Điểm đến

Khám phá "Sơn kỳ thủy tú" ở Ngũ Hành Sơn

10:49, 30/03/2015 (GMT+7)

(Tiếp theo)

Vọng Giang Đài

Vọng Giang Đài hay gọi là đài ngắm sông nằm phía sườn Tây Nam của ngọn Thủy Sơn, là một điểm cao nhìn về sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và có thể quan sát toàn cảnh các núi trong quần thể Ngũ Hành Sơn.

Đường dẫn lên vọng Giang Đài nằm đối diện khu nhà thờ Tổ của chùa Tam Thai, lối lên hẹp với những bậc đá tự nhiên hơi quanh co. Đài ngắm sông có chu vi rộng khoảng 7m, chính giữa là một tấm bia cổ bằng đá Trà Kiệu cao khoảng 2m, rộng 1m và được dựng trên một đế đá lớn, trên bia có khắc 3 chữ Hán đọc là vọng Giang Đài và những hàng chữ nhỏ nằm bên cạnh ghi ngày tháng dựng bia "Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật" (tức Minh Mạng ngày 18 tháng 7 ngày rằm năm 1837).

Là một thạch động nhỏ nhưng bên trong động Hoa Nghiêm có thờ tượng Phật bà Quan thế Âm.
Là một thạch động nhỏ nhưng bên trong động Hoa Nghiêm có thờ tượng Phật bà Quan thế Âm.

Đứng tại vọng Giang Đài có thể ngắm nhìn bao quát cảnh bên dưới, làng đá mỹ nghệ nằm quanh chân các ngọn núi, xa xa là dòng Cổ Cò uốn khúc quanh co cùng đồng ruộng, bãi bồi tự nhiên đậm nét vùng quê.

Hiện nay, đài ngắm sông đã được xây dựng nhà tứ giác vừa để che mưa nắng cho du khách đứng ngắm cảnh vừa để bảo vệ tấm bia.

Vọng Hải Đài

Vọng Hải Đài hay còn gọi là đài ngắm biển nằm ở phía sườn đông của đỉnh Hạ Thai, cạnh tháp Xá Lợi và chùa Linh Ứng.

Từ vọng Hải Đài, có thể thỏa sức ngắm cảnh trời biển bao la với bãi cát dài mịn bên dưới và ngoài khơi xa là đảo Cù Lao Chàm và xa hơn về phía Bắc là bán đảo Sơn Trà nhô mình ra biển.

Động Hoa Nghiêm

Men theo lối mòn bên hông chùa Tam Thai, rẽ trái sẽ gặp động Hoa Nghiêm. Đây là một thạch động nhỏ, có Huyền Không Quan cổ kính, bên trong động có thờ tượng Phật Bà Quán Thế Âm cao lớn, điệp màu với núi đá có đôi mắt từ bi nhìn ra của động, tượng phật do nghệ nhân Nguyễn Chất của làng nghề đá mỹ nghệ tạo thành năm 1960.

Bên trái của tượng Phật, trên vách động là tấm bia cổ Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640. Bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử; trong đó có rất nhiều gia đình người Nhật Bản đến làm ăn từ phố cổ Hội An đã đến cúng công đức cho chùa.

Động Huyền Không

Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn. Đến Ngũ Hành Sơn mà chưa vào động Huyền Không thì coi như chưa biết Ngũ Hành Sơn.

Cổng vào động Huyền Không mọc đầy rêu phong, cổ kính nhưng luôn tràn đầy ánh nắng chào đón du khách.
Cổng vào động Huyền Không mọc đầy rêu phong, cổ kính nhưng luôn tràn đầy ánh nắng chào đón du khách.

Động Huyền Không nằm bên trong động Hoa Nghiêm, nói cách khác, muốn vào động Huyền Không phải đi qua động Hoa Nghiêm. Động có hình dáng của một quả chuông lớn úp trên nền gạch Kim Thành bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ, đỉnh động có nhiều lổ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào bên trong nên lòng động luôn mát mẻ và thoáng khí (do vậy động ở Ngũ Hành Sơn thuộc loại động mở, đây chính là điểm khác biệt với các động kín của Hạ Long và Phong Nha).

