Bên cạnh những thị trường khách truyền thống, ngành du lịch thành phố tích cực tìm kiếm, mở rộng những thị trường khách mới. Nắm bắt được xu hướng này, một số nhà hàng, khách sạn đã mở ra những dịch vụ phục vụ du khách, nhất là khách theo đạo Hồi.
Cần có những nhà hàng, dịch vụ phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách mới. Trong ảnh: Anh Tariq, đầu bếp của nhà hàng Nan n Kabab đang làm món bánh Nan cho du khách. Ảnh: THU HÀ |
Mới đi vào hoạt động được một năm nay nhưng nhà hàng Belanga Bay (thuộc khách sạn Đà Nẵng GoldenBay) đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều du khách đến từ Malaysia, các thị trường Trung Đông có khách theo đạo Hồi.
Đây là nhà hàng đạt chuẩn Halal dành riêng cho những vị khách đặc biệt này. Theo chị Hồ Thị Như Ý, quản lý nhà hàng Belanga Bay, khách là người Hồi giáo không ăn thịt heo nên yêu cầu thường phải là khu riêng biệt, có chén bát riêng, thậm chí không gian bếp riêng và đầu bếp riêng, tách hoàn toàn với những bếp ăn khác.
Đặc biệt, để được cấp giấy chứng nhận là nhà hàng đạt chuẩn Halal, ngoài việc đạt yêu cầu về không gian bếp, nhà hàng, vật dụng, nguyên liệu chế biến, còn có một điều kiện bắt buộc khác là bếp trưởng phải là người trong đạo.
Vì thế, giám đốc cùng với bếp trưởng của khách sạn đã phải trực tiếp qua Malaysia để mời ông Asamawi Bin Kassim về làm đầu bếp tại nhà hàng. Chị Như Ý cũng cho biết thêm, vì là người đạo Hồi nên ông Asamawi Bin Kassim hiểu rất rõ các quy tắc của người Hồi giáo nên đã tư vấn từ cách trang trí, sắp đặt nhà hàng, nguồn nguyên liệu của các món ăn nhập khẩu do chính ông chọn lựa… đúng theo tiêu chuẩn Halal.
Cũng là nhà hàng đạt chuẩn Halal để phục vụ cho khách người Hồi giáo, chị Võ Thị Thanh Xuân, quản lý của nhà hàng Nan N Kebab Restaurant (đường Hồ Nghinh) bày tỏ, những khách đến từ các thị trường này khá kỹ tính trong việc ăn uống và tế nhị trong giao tiếp; do đó, phải đào tạo nhân viên rất kỹ để có thể mang đến sự hài lòng cho du khách.
Trước kia, khách của nhà hàng chủ yếu là những người đi công tác, công vụ nên nhu cầu của khách chưa nhiều, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách là người Hồi giáo rất đông, nhà hàng thường xuyên phục vụ khách đoàn đi theo tour từ 30-40 người.
“Cũng như những bếp ăn/nhà hàng chuẩn Halal, nhà hàng chúng tôi cũng phải có giấy chứng nhận Halal để tạo được sự tin tưởng của khách. Ngoài ra, nhiều khách khó tính còn phải nhìn thấy tận mắt đầu bếp, người nấu chính phải là người đạo Hồi thì họ mới chọn ăn ở nhà hàng.
Vì thế, đích thân ông chủ là người Pakistan phải về nước để tuyển dụng những người theo đạo Hồi, có tay nghề sang đứng bếp nấu tại nhà hàng để phục vụ du khách”, chị Xuân cho biết thêm. Hơn một năm đứng bếp tại Nan N Kebab Restaurant, anh Tariq (đầu bếp của nhà hàng) cho hay, nấu ăn cho khách cũng như nấu cho chính bản thân, gia đình mình ăn. Là người trong đạo nên anh hiểu được khách muốn gì, cần gì nên không quá khó khăn. Đà Nẵng là một thành phố đẹp nên khách từ các quốc gia ở Trung Đông bắt đầu tìm đến để đi chơi, nghỉ dưỡng…
Để đáp ứng nhu cầu của khách, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Đà Nẵng hiện nay, ngoài nhà hàng như Belanga Bay, Nan n Kabab Restaurant…, còn có một số nhà hàng khác như Simpur Restaurant, Mumtaz Indian Restaurant, Namaste Omar… phục vụ khách là người Ấn Độ, người theo đạo Hồi, đạo Hindu… Đa số các đầu bếp của các nhà hàng đều trực tiếp lên thực đơn phù hợp với thị hiếu của khách.
Theo đánh giá của những người làm du lịch, những đường bay trực tiếp từ Doha (Qatar) - Đà Nẵng, Kuala Lumpua (Malaysia) - Đà Nẵng… ngày càng được kết nối, tăng chuyến đến Đà Nẵng, lượng khách từ các thị trường này đang có sự tăng trưởng nhất định; đặc biệt đường bay trực tiếp từ Doha sẽ góp phần thu hút khách từ các thị trường Trung Đông và châu Âu.
Điều này mở ra cơ hội kết nối Đà Nẵng với 150 điểm đến từ thị trường Trung Đông, Tây Âu, Bắc Mỹ nên trong tương lai thị trường khách từ đó sẽ tăng cao. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sự kiện và Du lịch kết nối mới (Necotour) cho rằng, trước sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của những thị trường khách mới, Đà Nẵng cần nhanh chóng có những nhà hàng, dịch vụ… phù hợp với thị hiếu của khách. Phải đón đầu xu thế của khách cũng như mang đến cho khách những sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần.
Halal là một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được cho phép” theo luật Sharia. Một sản phẩm được coi là Halal trước khi được đưa ra thị trường tiêu thụ (bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm và thực phẩm bổ sung) đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn uống Hồi giáo. Điều này được thực hiện, kiểm soát thông qua bên giám sát độc lập thứ 3. Các công ty, tổ chức này sẽ bảo đảm việc giám sát quy trình sản xuất, thực hiện kiểm tra thường xuyên cơ sở sản xuất, nguyên liệu đầu vào có truy xuất được nguồn gốc không cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm có bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn Halal. Để có được giấy chứng nhận nhà hàng Halal phải đạt yêu cầu có các quy trình, quy định nghiêm ngặt, giấy chứng nhận có thời hạn trong 1 năm, sau đó sẽ được kiểm định và cấp lại. |
THU HÀ