Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi thấy dự thảo các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, chặt chẽ, mang tầm chiến lược, phản ánh đúng thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước.
Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo các văn kiện, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhất trí với đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Các quan điểm về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã được thể hiện rất rõ ràng. Tôi đề xuất lựa chọn mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo phương án 2: “Đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 là nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao”.
Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra được chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn. Từ đó, nâng cao đời sống nhân dân, có văn hóa - xã hội phát triển, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Đối với nội dung tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôi hoàn toàn thống nhất cao với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về quốc phòng-an ninh, đối ngoại trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo tôi, cần bổ sung một số nội dung như: Chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, chính sách phù hợp nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn.
Chúng ta cần thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tránh xa sự lợi dụng của các thế lực thù địch và chống phá cách mạng; cung cấp kịp thời các thông tin chính thống liên quan đến quốc phòng - an ninh, đối ngoại, đặc biệt là về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất rừng và biển phải có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với hoạt động của các lực lượng bảo vệ rừng, biển; nghiêm cấm và xử phạt nặng những hành vi tàn phá rừng, tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đánh bắt hải sản theo kiểu hủy diệt môi trường, hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
ĐẶNG NỞ ghi