Để vào được trong phải đi qua hơn 20 bậc cấp sâu xuống phía dưới, nền động thấp hơn 5m so với nền động Hoa Nghiêm, chu vi của động rộng khoảng 25m, chiều cao từ đỉnh xuống nền động khoảng 16m. Tại cửa động là 4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp, đó là các vị thần Thiện và Ác cưỡi trên 4 con thú có diện mạo kỳ quái có nhiệm vụ gác cửa động. Chính giữa động ở trên cao thờ phật Thích Ca cao 3m, phía dưới tượng Phật Thích Ca là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Một trong những hang động đẹp và huyền ảo nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Động Huyền Không - một trong những hang động đẹp và huyền ảo nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Vào sâu bên trong là Trang Nghiêm Tự cổ kính gồm có 3 gian. Gian giữa thờ Phật Bà Quan Âm, gian bên trái thờ ba vị Quan Thánh (Quan Công, Quan Bình và Quan Châu Xương tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành), gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, là nơi để các đôi trai gái đến cầu duyên hoặc cho những người hiếm muộn đến cầu con hoặc cầu nuôi con khỏe mạnh chóng lớn.

Cạnh Trang Nghiêm Tự là Thạch Nhũ Cốc, du khách phải rọi đèn mới nhìn rõ, bên trong là 2 thạch nhũ đổ xuống giống như một cặp nhũ hoa. Tương truyền chiếc bên trong thường nhỏ nước trong, còn chiếc bên ngoài nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, tuy nhiên khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu Quốc thái dân an đã vô tình sờ vào chiếc thạch nhũ bên ngoài nên chiếc này hiện nay không còn nhỏ nước nữa.

4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp uy nghi ngay lối vào động Huyền không
4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp uy nghi ngay lối vào động Huyền Không

Bên trái động là đền thờ bà Ngọc Phi và Bà Lôi Phi. Bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên, rất linh thiêng, là nơi để du khách đến cầu tài lộc. Tương truyền, bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân xuống hạ giới chăm lo cho đời sống muôn dân, hằng năm cứ vào ngày 2 đến ngày 8-3 âm lịch thì người dân đến cúng và lễ bái rất đông. Bà Lôi Phi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn - cai quản núi rừng, là em gái bà Ngọc Phi thường được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và đi đường bình an.

Ẩn mình trên vách động còn có chiếc trống đá thiên tạo, nếu úp lòng bàn tay và vỗ vào mặt trống sẽ tạo nên âm thanh vang dội cả vòm động. Lần bước theo sau ngôi đền nhỏ, nhìn lên vách động, sẽ thấy những hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xếp của đá: chim hạc, chim đà điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dâng lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ...

Trang Nghiêm Tự bên trong động Huyền Không.
Trang Nghiêm tự bên trong động Huyền Không.

Cổng trời. động Thiên Phước Địa

Qua khỏi động Linh Nham, sẽ đi qua hai cổng trời hay còn gọi là cổng Vân Căn Nguyệt Quật. Đây là những cổng đá tự nhiên rất đẹp, có một sự sắp đặt rất kỳ lạ của tạo hóa ở 2 cổng trời nằm ở 2 phía Đông - Tây của ngọn Thủy Sơn tạo nên một không gian rộng, thoáng và tiểu cảnh nên thơ nằm trên con đường liên hoàn nối giữa hai ngôi chùa Tam Thai và Linh Ứng.

Tại hai cổng trời, luôn có gió mát mẻ quanh năm do gió từ biển đông thổi vào, gió từ trên miệng động Thiên Phước Địa cuộn xuống hoặc gió từ phía sông thổi đến. Tốc độ gió thường xuyên thay đổi theo mùa, vì vậy, hai cổng trời này còn có tên là Hang Gió Đông và Hang Gió Tây. Ở khoảng giữa của 2 cổng có rất nhiều động: động Thiên Long, động Vân Thông, động Thiên Phước Địa. Đi qua hai cổng trời có cảm giác như đang đi trong lòng hòn non bộ khổng lồ, mát mẻ và dễ chịu như muốn hòa mình vào thiên nhiên.

