thái môi trường. Bài học kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, các yếu tố tự nhiên luôn là nhân tố đóng vai trò quan trọng tạo lập không gian cảnh quan đặc trưng. Do đó, đối với Đà Nẵng, giải pháp quy hoạch nhất thiết phải lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo được tạo ra phải được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên trên cơ sở các nguyên tắc thẩm mỹ, chú trọng tính nguyên vẹn của hệ thống vốn là một cấu trúc hoàn chỉnh.
Thứ ba, tăng cường kết nối bằng các giải pháp giao thông “xanh” và phát triển hệ thống hành lang xanh, mảng xanh trong đô thị: Bố trí quy hoạch và xác định quy mô các khu chức năng cảnh quan đô thị (nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, vui chơi giải trí...) hợp lý để giảm bớt việc đi lại bằng phương tiện cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi để đi bộ và xe đạp. Giải pháp quy hoạch theo kiểu phân khu chức năng rạch ròi dần được thay thế bởi các không gian đa năng, hình thức sử dụng đất hỗn hợp đang được khuyến khích. Mô hình đô thị nén là sự lựa chọn nhằm phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng đô thị. Xây dựng các bãi đỗ xe tập trung hợp lý sẽ phát huy khả năng đi bộ; Dự án xe điện công cộng nên sớm được triển khai sẽ tăng cường tiện ích đô thị, vừa góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và trên hết là hiệu quả bảo vệ môi trường. Tổ chức kiến trúc cảnh quan chú trọng đến mảng xanh, hành lang xanh và tất cả được kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh là cơ hội duy trì đa dạng hệ sinh thái.
Thứ tư, lựa chọn cơ cấu phát triển ưu tiên mô hình kinh tế “xanh”: Kinh tế “xanh” là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Khu công nghiệp sinh thái Hòa Khánh đang được triển khai thí điểm cần được sớm hoàn chỉnh và nhân rộng. Sản xuất công nghiệp “xanh” là hướng đi mới phù hợp cùng với việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được quan tâm. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp “xanh” sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính...
Phấn đấu là thành phố sinh thái vào năm 2045
Theo ông Tô Văn Hùng, trước mắt, từ nay đến năm 2025, thành phố cần đặt ra nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng môi trường. Đến năm 2030, phải thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của thành phố theo nền tảng thành phố sinh thái; xây dựng các kế hoạch cụ thể để phấn đấu là thành phố sinh thái vào năm 2045, cụ thể: Về môi trường nước: Quy hoạch và bảo vệ tốt các nguồn nước cấp phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Kiểm soát toàn bộ chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở các khu vực nội thị. Nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, bảo đảm năng lực cấp nước dự phòng cao, có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ảnh: P.V |
Về môi trường không khí, không gian xanh: Bảo đảm chỉ số ô nhiễm chất lượng không khí luôn dưới 100; tiếng ồn, khí, bụi được kiểm soát chặt chẽ. Chất lượng môi trường không khí, giao thông được cải thiện thông qua các biện pháp kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ, phát triển mạnh hệ thống giao thông vận tải công cộng, khuyến khích đầu tư các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, điện năng. Kiểm soát các nguồn khí thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư, đô thị. Tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia; bảo đảm mục tiêu trồng rừng, xã hội hóa công tác chăm sóc, trồng rừng.
Về môi trường đất, chất thải rắn: Cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường những nơi bị ô nhiễm. Quản lý chất thải rắn đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; tăng chất lượng thu gom và xử lý đạt yêu cầu đối với chất thải rắn theo mục tiêu chiến lược quốc gia đã đề ra; chất thải nguy hại công nghiệp, y tế được kiểm soát nghiêm ngặt. Về quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường, các kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp được lồng ghép theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường. Hệ thống quản lý môi trường được đầu tư, kiện toàn, đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu quản lý môi trường bền vững. Cộng đồng, doanh nghiệp được huy động, chủ động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường…
Về việc huy động các nguồn lực, thành phố cần tiếp tục chi đạt hơn 2% tổng chi ngân sách thành phố cho lĩnh vực môi trường; đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Cùng với đó, sớm có giải pháp tăng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường để đảm bảo các hạng mục chi đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ môi trường (rác thải, nước thải, khí thải); xây dựng các quy định cụ thể mức phí đối với từng đối tượng và tăng chi phí theo lộ trình; tăng cường xã hội hóa dịch vụ công liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước; huy động sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp về bảo vệ môi trường.
TOÀN VÂN