Đảng viên hưu trí Bùi Công Minh góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XXII Đảng bộ thành phố

.

Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố của ông Bùi Công Minh, đảng viên hưu trí thuộc Đảng bộ phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu.

Với tư cách cá nhân là một đảng viên về hưu,  tôi đề nghị dự thảo cần bổ sung và nhấn mạnh nội dung “Xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng” vào một đề mục thích hợp. Thứ nhất, phát triển con người một cách bền vững hiện nay đang là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Phát triển con người không chỉ được thể hiện qua việc chăm lo chất lượng “nguồn nhân lực kỹ thuật” - như nhiều lần trong dự thảo đã có nêu - mà quan trọng hơn là phải quan tâm xây dựng, khơi dậy và phát huy toàn diện mọi năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách con người, biến nó thành nguồn lực xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.   

Quan điểm này được thể hiện rất rõ qua dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sắp tới của Đảng (dưới đây gọi tắt là dự thảo của Trung ương). Ngay trong phần I: “Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII...” đã có một nhận định được nhấn mạnh (in đậm) đề cập tới vấn đề phát triển con người: “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được coi trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng”.

Để triển khai nhận định này, dự thảo của Trung ương nói rõ thêm: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang dần trở thành trung tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái phương hại đến lối sống con người được chú trọng”. (tr.6, tài liệu dự thảo của Trung ương). Như vậy là bên cạnh việc đào tạo nhân lực được nêu trong phần “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ” trước đó, nội dung phát triển con người được đề cập cụ thể hơn, đầy đủ hơn, có tính chất quan điểm, ở phần về văn hóa.

Quan điểm về xây dựng và phát triển con người còn được nêu lên ở nhiều chỗ khác trong dự thảo của Trung ương, như vấn đề “giáo dục làm người”, “vai trò của văn hóa trong xây dựng con người”, “văn học nghệ thuật thiếu những tác phẩm lớn... có tác dụng tích cực đối với con người”... Đặc biệt, trong mục II: “Tầm nhìn và định hướng phát triển”, ở điểm 4, dự thảo của Trung ương nhấn mạnh mục tiêu “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong dự thảo lần này của Trung ương cũng nêu cả những nội dung mới như “an ninh con người” (điểm 5, mục II), hoặc “triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” ở đoạn mở đầu mục VII: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Trích dẫn hơi nhiều như trên để thấy quan điểm xuyên suốt của Trung ương về phát triển con người Việt Nam trong việc chuẩn bị nội dung cho Đại hội XIII đồng thời cũng là định hướng cho việc chuẩn bị nội dung đại hội các tỉnh, thành.

Thứ hai, trong các kỳ đại hội trước đây, nhất là từ Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố đến nay, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã đề cập và nhấn mạnh nội dung xây dựng con người Đà Nẵng với những đặc điểm địa phương đồng thời mang bản sắc con người Việt Nam nói chung. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII (2001-2005): “Xây dựng con người Đà Nẵng theo những phẩm chất có tính đặc thù truyền thống địa phương và những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam nói chung”.

Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XXI (2015-2020), phần 4: “Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tập trung xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân có nêu nhiệm vụ: “Xây dựng môi trường, đời sống văn hóa và con người Đà Nẵng phù hợp với văn minh đô thị”.  Tất nhiên không phải nghị quyết các nhiệm kỳ phải lặp lại nội dung, tuy nhiên, xây dựng và phát triển con người là tư tưởng xuyên suốt nên cần được nhấn mạnh lại trong bối cảnh tình hình mới, nhận thức mới, cách tiếp cận mới.

Thứ ba, về thực tế thành phố chúng ta có thể thấy những năm qua, cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng con người Đà Nẵng có lối sống văn hóa, văn minh đô thị, rõ nhất là trong Chương trình “3 có”. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện con người Đà Nẵng về nhận thức tư tưởng chính trị, về đạo đức, về lối sống văn minh đô thị, về ý thức cộng đồng... cả về mức sống vật chất và tinh thần hiện tại thì chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để thật sự đáp ứng yêu cầu của chuẩn mực công dân một thành phố văn minh, hiện đại. Vì những lý do trên, tôi mong muốn trong dự thảo cần bổ sung thêm cụm từ  “xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng”.

Cụ thể: ở điểm 2, mục II của phần thứ nhất, đề nghị bổ sung như sau: “Văn hóa-xã hội tiếp tục đạt nhiều tiến bộ; việc xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng được quan tâm thường xuyên; chất lượng giáo dục và đào tạo...”. Ở điểm 1.3, mục II. “Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể” của phần thứ hai, đề nghị bổ sung như sau: “Phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng; tạo nền tảng cho thành phố phát triển bền vững....”. Trong nội dung triển khai điểm 1.3 cần bổ sung thêm đoạn nói về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng để tương ứng với đề mục.

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.