Động Thiên Phước Địa là động lộ thiên nằm trên mặt đất, được các vách núi bao bọc xung quanh, nền động cũng chính là lối đi cho du khách tham quan, đi vào động Vân Thông và nhìn ngắm động Thiên Long cũng như đi đến các chùa. Miệng động mở rộng và không có vòm nên du khách thoải mái ngắm nhìn mây trời lượn lờ trôi ở phía trên.

Động Vân Thông

Những hang động với lối đi nhỏ nhưng luôn tràn ngập ánh sáng.
Những hang động với lối đi nhỏ nhưng luôn tràn ngập ánh sáng.

Sát vách núi của động Thiên Phước Địa có một khoảng sân rộng bằng phẳng là con đường tam cấp nhỏ hướng lên trên vào động Vân Thông. Động Vân Thông vẫn được gọi là "Đường lên trời" do động nằm trên vách núi cao, lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng động 40m và du khách phải chen người trèo lên, có đoạn rất tối, quanh co, ghồ ghề và chỉ đủ một người qua lọt, tạo cho du khách cảm giác vất vả và kỳ bí khi lên trời. Lên đến đỉnh động, du khách sẽ cảm nhận được rằng sự vất vả mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng bởi giống như đã được lên "tới trời", được hít thở không khí thoáng đãng, mát mẻ và thoải sức ngắm nhìn những cảnh đẹp nên thơ cùng với trời biển bao la bên dưới.

Động Vân Thông có thờ tượng Phật Adiđà, phía sau lưng bàn thờ Phật là lối đi lên đỉnh trời.

Động Thiên Long

Nằm bên trong động Thiên Phước Địa, cạnh cổng trời - Hang Gió Đông, động Thiên Long nằm sát vách núi và ăn sâu xuống lòng đất tạo hang sâu thẳm và không có đường đi xuống. Lòng hang vừa sáng, vừa tối có nhiều tảng đá nhấp nhô lớn nhỏ như miệng rồng nên có tên gọi là Thiên Long.

Tuy nhiên, đáy động ăn thông với Hang Gió của động Tàng Chơn nằm sau chùa Linh Ứng nên khi tham quan động nhiều du khách thường thắc mắc tại sao động không có lối đi xuống và đi xuống rất nguy hiểm nhưng lại có bóng và tiếng người rộn ràng ở đáy động. Đó là do nhiều người đến tham quan Hang Gió của động Tàng Chơn đã trèo lên phía trên và gặp đáy của động Thiên Long, đó chính là sự thông thường kỳ lạ và tạo sự liên hoàn giữa các hang động trong ngọn Thủy Sơn.

Động Tàng Chơn

Tên gọi "Tàng Chơn" có nghĩa là chứa đựng tất cả chân lý của vũ trụ. Ngay tại cửa động ghi rõ 3 chữ "Tàng Chơn động", lòng động như một thung lũng nhỏ dài khoảng 10m, rộng khoảng 7m, bên trong thoáng đãng nhờ có lỗ thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc tại Hang gió. Động thờ Phật Thích Ca và các vị Tiên Thánh.

Giữa động có miếu Tam Vị thờ 3 vị, chính giữa thờ Thái Thượng Lão Quân, bên phải thờ Bát Bộ Kim Cương và bên trái thờ Thượng Chiêm Thành. Trong động còn có 5 hang nhỏ gồm: hang Tam Thanh, Gió, Ráy (còn gọi là hang Adiđà), Chiêm Thành và Bàn Cờ.

Hang Tam Thanh thờ 3 vị thánh: Thượng Thanh, Trung Thanh, Hạ Thanh, được phát hiện vào đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, do thiền sư Bửu Đài phát hiện. Hiện nay, tượng các vị thánh không còn nữa và được thay vào đó là tượng Phật Thích Ca cao lớn, phía sau là tượng Phật nằm. Bên phải hang Tam Thanh là hang gió và bên trái là hang Chiêm Thành.

Hang Chiêm Thành có hình bán nguyệt, rộng 3m, đường hang tối và ghồ ghề, trong hang có 2 tác phẩm điêu khắc đá 2 vị hộ pháp bằng đá sa thạch (dài 0.9m) theo phong cách nghệ thuật Chăm, tượng được chạm trổ công phu, điều này chứng tỏ người Chăm có mặt tại đây và thờ Phật từ rất sớm.

