Du lịch Đà Nẵng

Phát triển du lịch theo hướng bền vững

13:30, 09/05/2022 (GMT+7)

Huyện Hòa Vang trở thành điểm đến thu hút du khách với nhiều mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đây cũng là mục tiêu phát triển được ngành du lịch thành phố nói chung và huyện Hòa Vang định hướng phát triển nhằm gắn du lịch với bảo tồn, xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện, an toàn, hòa hợp giữa người dân, du khách và thiên nhiên…

Du khách đến trải nghiệm tại một điểm du lịch trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.  Ảnh: THIÊN NGUYỆN
Du khách đến trải nghiệm tại một điểm du lịch trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: THIÊN NGUYỆN

Bắt đầu khai thác sử dụng từ tháng 5-2019, Yên Retreat (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là điểm đến nổi tiếng được nhiều người dân và du khách lựa chọn mỗi khi đến Đà Nẵng. Khi đến đây, du khách trải nghiệm những hoạt động cắm trại, thả diều, câu cá, vui chơi, thưởng thức những món ăn đặc trưng của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam... Hiện mô hình du lịch sinh thái này có diện tích 3,3ha, trong đó 1,2ha đang được khai thác. Khách tại đây luôn được giới hạn ở mức 60 người để hạn chế tiếng ồn.

Anh Bùi Đức Vũ, chủ khu Yên Retreat cho biết, trước khi trải nghiệm dịch vụ, du khách được thông báo về những quy định không sử dụng loa kẹo kéo, rác được đặt đúng nơi quy định, không gây tiếng ồn… để giữ an ninh trật tự và bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian đến, để đa dạng dịch vụ, anh Vũ sẽ xây dựng một lò mía đường, ép dầu phộng và lò nhuộm vải với nguyên liệu, văn hóa của đồng bào Cơ tu bản địa, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm những nghề truyền thống khi đến đây; qua đó, lưu giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương đến người dân và du khách.

Nhận thấy xu hướng du lịch cắm trại đang được nhiều người yêu thích và lựa chọn, anh Huỳnh Bá Lực tận dụng khu đất trống trong homestay của gia đình tại thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh để cải tạo thành khu cắm trại “Dad Camp” với diện tích gần 2.000m2, gồm: khu sinh hoạt chính, sân khấu acoustic và khu bãi lều với sức chứa 30 du khách.

Theo anh Lực, việc cắm trại tự phát không chỉ gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về cháy rừng. Khi nhiều người đến cắm trại cùng một địa điểm mà không có giải pháp bảo vệ sẽ khiến thiên nhiên, môi trường sinh thái bị tác động và tàn phá. Vì vậy, những khu, điểm cắm trại có sự quản lý sẽ giải quyết nhiều vấn đề nêu trên.

“Khi dựa vào thiên nhiên để phát triển du lịch, chúng ta phải quan tâm, giữ gìn và bảo tồn. Việc giới hạn số lượng khách, sử dụng các vật dụng thân thiện, tái sử dụng, không dùng đồ nhựa một lần, túi nilon, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo… là một số giải pháp nhằm giảm tác động đến thiên nhiên và phát triển du lịch xanh, bền vững”, anh Lực chia sẻ.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện đang có gần 20 điểm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu tại xã Hòa Bắc và Hòa Ninh như: Yên Retreat, Nguồn Vilage, Homestay A Lăng Như, An nhiên Farm, Meken Farm… Trước việc nở rộ xu hướng du lịch cộng đồng trên địa bàn, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các xã, đặc biệt là các xã có hoạt động du lịch phát triển lắp đặt biển cảnh báo an toàn ở những nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước, đá lăn; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Đối với hoạt động du lịch của các nhóm tự phát, các địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người dân, ngăn chặn những rủi ro về cháy rừng, vệ sinh môi trường…

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng nhìn nhận, dư địa để phát triển du lịch ở huyện Hòa Vang vẫn còn lớn. Những năm qua, chính quyền huyện luôn xác định phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Những hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn đều không được gây ảnh hưởng, tác động đến thiên nhiên. Đối với việc triển khai Nghị quyết số 82/NQ-HĐND của HĐND thành phố về triển khai thí điểm 15 mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, UBND huyện đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chấm chọn cụ thể. Theo đó, các mô hình lựa chọn thí điểm phải tuân thủ các nguyên tắc như: khai thác không gian theo hướng bảo vệ, không phá vỡ cảnh quan chung bằng việc bê-tông hóa hay thay đổi kết cấu, hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, thay đổi kết cấu cây trồng; đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh trật tự…

“Để phát triển du lịch xanh, bền vững, cần khai thác, sử dụng các tài nguyên hợp lý, giảm rác thải ra môi trường. Bên cạnh đó, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn tính đa dạng, chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ kinh doanh và du khách”, ông Nguyễn Thúc Dũng nói.

THIÊN NGUYỆN

.