Bà Trần Thị Cúc Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu:

Gắn liền phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường

.

Qua nghiên cứu dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi thống nhất với hầu hết nội dung được nêu trong dự thảo các văn kiện. Các văn kiện đã nêu đầy đủ, chi tiết về tình hình mọi mặt công tác của đất nước trong nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh đó, tôi có những góp ý như sau: Trong dự thảo Báo cáo chính trị, phần khái quát về vai trò Việt Nam trên trường quốc tế cần nêu rõ những điểm đáng tự hào của Việt Nam như: đóng góp với quốc tế về nhân quyền, tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc tế, tham gia giữ gìn hòa bình quốc tế, đặc biệt là vai trò Việt Nam trong đối nội, đối ngoại khi đối phó với Covid-19; xử lý tình huống trên Biển Đông khôn khéo, vừa giữ được chủ quyền vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định.

Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy vậy vẫn chưa toàn diện. Các vụ tiêu cực về tham nhũng lãng phí và thoái hóa biến chất từ cơ sở phát hiện rất ít, chỉ khi có sự việc vỡ lở, hoặc cơ quan pháp luật vào cuộc mới phát hiện ra. Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đề nghị đánh giá thêm nội dung về trách nhiệm của ngành giáo dục đối với chất lượng giáo dục trong những năm qua, cụ thể là việc tham mưu trong công tác cải cách giáo dục.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, trong dự thảo trình bày “3 kiên định”. Theo tôi, nên bổ sung thêm “1 kiên định” là: kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Như vậy sẽ có 4 “kiên định”, gồm: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung “bảo vệ môi trường” cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm. Vì giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường có mối quan hệ hữu cơ rất mật thiết. Nếu phát triển kinh tế - xã hội mà không lo bảo vệ môi trường sẽ mất đi yếu tố bền vững của sự phát triển. Hơn nữa khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn tạo thế mạnh cho phát triển môi trường.

Về định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế, cần nghiên cứu và quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề sở hữu: các lĩnh vực Nhà nước cần độc quyền; các lĩnh vực, địa bàn không có đầu tư nước ngoài; cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, trong đó Nhà nước cần nắm giữ các kết cấu hạ tầng then chốt như: cảng biển, cảng hàng không, đường dây truyền tải điện, cung cấp nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị… để tránh mâu thuẫn lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Về định hướng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tế; đào tạo ngành nghề phải sát với nhu cầu thực tế cần sử dụng, cấp văn bằng chứng chỉ phải đúng với thực chất kiến thức người học. Nhà nước tập trung phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục đại học và dạy nghề dưới hình thức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Về định hướng phát triển văn hóa xã hội, con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tôi đề nghị bổ sung thêm các định hướng về quản lý nguồn tài nguyên rừng và khoáng sản; đồng thời bổ sung thêm nội dung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến rừng và khoáng sản.

LAM PHƯƠNG ghi

;
;
.
.
.
.
.