Hang gió có lỗ hổng tự nhiên ăn thông với động Thiên Long mang gió và ánh sáng vào bên trong. Hang Bàn Cờ còn nguyên bàn cờ tiên bằng đá ghi dấu tích đánh cờ của các vị tiên thánh ngày xưa.

Chùa Linh Ứng

Đây là một trong những ngôi chùa có tên Linh Ứng tại Đà Nẵng. Được xây dựng vào những năm nửa đầu thế kỷ 17 với chu vi khoảng 150m, chùa nằm trên sườn đông của đỉnh Hạ Thai thuộc hòn Thủy Sơn, tựa lưng vào vách núi, xoay mặt ra biển.

Tương truyền có vị tiền hiền hiệu Quang Chánh, thế danh Bửu Đài sống ở làng Khái Đông thuộc xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay, đã đến ẩn tu tại động Tàng Chơn và lập ra một thảo am trước động gọi là " Dưỡng chơn am", sau đó ông sửa thành một ngôi chùa bằng tranh tre gọi là "Dưỡng Chơn đường". Ngôi chùa này là tiền thân của chùa Linh Ứng ngày nay.

Một trong 3 ngôi chùa có tên Linh Ứng ở Đà Nẵng, với vẻ thâm nghiêm, cổ kính.
Một trong 3 ngôi chùa có tên Linh Ứng ở Đà Nẵng, với vẻ thâm nghiêm, cổ kính.

Vua Gia Long trong một lần ngự du viếng cảnh ở Ngũ Hành Sơn, đã đến thăm và cho xây dựng lại chùa lớn hơn và đặt tên là "Ngự chế Ứng Chơn tự". Đến năm 1825, vua Minh Mạng vi hành đến Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang hơn, sắc phong Quốc Tự cho chùa và đổi tên thành "Ứng Chơn tự".

Đến thời vua Thành Thái năm thứ 14 - năm 1903, đích thân nhà vua ngự giá đến Ngũ Hành Sơn, thăm chùa Tam Thai và Ứng Chơn tự, tại đây vua đã tổ chức lễ trai đàn cầu Quốc thái dân an, xét thấy chữ "Chơn" đã phạm húy nên đổi "Linh Ứng Tự" và tên này được giữ nguyên cho đến nay.

Tượng Phật Bà quan Âm trong khuôn viên chùa Linh Ứng
Tượng Phật Bà quan Âm trong khuôn viên chùa Linh Ứng

Cũng giống chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng qua năm tháng đã bị hư hỏng nhiều bởi chiến tranh và thiên tai. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1985 nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính. Hiện nay, chùa còn giữ hai bảng vàng của vua Minh Mạng và vua Thành Thái ban tặng (Ngự chế Ứng Chơn tự Minh Mạng lục niên và Cải chế Linh Ứng tự Thành Thái tam niên).

Linh Ứng Tự thờ Phật Thích Ca lớn ngay chánh điện, gian bên trái thờ Phổ Điền Bồ Tát.

Làng nghề

Dưới chân ngọn Thủy Sơn là các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ phát triển từ các làng nghề có tuổi đời trên 400 năm. Hiện làng nghề có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa (khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Làng nghề đá non nước với những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Làng nghề đá non nước với những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Trước đây, làng nghề khai thác nguyên liệu ngay tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từ sau năm 1980, để bảo vệ di tích và cảnh quan khu danh thắng, nguyên liệu chủ yếu được mua từ các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An… Sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ non nước được đánh giá là tinh xảo, đa dạng và phong phú về mọi mặt.

Tháng 4-2014, Hội đồng xét công nhận của thành phố Đà Nẵng đã chính thức công nhận nghề truyền thống - làng nghề truyền thống đối với làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Đặc biệt, 3 hội viên của Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước đã vinh dự được Chủ tịch Nước công nhận là nghệ nhân ưu tú, gồm các nghệ nhân: Lê Bền, Nguyễn Việt Minh và Nguyễn Long Bửu. Cũng trong năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, Ngày 22-3-1990, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

NHƯ NGUYỆT

.