Dịch bệnh tác động lớn đến ngành du lịch cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, khiến nhân lực ngành du lịch có nhiều biến động. Để chuẩn bị cho sự phục hồi, phát triển của du lịch thành phố, Sở Du lịch mở các lớp tập huấn, đào tạo lại nhân lực, hướng đến chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Các khóa bồi dưỡng, tập huấn sẽ giúp đội ngũ nhân lực du lịch có thêm kỹ năng, trau dồi thêm kiến thức. TRONG ẢNH: Chuyên viên của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng tư vấn cho khách tại một buổi xúc tiến du lịch năm 2019. Ảnh: SONG KHUÊ |
Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố, Đà Nẵng có khoảng 50.963 lao động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh kéo dài khiến lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn. Tính đến đầu tháng 8, tổng số lao động phải tạm ngừng, nghỉ việc ước khoảng 31.874 người/50.963 người, chiếm 62,5% tổng số lao động (số lao động này chưa bao gồm đội ngũ nhân viên nhà hàng, giáo viên giảng dạy, cán bộ, công nhân viên quản lý Nhà nước về du lịch).
Đến nay, sau khi mở cửa trở lại, do chưa có nhiều khách, một số cơ sở lưu trú chủ động đào tạo lại đội ngũ nhân lực du lịch của cơ sở mình. Tại khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng cho biết lượng khách du lịch thời điểm này chưa nhiều nên doanh nghiệp tập trung bồi dưỡng các kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, trong đó có nhân sự cấp cao.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, thực tế hiện nay, dịch bệnh kéo dài nên nhiều lao động trong ngành du lịch đã chủ động chuyển nghề, tìm công việc mới để mưu sinh. Khi dịch bệnh được khống chế, các khách sạn, cơ sở lưu trú mở cửa trở lại gặp khó vì một số nhân viên cũ chuyển nghề hoặc đã tìm được công việc mới.
Trước tình hình đó, Sở Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; phối hợp với Hội Khách sạn Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động thành phố, CLB Đào tạo viên VTOS tổ chức khóa nghiệp vụ buồng phòng theo tiêu chuẩn VTOS, 1 khóa tập huấn nghiệp vụ lễ tân theo tiêu chuẩn VTOS và 1 khóa tập huấn đào tạo kỹ năng Sales OTA. Sở đã tổ chức 3 lớp cập nhật kiến thức cho 225 hướng dẫn viên; tổ chức 2 lớp nghiệp vụ du lịch cho lái xe và 1 lớp cho thuyền viên phục vụ các tàu du lịch...
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, trong tháng 11-2020, sở sẽ mời các chuyên gia, tổ chức các lớp tập huấn “Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch”... dành cho bộ phận quản lý, trưởng bộ phận lễ tân, nhà hàng, chăm sóc khách hàng tại các cơ sở lưu trú từ 1-3 sao và tương đương trên địa bàn thành phố; trưởng bộ phận nhà hàng tại các cơ sở lưu trú 3-5 sao trên địa bàn thành phố...
Tại đây, các học viên được cung cấp những nội dung như: tác phong, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống...; tập huấn về tối ưu hóa hoạt động nhà hàng, vận hành nhà hàng, quản lý tài chính và định giá món ăn, marketing hiệu quả, quản lý nhân sự trong ngành ẩm thực... Ngoài ra, sở cũng tổ chức lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên nội địa và quốc tế năm 2020 cho các hướng dẫn viên có thẻ đang hoạt động trên địa bàn thành phố có nhu cầu tham dự khóa cập nhật kiến thức để bảo đảm điều kiện cấp đổi thẻ hướng dẫn viên hết hạn.
Tại lớp này, ngoài các nội dung theo chương trình học được ban hành tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15-12-2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, sở còn bổ sung các nội dung cần thiết cho hướng dẫn viên trong giai đoạn hiện nay như thông tin về tình hình Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới; hướng dẫn công tác phòng, chống dịch cho hướng dẫn viên và du khách; tuyên truyền bộ quy tắc đạo đức nghề và ứng xử của hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn thành phố; bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách của hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; các chuyên đề về kỹ năng phục vụ các thị trường khách trọng điểm, tiềm năng (Đông Bắc Á, Asean, Âu - Mỹ, Nga, Ấn Độ...).
“Trong dịp này, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn xử lý khủng hoảng truyền thông; tập huấn lập hồ sơ điện tử, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho công chức, viên chức ngành du lịch nhằm kiểm soát được khủng hoảng, giảm đến mức thấp nhất hoặc ngăn chặn được những tác động tiêu cực, bất lợi do khủng khoảng gây ra; nắm và thực hành về cách lập hồ sơ, bảo đảm chất lượng của công tác lập hồ sơ điện tử theo yêu cầu trong tiêu chí đánh giá xếp loại công tác văn thư lưu trữ mới ban hành năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng...”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay.
SONG KHUÊ